Cơ hội mà kỉ nguyên số mang lại cho người cao tuổi
Vấn đề hôm nay 06/11/2024 16:19
Ông Phan Văn Hùng (thứ 2 từ trái sang) phát biểu tại buổi Tọa đàm: "Già hóa dân số trong Thời đại 4.0" |
Tọa đàm “Aging in Digital: Già hóa trong Thời đại 4.0” là cơ hội để các bên liên quan trực tiếp trao đổi về những vấn đề như già hóa dân số, chăm sóc NCT trong thời đại số, cùng với vai trò giới trong công tác chăm sóc. Sự kiện không chỉ là nơi chia sẻ kết quả nghiên cứu mà còn là dịp để giới thiệu dự án sắp tới nhằm góp phần giải quyết những vấn đề của NCT và xây dựng cộng đồng NCT số - một nền tảng kĩ thuật số hướng tới NCT, người trung niên chuẩn bị cho tuổi già, và những người chăm sóc.
Với mục tiêu kêu gọi sự quan tâm của các đối tác và thúc đẩy đầu tư cho dự án, tọa đàm sẽ là khởi đầu cho các giải pháp hỗ trợ NCT sống an vui, hòa nhập, phát triển trong kỉ nguyên số. Đồng thời, công bố những phát hiện trong nghiên cứu gần đây về nhu cầu của NCT khi sử dụng ứng dụng điện thoại và công nghệ số, cũng như vai trò và thực hành giới trong công việc chăm sóc NCT. Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia cũng đánh giá về nhu cầu, tầm quan trọng và vấn đề đặt ra về tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin; nhằm đưa ra giải pháp, giải quyết các vấn đề NCT phải đối mặt trong Thời đại số như hiện nay.
Các đại biểu tham dự buổi Tọa đàm |
Bà Trần Bích Thủy chia sẻ: Theo thống kê, có 72% NCT sử dụng smartphone; 7,9% không có bất kì thiết bị điện tử nào; 56% NCT truy cập Internet hằng ngày; rất nhiều NCT có những kĩ năng cơ bản về công nghệ và khả năng học tập nhưng cần được tập huấn thêm về các nội dung như an toàn trên không gian mạng, cách thực hiện giao dịch tài chính. Các rào cản chính đối với NCT trong tiếp cận với công nghệ, bao gồm: 67,2% NCT lo ngại về thiếu kiến thức; 46,5% NCT sợ mắc lỗi sai; 41% NCT lo ngại về an ninh và tính bảo mật. Trong đó, nam giới cao tuổi có khả năng tiếp cận tới các thiết bị công nghệ cao hơn và có khả năng sử dụng thành thạo hơn so với phụ nữ cao tuổi; chỉ có 12,7% NCT trên 80 tuổi tại khu vực nông thôn có tiếp cận với Internet. Rào cản lớn nhất đối với NCT là do hạn chế trong nguồn thu nhập ở khu vực nông thôn, khả năng chi trả cho các thiết bị công nghệ thông tin và các dịch vụ Internet thấp.
Ngoài ra, cỡ chữ quá nhỏ, giao diện khó sử dụng, rào cản ngôn ngữ, thường xuyên thay đổi...) cũng là rào cản đối với NCT, chỉ có 20% NCT cho rằng họ tự tin và thoải mái trong việc tìm kiếm và sử dụng các ứng dụng online, số còn lại cho biết họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận, thích ứng với các công nghệ mới.
Quang cảnh buổi Tọa đàm |
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội NCT Việt Nam, TS Phan Văn Hùng cho biết: Thời gian qua, cán bộ Hội NCT Việt Nam nói riêng, các cấp Hội NCT cả nước nói chung đều sử dụng công nghệ số, thực hiện quét mã QR, lập nhóm, sử dụng Zalo, Gmail để chuyển tải thông tin (như thông báo, mời họp, gửi báo cáo) rất nhanh, hiệu quả. Ngoài ra, Hội còn phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; diễn đàn kinh tế bạc; bảo vệ NCT trên không gian mạng đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Trong thời gian tới, Hội tiếp tục phối hợp duy trì, phát triển, nâng cấp các cổng, trang tin điện tử hỗ trợ NCT; nghiên cứu phát triển các công nghệ, công cụ, sản xuất tài liệu phục vụ đào tạo sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông phục vụ hoạt động học tập, giảng dạy, truyền nghề, sản xuất kinh doanh, phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT.