Bắc Ninh kiến nghị nâng cấp 4 huyện lên đô thị loại IV
Tin tức - Sự kiện 25/08/2020 09:39
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc. |
Đây là một trong các nội dung Bắc Ninh kiến nghị tại buổi làm việc chiều 24/8, với Đoàn công tác Chính phủ do đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dẫn đầu nhằm đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh và đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh.
Liên quan đến tình hình dịch Covid-19, theo báo cáo của Bắc Ninh, tuy dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và ảnh hưởng sâu rộng đến hầu hết các ngành kinh tế, song những tháng đầu năm 2020, tỉnh Bắc Ninh vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, sản xuất nông nghiệp ổn định; chương trình xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh với 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 7/8 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Hoạt động thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp được chú trọng; đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4, thực hiện tốt cơ chế “4 tại chỗ” trong đăng ký kinh doanh. Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2020 ước đạt 20,6 tỉ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách Nhà nước khoảng 18.676 tỉ đồng, giảm 6,6% so với cùng kỳ... Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế phát triển toàn diện.
Công tác quản lý đầu tư công được quan tâm, đẩy mạnh thực hiện. Tổng chi đầu tư công kế hoạch năm 2020 của tỉnh là 5.931,5 tỉ đồng. Tính đến ngày 20/8, tỉ lệ giải ngân ngân sách địa phương đạt 68%, trong đó, ngân sách cấp tỉnh đạt 52,8%. Tỷ lệ giải ngân vốn Trung ương đạt 37,4%. Nguồn vốn ODA sẽ giải ngân hết trong năm 2020.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao những kết quả tỉnh Bắc Ninh đạt được trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị và nông thôn với quy mô đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy nhanh tốc độ xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh hướng tới chính quyền số với mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần hình thành nền hành chính chuyên nghiệp. Chú trọng phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; phát triển các khu, cụm công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, nhất là tại các làng nghề, khu công nghiệp; khắc phục và xử lý nghiêm các vi phạm ô nhiễm môi trường.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, giải ngân các dự án, nhất là các dự án trọng điểm, các dự án có vốn bố trí lớn, dự án hoàn thành trong năm 2020. Đồng thời, tích cực kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong việc thực hiện nhiệm vụ đầu tư công. Hoàn thiện và hướng dẫn triển khai thống nhất trong toàn tỉnh hệ thống thông tin về đầu tư, giải ngân vốn ngân sách Nhà nước theo quy định để kịp thời cập nhật tình hình giải ngân, phục vụ việc điều hành, triển khai kế hoạch vốn đầu tư công.
Cùng với đó, tập trung thực hiện tốt các vấn đề xã hội, giải quyết việc làm và hỗ trợ tìm việc làm mới cho lao động mất việc, thiếu việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tiếp tục quan tâm, chăm lo các gia đình chính sách, người lao động. Tăng cường đối thoại trực tiếp với người dân; giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành chức năng tổng hợp, báo cáo trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết trong thời gian tới.