Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Uớc thu ngân sách nhà nước năm 2023 đạt dự toán
Sự kiện 24/10/2023 09:33
Thu ngân sách nhà nước đạt được nhiều kết quả khả quan
Theo đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thu ngân sách nhà nước thực hiện 9 tháng đầu năm 2023 đạt 1.223,8 nghìn tỷ đồng, bằng 75,5% dự toán. Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, Chính phủ, Quốc hội đã triển khai thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất, ước thu ngân sách nhà nước cả năm 2023 khoảng 1.620,8 nghìn tỷ đồng, bằng dự toán Quốc hội giao; tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước đạt khoảng 15,7%GDP.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày trước Quốc hội báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương ngân sách trung ương năm 2024, Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm (năm 2024 đến năm 2026) tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. |
Cụ thể: Trong 9 tháng đầu năm 2023, thu nội địa đạt 76% dự toán. Ước cả năm khoảng 1.358,2 nghìn tỷ đồng, đạt 101,8% (tăng 23,9 nghìn tỷ đồng) so dự toán.
Thu từ dầu thô: 9 tháng đạt 109,5% dự toán. Ước cả năm khoảng 62,1 nghìn tỷ đồng, đạt 147,9% (tăng 20,1 nghìn tỷ đồng) so dự toán, trên cơ sở dự kiến giá bán và sản lượng khai thác cao hơn dự toán.
Thu cân đối từ hoạt động XNK: 9 tháng ước đạt 68,5% dự toán. Ước cả năm khoảng 195 nghìn tỷ đồng, đạt 81,6% (giảm 44 nghìn tỷ đồng) so dự toán.
Thu viện trợ: ước cả năm đạt dự toán là 5,5 nghìn tỷ đồng.
Uớc thu ngân sách nhà nước năm 2023 đạt dự toán, trong đó thu ngân sách trung ương ước giảm khoảng 10-15 nghìn tỷ đồng, thu ngân sách địa phương tổng thể ước tăng khoảng 10-15 nghìn tỷ đồng so dự toán.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung Phiên họp. |
Nếu kể cả khoảng 75 nghìn tỷ đồng giảm thu do thực hiện chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế thì thu ngân sách nhà nước cả năm ước đạt 1.695,8 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 4,6% so dự toán, là mức rất tích cực trong bối cảnh hiện nay.
Chi ngân sách nhà nước giảm so với dự toán
Liên quan vấn đề chi ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, ước đạt 1.239,4 nghìn tỷ đồng, bằng 59,7% dự toán.
Về việc trình bổ sung dự toán năm 2023 cho một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương: Căn cứ đề nghị bổ sung dự toán của 32 Bộ, cơ quan trung ương với tổng số kinh phí là 4.643 tỷ đồng, Chính phủ có Tờ tình số 513/TTr-CP ngày 5/10/2023 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 cho các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương là 2.508 tỷ đồng. Tại Thông báo số 2889/TB-TTKQH ngày 18/10/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương là 2.508 tỷ đồng.
Thực hiện Thông báo số 2889/TB-TTKQH ngày 18/10/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội: Cho phép bổ sung 2.508 tỷ đồng dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương từ nguồn dự toán chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2023 đã được Quốc hội quyết định; Giao Chính phủ giao nhiệm vụ chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho từng bộ, cơ quan trung ương, từng địa phương; chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương có liên quan triển khai thực hiện, quản lý, sử dụng kinh phí hiệu quả, đúng mục tiêu, đúng quy định của pháp luật.
Các đại biểu nghe báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. |
Ngoài số 2.508 tỷ đồng nêu trên, căn cứ đề nghị của các Bộ KH&CN, Bộ TN&MT, Bộ Tài chính đã có các tờ trình Chính phủ: Tờ trình số 216/TTr-BTC ngày 17/10/2023 phân bổ dự toán kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ của ngân sách trung ương đợt 2 năm 2023, trong đó thống nhất phân bổ 176,3 tỷ đồng; Tờ trình số 217/TTr-BTC ngày 17/10/2023 phân bổ dự toán kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường của ngân sách trung ương đợt 2 năm 2023, trong đó thống nhất phân bổ: 158,8 tỷ đồng.
Trên cơ sở Chính phủ và các địa phương chỉ đạo tập trung giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước, vốn các Chương trình MTQG; triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, điều hành chi chặt chẽ trong phạm vi dự toán, ước chi ngân sách nhà nước cả năm khoảng 2.035,9 nghìn tỷ đồng, giảm 40,3 nghìn tỷ đồng (-1,9%) so dự toán. Phấn đấu giải ngân đầu tư công cả năm đạt khoảng 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Căn cứ đánh giá thu và chi ngân sách nhà nước, ước bội chi ngân sách nhà nước khoảng 415,2 nghìn tỷ đồng (giảm 40,3 nghìn tỷ đồng so dự toán), khoảng 4%GDP. Đến cuối năm 2023, các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong phạm vi Quốc hội cho phép.
Dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 tăng khoảng 5%
Cũng theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 đạt khoảng 1.700,9 nghìn tỷ đồng, tăng 80,1 nghìn tỷ đồng (khoảng 5%) so với dự toán và ước thực hiện năm 2023. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước đạt 15,3%GDP.
Dự toán năm 2024 được xây dựng đã dự tính tiếp tục thực hiện mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như và đồng thời, tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế GTGT trong 06 tháng đầu năm 2024. Cụ thể: Dự toán thu nội địa là 1.444,4 nghìn tỷ đồng, tăng 86,3 nghìn tỷ đồng so với ước thực hiện năm 2023, chiếm 84,9% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước, trong đó: thu nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh là 1.085,2 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% so với ước thực hiện năm 2023.
Toản cảnh phiên họp tại hội trường. |
Thu dầu thô là 46 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,9% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước (trên cơ sở sản lượng khai thác khoảng 8,3 triệu tấn, giá dầu dự toán khoảng 70 USD/thùng).
Thu cân đối từ hoạt động XNK là 204 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,4% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước. Trong đó dự toán thu là 375 nghìn tỷ đồng, tăng 5,6% so ước thực hiện năm 2023; chi hoàn thuế GTGT là 171 nghìn tỷ đồng.
Thu viện trợ khoảng 6,5 nghìn tỷ đồng.
Mức dự toán nêu trên là tích cực trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức.
Bội chi ngân sách nhà nước: Bám sát mục tiêu Kế hoạch 05 năm theo Nghị quyết của Quốc hội, dự toán bội chi ngân sách nhà nước năm 2024 là 399,4 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 3,6%GDP. Đến cuối năm 2024, các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ nằm trong phạm vi Quốc hội cho phép.
Về khả năng bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương: Đến hết năm 2022, nếu tính cả nguồn kinh phí cải cách tiền lương còn lại và nguồn bố trí từ tăng thu của ngân sách trung ương các năm (bao gồm từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 đang trình các cấp) thì tổng nguồn ngân sách trung ương dành để thực hiện cải cách tiền lương khoảng 132 nghìn tỷ đồng; nguồn tích lũy của ngân sách địa phương khoảng trên 430 nghìn tỷ đồng.
Với dự kiến thu – chi ngân sách nhà nước năm 2024, cùng với việc sử dụng một phần nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương và các nguồn của ngân sách địa phương dự kiến đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW từ ngày 01/7/2024. Trong đó: trình Quốc hội cho phép sử dụng khoảng 19 nghìn tỷ đồng thu chuyển nguồn cải cách tiền lương còn dư sang bố trí dự toán năm 2024 của một số địa phương để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng.
Về chi ngân sách nhà nước: Kiến nghị nguyên tắc bố trí dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2024 như sau: Thứ nhất, đảm bảo bố trí tổng chi đầu tư phát triển lớn hơn bội chi ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn theo Luật Đầu tư công và các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển khác theo Luật Ngân sách Nhà nước.
Thứ hai, bố trí chi trả lãi đầy đủ, đúng hạn, chi dự phòng, dự trữ quốc gia ở mức hợp lý để bảo đảm xử lý kịp thời các nhiệm vụ cấp bách phát sinh.
Thứ ba, bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo kết luận của Trung ương; Dành nguồn thực hiện điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng đối với các đối tượng được ngân sách nhà nước đảm bảo; Tăng chế độ ưu đãi người có công và một số chế độ an sinh xã hội đảm bảo bù đắp một phần trượt giá và có tăng thêm; Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, các nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội.
Với mức thu và bội chi ngân sách nhà nước như trên, dự toán tổng chi cân đối ngân sách nhà nước năm 2024 khoảng 2.100,3 nghìn tỷ đồng, tăng 24,1 nghìn tỷ đồng (+1,2%) so với dự toán năm 2023.
Nếu tính cả số thu chuyển nguồn cải cách tiền lương còn dư sang bố trí dự toán chi năm 2024 của một số địa phương (khoảng 19 nghìn tỷ đồng) thì tổng chi cân đối ngân sách nhà nước năm 2024 khoảng 2.119,4 nghìn tỷ đồng.
Về dự kiến bố trí các lĩnh vực như sau: Dự toán chi đầu tư phát triển là 677,3 nghìn tỷ đồng, tăng 108 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2023 (không kể phần kinh phí bố trí cho Chương trình phục hồi năm 2023); chiếm tỷ trọng 32,2% tổng chi ngân sách nhà nước (là mức cao so với một số năm qua).
Dự toán chi trả lãi là 111,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2023, đảm bảo chi trả nợ lãi đầy đủ, đúng hạn.
Dự toán chi viện trợ là 2,2 nghìn tỷ đồng, tăng 200 tỷ đồng so với dự toán năm 2023.
Dự toán chi dự trữ quốc gia là 1,16 nghìn tỷ đồng, đảm bảo thực hiện kế hoạch dự trữ quốc gia 05 năm 2021-2025.
Bố trí dự toán chi cải cách tiền lương năm 2024 (bao gồm nhu cầu kinh phí tăng thêm đảm bảo đủ thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng ngay từ đầu năm và thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW từ ngày 01/7/2024).
Về việc xử lý bù mặt bằng chi cân đối ngân sách địa phương năm 2024: Có một số địa phương có dự toán thu ngân sách địa phương năm 2024 giảm so với dự toán năm 2023, khiến mặt bằng chi cân đối ngân sách địa phương giảm so với năm 2023, không đảm bảo nguồn lực thực hiện các chính sách, chế độ và nhiệm vụ chính trị quan trọng theo phân cấp. Vì vậy, đối với các địa phương này, kiến nghị bố trí ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương để đảm bảo mặt bằng dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2024 không thấp hơn dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2023, tổng thể khoảng 19,2 nghìn tỷ đồng.
Dự toán chi thường xuyên (chưa gồm kinh phí tăng thêm để đảm bảo đủ thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng ngay từ đầu năm) là 1.175,7 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5 nghìn tỷ đồng so dự toán năm 2023.
Bổ sung quỹ dự trữ tài chính là 100 tỷ đồng, bằng dự toán 2023.
Dự phòng ngân sách nhà nước là 57,8 nghìn tỷ đồng, tương đương dự toán năm 2023, đảm bảo tỷ lệ theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước (từ 2 – 4% tổng chi ngân sách nhà nước).
Về việc phân cấp ngân sách trung ương, ngân sách địa phương: Căn cứ quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, để các địa phương có thêm nguồn lực đáp ứng các nhiệm vụ chi quan trọng, phát sinh ở địa phương trong thời kỳ ổn định ngân sách, kiến nghị năm 2024 tăng 2% số chi bổ sung cân đối cho các địa phương so với dự toán năm 2023 (tương đương tăng khoảng 4,7 nghìn tỷ đồng).
Trên cơ sở đó, dự kiến chi ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2024 như sau: Dự toán chi ngân sách trung ương là 982,5 nghìn tỷ đồng, giảm 73,3 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2023. Nếu loại trừ kinh phí Chương trình phục hồi (157,4 nghìn tỷ đồng) thì tăng 84,1 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2023. Bố trí cho các nhiệm vụ cụ thể như sau: Chi đầu tư phát triển: 245 nghìn tỷ đồng, gồm: gồm: 225 nghìn tỷ đồng bố trí cho các nhiệm vụ chi theo kế hoạch đầu tư công trung hạn (tăng 14 nghìn tỷ đồng so dự toán năm 2023).
20 nghìn tỷ đồng bố trí cho các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển khác để xử lý bù giá cho dự án Nghi Sơn; bổ sung vốn điều lệ Ngân hàng NN&PTNT theo Nghị quyết của Quốc hội.
Bố trí dự toán chi trả lãi là 108,8 nghìn tỷ đồng, chi viện trợ là 2,2 nghìn tỷ đồng, chi dự trữ quốc gia là 1,16 nghìn tỷ đồng.
Dự phòng ngân sách trung ương là 34,9 nghìn tỷ đồng, bằng 3,6% tổng chi ngân sách trung ương, đảm bảo tỷ lệ theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước (2-4% tổng chi).
Dự toán chi cải cách tiền lương của ngân sách trung ương khoảng 48 – 49 nghìn tỷ đồng.
Bổ sung 19,2 nghìn tỷ đồng cho địa phương để xử lý bù mặt bằng dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2024 không thấp hơn dự toán năm 2023 như đã báo cáo.
Dự toán chi thường xuyên của ngân sách trung ương (chưa bao gồm kinh phí thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng cả năm 2024) là 522,5 nghìn tỷ đồng, chỉ tăng 7,3 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2023, đòi hỏi phải rà soát kỹ, cắt giảm các nhiệm vụ chi thường xuyên năm 2023 không tiếp tục phát sinh năm 2024 (khoảng 20 nghìn tỷ đồng), triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cấp thiết, các khoản chi hội nghị hội thảo, đoàn ra,... để đảm bảo nguồn cho các nhiệm vụ tăng chi quan trọng, cấp bách.
Dự toán chi ngân sách địa phương, bao gồm cả số bổ sung cân đối của ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương dự kiến tăng 2% so với dự toán năm 2023, bù mặt bằng chi cân đối ngân sách địa phương và đảm bảo thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng cả năm 2024 là 1.171 nghìn tỷ đồng, tăng 150,6 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2023.
Dự kiến bố trí như sau: Dự toán chi đầu tư phát triển của ngân sách địa phương là 432,3 nghìn tỷ đồng, trong đó: từ nguồn thu tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết tương ứng số thu; chi từ nguồn bội chi ngân sách địa phương là 26,5 nghìn tỷ đồng; đầu tư xây dựng cơ bản tập trung là 136,5 nghìn tỷ đồng.
Dự toán chi trả nợ lãi, phí các khoản ngân sách địa phương vay là 2.874,3 tỷ đồng.
Bố trí chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính là 100 tỷ đồng; dự phòng ngân sách địa phương là 22,9 nghìn tỷ đồng, đảm bảo tỷ lệ theo quy định.
Dự toán chi cải cách tiền lương là 6,4 nghìn tỷ đồng.
Dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương là 706,3 nghìn tỷ đồng, tăng 49,3 nghìn tỷ đồng so dự toán năm 2023.
Về kế hoạch tài chính, ngân sách nhà nước 03 năm 2024-2026
Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2024-2026 được xây dựng với dự kiến tình hình kinh tế - xã hội từng bước cải thiện, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn được đảm bảo.
Dự toán thu ngân sách nhà nước được xây dựng ở mức tích cực, phù hợp với dự báo tăng trưởng kinh tế.
Dự toán chi ngân sách nhà nước xây dựng chặt chẽ, theo quy định của pháp luật, ưu tiên bố trí chi đầu tư, triệt để tiết kiệm các nhiệm vụ chi thường xuyên chưa thực sự cấp thiết, đảm bảo nghĩa vụ chi trả nợ lãi, viện trợ, dự phòng, dự trữ quốc gia.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết thêm: Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV lần này, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung như sau: Một là, tiếp tục thực hiện mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế GTGT như Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội trong 06 tháng đầu năm 2024. Hai là, quyết định một số nội dung đã báo cáo, gồm: Tăng số bổ sung cân đối cho ngân sách địa phương năm 2024; xử lý bù mặt bằng chi cân đối ngân sách địa phương; thu chuyển nguồn cải cách tiền lương năm trước của các địa phương còn dư sang bố trí dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2024 để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng. Ba là, lộ trình thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW; điều chỉnh phù hợp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở. Bốn là, việc thực hiện các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù đối với các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước ở trung ương. Năm là, cho phép bố trí vào dự toán chi thường xuyên giao đầu năm cho các cơ quan, đơn vị đối với một số nhiệm vụ chi không giao tự chủ, các nhiệm vụ đặc thù phát sinh không thường xuyên đã đầy đủ hồ sơ, thủ tục nhưng quy định pháp luật hiện hành chưa phân định rõ ràng giữa bố trí từ nguồn vốn đầu tư phát triển hay từ nguồn kinh phí chi thường xuyên (hiện đang cân đối trong dự toán chưa giao đầu năm các lĩnh vực chi thường xuyên tương ứng). Sáu là, chuyển nguồn sang năm sau phần kinh phí thực hiện các chính sách an sinh xã hội còn dư của các địa phương có kết quả thực hiện các chính sách an sinh xã hội năm 2022, 2023 thấp hơn mức đã tính trong định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách địa phương năm tương ứng, để tiếp tục thực hiện các chính sách an sinh xã hội do trung ương ban hành, không được sử dụng cho mục đích khác. |