Bài 2: Thực tiễn vận dụng triển khai các nội dung NQ số 30-NQ/TW trong Chương trình xây dựng nông thôn mới
Tin tức 01/06/2023 18:24
Khởi đầu gian khó
Hệ thống giao thông ở Vĩnh Phúc được kết nối liên vùng, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị. Tạo động lực cho phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh |
Năm 2010, tỉnh Vĩnh Phúc bắt tay vào xây dựng NTM với xuất phát điểm rất thấp, chỉ có 14 xã đạt 10 - 14 tiêu chí, 80 xã đạt 5 - 9 tiêu chí, 18 xã đạt dưới 5 tiêu chí; bình quân mỗi xã đạt 6,6 tiêu chí. Hiệu quả sản xuất nông nghiệp còn thấp, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nhân lực khu vực nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn tuy được cải thiện nhưng vẫn còn khó khăn…
Đến nay hệ thống đường giao thông, cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, sạch đẹp. Nông thôn mới đã làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con nông dân với nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh, dịch vụ cho hiệu quả kinh tế cao được nhân rộng.
Điểm nhấn là Vĩnh Phúc đã xác định rõ sự cần thiết và tầm quan trọng của Chương trình xây dựng NTM. Tỉnh đã tiến hành kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng NTM các cấp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM.
Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Vĩnh Phúc đã đầu tư phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn; công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, tâm linh gắn với bảo vệ môi trường đang là hướng đi đúng bền vững của Đảng bộ, Chính quyền - Nhân dân trong tỉnh ta.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để tăng năng suất lao động. Thúc đẩy chuyển đổi số, trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát triển mạnh các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp - dịch vụ nông nghiệp như công nghiệp sản xuất thiết bị, máy móc, vật tư phục vụ nông nghiệp, công nghệ chế biến, bảo quản nông sản.
Vĩnh Phúc đã hình thành các cụm liên kết sản xuất - chế biến, tiêu thụ nông sản gắn với doanh nghiệp, hợp tác xã để phát triển theo chuỗi giá trị như: liên kết trồng lúa, rau, hoa, quả đặc sản, nuôi trồng thủy hải sản, gắn với cơ sở chế biến, bảo quản, phân phối tại các tỉnh thành trong vùng; cụm liên kết sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và làng nghề truyền thống của các địa phương; liên kết ngoại vùng trong sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao như: hữu cơ, tuần hoàn, công nghệ cao...
Qua đó Vĩnh Phúc phải thường xuyên, liên tục tăng cường kết nối giữa các địa phương trong vùng theo hướng trao đổi hàng hóa, gắn với liên kết các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, quảng bá, giao lưu quốc tế. Chú trọng phát triển thương mại ổn định gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, chính trị trên địa bàn.
Xây dựng NTM kiểu mẫu gắn với đô thị hóa
Ngành công nghiệp Vĩnh Phúc phát triển mạnh mẽ |
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng NTM, trong đó chú trọng xây dựng NTM, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị hóa, bảo vệ, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo tồn không gian kiến trúc văn hóa làng, xã truyền thống nông thôn vùng Bắc Bộ; bảo vệ môi trường, không gian cảnh quan, gắn phát triển làng nghề truyền thống với phát triển du lịch.
Tập trung phát triển hệ thống đô thị hiện đại, thông minh, bền vững, theo mạng lưới, thích ứng với biến đổi khí hậu; phân bổ hợp lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất để Vĩnh Phúc trở thành vùng đô thị lớn nhất vùng ĐBSH và có tỷ lệ đô thị hóa cao, chất lượng cuộc sống tốt. Bên cạnh đó, lấy định hướng phát triển giao thông làm “đòn bẩy” quy hoạch đô thị, phát triển hệ thống đô thị như: Vĩnh Yên, Phúc Yên, Bình Xuyên, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Tam Đảo… Ngoài ra, trong quá trình tốc độ đô thị hóa tỉnh cũng phải đáp ứng yêu cầu thoát lũ, phòng, chống thiên tai, khai thác, sử dụng hiệu quả không gian, quỹ đất.
Đối với du lịch, với tiềm năng, thế mạnh về du lịch, Vĩnh Phúc đang nỗ lực phát huy đưa du lịch trở thành một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế - xã hội như: Du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần và du lịch sinh thái rừng; du lịch văn hoá, lịch sử, thắng cảnh, làng quê, làng nghề; du lịch công vụ mua sắm, hội nghị, hội thảo.
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều làng nghề truyền thống được công nhận như: mật ong, ba kích Tam Đảo; mây tre đan Triệu Đề huyện Lập Thạch; gốm Hương Canh thị trấn, Bình Xuyên; các sản phẩm từ rắn của Vĩnh Sơn Vĩnh Tường... Các làng nghề truyền thống đã tạo ra nhiều loại sản phẩm thủ công độc đáo thu hút nhiều khách du lịch.
Đặc biệt làm tốt công tác quảng bá các sản phẩm du lịch, xúc tiến đầu tư để thu hút nguồn lực phát triển hạ tầng du lịch như: Tam Đảo; Tây Thiên…Có thể thấy, sự thuận lợi về vị trí địa lý, đa dạng phong phú về điều kiện tự nhiên - văn hóa - xã hội, cũng như sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng đã giúp Vĩnh Phúc có nền tảng và cơ hội để phát triển mạnh về du lịch.
Công tác lập quy hoạch, đề án xây dựng NTM và cơ sở hạ tầng. Qua thẩm định, tỉnh đã lựa chọn 16 đơn vị tư vấn tham gia quy hoạch xây dựng NTM cho 112 xã. Bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, hướng dẫn làm điểm xây dựng NTM, Ban chỉ đạo các huyện, xã thống nhất với các đơn vị tư vấn tiến hành khảo sát thực trạng, đánh giá thực trạng từng địa phương để lập quy hoạch.
Trên cơ sở đề án được duyệt, nguồn vốn phân bổ các xã đang tích cực triển khai xây dựng các dự án đầu tư cho từng hạng mục công trình theo các tiêu chí NTM. Đối với các xã làm điểm, tỉnh chỉ đạo mỗi xã chọn một công trình làm điểm xây dựng cơ sở hạ tầng. Đến thời điểm hiện tại xã điểm hoàn thành kế hoạch xây dựng 2km đường giao thông nội đồng, với tổng chiều dài là 40,6 km với kinh phí 58,8 tỷ đồng.
Để công tác xây dựng NTM, nâng cao, kiểu mẫu đạt kết quả cao cần có sự vào cuộc của toàn xã hội. Thực hiện phương châm Nhà nước hỗ trợ và cộng đồng dân cư làm là chủ yếu, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành xây dựng cơ chế huy động vốn cho từng nội dung chương trình theo quy định của Chính phủ, có cơ chế đặc thù của tỉnh. Khuyến khích các huyện, thành, thị xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các xã thực hiện Chương trình xây dựng NTM.
Vốn thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất hoặc thuê đất có thu tiền sử dụng trên địa bàn xã (sau khi trừ chi phí) để lại cho ngân sách xã ít nhất 80% để thực hiện các nội dung xây dựng NTM. Thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; tạo điều kiện cho doanh nghiệp được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước hoặc của tỉnh được ngân sách Nhà nước hỗ trợ sau đầu tư và được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật.
Huy động mọi tầng lớp nhân dân đóng góp thực hiện Chương trình theo từng dự án cụ thể, tạo phong trào xã hội hoá mạnh mẽ trong quá trình xây dựng NTM. Đồng thời, khuyến khích nhân dân vay và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn tín dụng để đầu tư cho phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; kêu gọi các nguồn tài chính hợp pháp và con em quê hương đang làm việc, sinh sống xa quê góp vốn để xây dựng NTM.
Còn tiếp