Bút Tháp - Ngôi chùa của trí tuệ Việt Nam
Văn hóa - Thể thao 06/09/2024 09:50
Chùa Bút Tháp quay mặt về hướng Nam - hướng của trí tuệ Bát Nhã. Nhiều học giả cho hay: Bút Tháp do Tự Đức, một ông vua hay chữ nhất triều Nguyễn đặt tên cho chùa. Chùa còn có tên chữ là Linh Phúc Tự. Nhiều ý kiến cho rằng chùa Bút Tháp xây dựng từ triều nhà Lý; cũng có ý kiến cho chùa Bút Tháp được xây dựng từ thời Trần, do Thiền phái Trúc Lâm kiến tạo.
Chùa Bút Tháp có được quy mô hoành tráng, đồ sộ như ngày hôm nay nhờ cuộc trùng tu lớn thời Lê - Trịnh (hoàn thành vào năm 1647). Công lao tu tạo chùa Bút Tháp, tấm bia còn ghi: Bà chính cung Hoàng Thái Hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc xin cha là Chúa thành Đô Vương Trịnh Tráng cấp chỉ chuyển ruộng Hương Lộc của mình và con gái là công chúa Lê Thị Ngọc Duyên làm ruộng công đức xây lại chùa Bút Tháp. Chùa Bút Tháp toạ lạc trong một bông sen khổng lồ rộng 3ha ở phía Tây làng Bút Tháp, xã Đình Tổ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Chùa quay mặt về hướng Nam, nhìn xuống dòng sông Đuống: Con sông Đuống chảy đến làng Bút Tháp bỗng đổi dòng gấp khúc, lượn lờ không muốn chảy, lưu luyến ngưng tụ lại. Đó chính là nghiên mực muôn đời đầy nước. Dưới con mắt các nhà địa lí: Mảnh đất nhìn ra nơi tụ thuỷ là đất lành - chính là huyệt tràng - nơi phát đạt và thịnh vượng, nên người xưa đã đặt chùa Bút Tháp vào chính nơi đầy vượng khí.
Từ chùa Bút Tháp có thể xuôi dòng sông Đuống ra sông Hồng về Thăng Long. Chùa Bút Tháp về chùa Dâu 3km.
Chùa Bút Tháp là một quần thể kiến trúc hoàn chỉnh toàn bộ khu chùa gồm 10 nếp nhà nằm trên trục chính dài trên 100m. Các nếp nhà chia làm hai khối lớn. Khối thứ nhất gồm: Tam Quan, Gác Chuông, Thiên Hương, Thiên Địa, qua cầu Đá, ao sen đến nhà Tích Thiện.
Khối thứ hai gồm: Chùa, nhà Trung, hậu Đường.
Bên phải chùa là tháp Bảo Viên hay Bút Tháp năm tầng, cao trên 13m, được xây bằng đá xanh. Là một tháp đẹp quý hiếm ở Việt Nam, được tôn vinh là Di sản cấp Quốc gia.
Các tác phẩm gỗ, đá đều tinh xảo, có giá trị nghệ thuật cao: Kiệt tác Phật Bà Ngàn Mắt Ngàn Tay cao 3,7m tạc năm Bính Thân (1656) tượng như vầng hào quang toả ra từ ngàn cánh tay, ngàn đôi mắt. Kiệt tác này đã được tôn vinh là bảo vật Quốc gia. 91 tác phẩm trạm đá hoàn mĩ ở lan can đá, quanh toà thượng điện bên cầu đá, trên nền tháp Bảo Nghiêm với đề tài đa dạng: Cỏ cây, hoa lá, muông thú… là di tích độc đáo nhất Việt Nam. Phật Bà Quan Âm ở chùa Bút Tháp được tạc rất kì công. Quan Âm Bồ Tát ở đất Phật Ấn Độ là nam, sang Việt Nam thành nữ, phải chăng đó là tính dân tộc độc đáo của cổ nhân xưa? Đó là tính mẫu hệ - phụ nữ là mẹ của muôn loài.
Kiệt tác Tượng Tuyết Sơn thể hiện con người khắc khổ tu hành nhiều năm, có đường nét gồ ghề, những đường uốn lượn khúc khuỷu tạo cho người xem cảm giác khổ cực, nhưng có cái nhìn rắn rỏi không rệu rã. Đặc biệt gương mặt Tuyết Sơn vẫn đôn hậu, nhẫn nhục, kiên nghị, nhìn thẳng vào tương lai, không buồn bã, tuyệt vọng.
Kiệt tác Tháp Liên Hoa bằng gỗ cao 9 tầng, chạm trổ tinh vi những tình huống của đạo Phật khi đang tu hành: Phải trải qua 9 kiếp sau mới làm người. Tháp Liên Hoa còn thể hiện vòng luân hồi của đạo Phật, gợi cho người ta niềm khao khát vươn tới cõi niết bàn.
Đến Bút Tháp du khách còn vô cùng thích thú và cảm động khi được nghe các nhà sư kể về cuộc tình bất hạnh của Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc: Bà đã có 4 con riêng sau lại được gả cho vua Lê Trần Tông. Có lẽ dù cuộc tình không được mặn mà, mặc dù đã được coi là “mẫu nghi thiên hạ”, Hoàng Thái hậu cũng nhanh chóng về chùa Bút Tháp quy y cửa Phật. Tại đây bà đã viết tác phẩm: “Chi nam ngọc âm giải nghĩa”. Được coi là tác phẩm từ điển Hán Nôm và là bộ Bách khoa thư đầu tiên của Việt Nam. Tượng bà hiện đang được trưng bày ở Bảo tàng Mĩ thuật Quốc gia, được tôn vinh là bảo vật Quốc gia. Các pho tượng chân dung quận chúa, công chúa, hoàng hậu là những kiệt tác và khuôn mẫu của tượng Phật và tượng chân dung Việt Nam ở thế kỉ XVII, trở thành di sản nghệ thuật vô giá của chùa Tháp Việt Nam.
Năm 1962, chùa Bút Tháp được công nhận là Di tích Quốc gia; năm 2013, được tôn vinh là Di sản Quốc gia đặc biệt.
Lễ hội truyền thống chùa Bút Tháp được tổ chức ngày 24/3 âm lịch hàng năm, thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài nước. Buổi tối du khách và Tăng ni dâng hương lễ Phật, các vãi niệm Phật kể hạnh, các gánh tuồng, chèo, quan họ phục vụ thâu đêm. Ban ngày nhiều trò vui chơi được tổ chức như: đu tiên, đấu vật, đấu cờ, thả chim… Chùa Bút Tháp đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng của nước ta.