25 năm Tạp chí Người cao tuổi song hành cùng NCT khánh hòa
Xã hội 26/09/2020 08:00
Phóng viên: Xin ông cho biết một vài nhận xét về báo nay là Tạp chí Người cao tuổi?
Ông Lê Xuân Hạnh: Tạp chí Người cao tuổi (trước đây là Báo Người cao tuổi) đã có truyền thống 25 năm, nhưng tôi chỉ mới làm Trưởng BĐD Hội NCT tỉnh Khánh Hòa gần 10 năm. Tuy nhiên, trước đây khi còn là Giám đốc Sở Nội vụ tôi cũng đã khái niệm về hoạt động của NCT cũng như biết Hội NCT Việt Nam có tờ Báo Người cao tuổi được NCT cả nước yêu mến, tin tưởng.
Tôi khi được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao nhiệm vụ về làm Trưởng BĐD Hội NCT tỉnh chuyên trách vào năm 2011, từ đó tôi đọc Báo NCT thường xuyên và biết dư luận cán bộ và Nhân dân cả nước đánh giá cao tờ báo, với nhiều loạt bài chống tiêu cực, chống tham nhũng có tiếng vang. Ở Khánh Hòa, mặc dù chỉ một mình phóng viên Nguyễn Xuân thường trú, nhưng với bản lĩnh người lính, đảng viên cũng như sự sắc sảo khi còn ở Báo Khánh Hòa, Báo Người cao tuổi đã thực sự gây ấn tượng với dư luận, với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương. Báo Người cao tuổi đã đi vào những lĩnh vực sôi động, nóng bỏng, gai góc của tỉnh cả mặt tích cực và tiêu cực, có những vệt bài nhiều kì, phân tích, chứng minh sâu sắc những mặt được và chưa được, ưu khuyết điểm về sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lí điều hành của nhà nước, đời sống vật chất, tinh thần và quyền lợi của người dân, nhất là đối với NCT. 10 năm nay, hoạt động của Hội NCT tỉnh Khánh Hòa có nhiều khởi sắc, được lãnh đạo tỉnh đánh giá cao thì cũng là 10 năm Báo Người cao tuổi bám sát phản ánh động viên cổ vũ kịp thời. Phóng viên Nguyễn Xuân đã thường xuyên gắn bó với BĐD cùng đi sâu, đi sát cơ sở, kể cả các địa bàn miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa để phản ánh các hoạt động của Hội cơ sở các cấp, được các tổ chức hội khen ngợi và đánh giá cao.
Ông Lê Xuân Hạnh, Trưởng ban Đại diện Hội NCT tỉnh Khánh Hòa tặng hoa chúc mừng Tạp chí Người cao tuổi nhân kỉ niệm 25 năm ra số đầu tiên |
Phóng viên: Xin ông nêu vài nét hoạt động của Hội NCT tỉnh Khánh Hòa, nhất là từ ngày ông được giao trọng trách Trưởng BĐD?
Ông Lê Xuân Hạnh: Đặc trưng của Hội NCT thì ai cũng đã biết. Đó là thế hệ cây cao bóng cả, có nhiều cống hiến cho cách mạng, cho đất nước nên được Đảng, Nhà nước cũng như xã hội quan tâm.
Chính vì thế, khi thành lập Hội NCT, tiêu chí mà Đảng, Nhà nước đưa ra cho NCT là sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội. Nhiều đồng chí lãnh đạo cho rằng: Các cụ cống hiến nhiều rồi, nay để các cụ vui, khỏe là chính. Thực tế Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm đến NCT, thế nhưng với bản chất cách mạng, các cụ không chịu ngồi yên nhìn con cháu làm việc. Từ đó hoạt động của Hội NCT các cấp cũng cứ thế vươn ra. Phong trào NCT ở Khánh Hòa trong khoảng 10 năm lại đây được đánh giá khá tốt trên mọi lĩnh vực: NCT tham gia xây dựng Đảng, chính quyền các đoàn thể chính trị, xã hội ở cơ sở; NCT hiến kế, hiến công, hiến đất, vận động con cháu xây dựng nông thôn mới; NCT tham gia hòa giải, bảo vệ an ninh trật tự thôn xóm, bản làng, tổ dân phố; NCT làm kinh tế để trở thành những doanh nhân, doanh nghiệp, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu… Qua hoạt động, các tổ chức hội đã phối hợp với các cơ sở y tế, tổ chức khám, mổ mắt miễn phí cho hàng ngàn NCT khó khăn ở các địa phương, nhất là miền núi. Hội NCT cơ sở đã hình thành nhiều mô hình hay thu hút sự tham gia của các tầng lớp NCT và Nhân dân. Các câu lạc bộ (CLB) dưỡng sinh, CLB thơ, nhạc, văn nghệ, cầu lông, bóng bàn, cờ tướng… hiện nay ở đâu cũng có. Đặc biệt, ba năm lại đây đã hành lập được 14 CLB Liên thế hệ tự giúp nhau. Hoạt động của CLB ngoài việc góp phần xóa đói giảm nghèo cho NCT, còn là nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, làm cho cuộc sống các cụ vui vẻ, thoải mái. Từ nay, đến cuối năm sẽ phấn đấu thành lập thêm 4 CLB nữa để hoàn thành chỉ tiêu UBND tỉnh giao 18 CLB. Thông qua hoạt động của các CLB, phong trào NCT ở cơ sơ lúc nào cũng sôi động, lôi cuốn các tầng lớp khác ở nông thôn.
Tuy nhiên, do tuổi cao, sức khỏe hạn chế, kinh tế lại có hạn nên hoạt động của NCT cũng gặp khó khăn. Hiện tại các cụ làm việc bằng nhiệt tình là chính. Kinh phí cho hoạt động của Hội cơ sở rất hạn chế; phụ cấp cho cán bộ từ Phó Chủ tịch Hội trở xuống không có, nên đến Tạp chí Người cao tuổi cũng chỉ mới có ở xã, phường mà chưa đến Chi hội.
Phóng viên: Nhân kỉ niệm 25 năm ngày thành lập và Báo Người cao tuổi (nay là Tạp chí Người cao tuổi) ra số đầu tiên, ông có đề nghị, đề xuất gì với Tạp chí Người cao tuổi về công tác tuyên truyền trong tổ chức NCT?
Ông Lê Xuân Hạnh: Cha ông ta thường nói: Tuổi cao thì chân chậm, mắt mờ. Do đó việc tiếp xúc với báo giấy và báo điện tử đối với NCT đều khó khăn. Tuy nhiên, nhu cầu tiếp nhận thông tin thì không lúc nào vơi cạn. Hiện tại, cũng như các đối tượng khác, NCT vẫn có 3 kênh tiếp nhận thông tin. Đó là nghe, nhìn và đọc. Với NCT hiện nay thì mỗi chi hội có một tờ Tạp chí Người cao tuổi là nhu cầu cần thiết. Ngoài ra sự tiếp cận tờ báo điện tử cũng đang đầy tiềm năng vì đối tượng NCT ngày càng có nhiều người am hiểu công nghệ thông tin. Bởi vậy cả tờ báo in và báo điện tử vẫn đang và sẽ rất cần thiết cho người già. Nhưng bất cập hiện nay là: Ở các Chi hội NCT thôn, bản, tổ dân phố và cả Hội xã, phường, thị trấn không đủ kinh phí để đặt mua Tạp chí Người cao tuổi thường xuyên. Bên cạnh đó các thông tin về hoạt động của NCT ở cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa trên Tạp chí lại rất hạn chế. Đây là vấn đề rất quan trọng cần có sự khảo sát, nghiên cứu để đưa ra giải pháp toàn diện, lâu dài. Tóm lại là phải giải quyết căn cơ 2 khâu: Kinh phí và nội dung phản ánh của Tạp chí Người cao tuổi cả báo in lẫn báo điện tử. Nói gì thì nói NCT phải có tờ Người cao tuổi cũng giống như Thiếu niên có tờ báo Thiếu niên, Quân đội Nhân dân có tờ báo Quân đội Nhân dân… Hi vọng lãnh đạo Tạp chí Người cao tuổi sẽ tìm ra giải pháp thích hợp.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông.