Xe buýt Hà Nội có nguy cơ phải tạm dừng chạy
Tin tức 23/11/2020 17:29
Theo Nghị định 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ (ban hành ngày 10/4/2019), thay vì cơ chế trợ giá theo đặt hàng, từ tháng 6/2019, 104 tuyến buýt có trợ giá của thành phố phải chuyển sang cơ chế đấu thầu.
Qua tìm hiểu, năm 2019 mới chỉ có 36 tuyến buýt hoàn thành, 68 tuyến tuyến trợ giá khác chưa kịp tổ chức đấu thầu, sang đến hết quý 1/2020 việc đấu thầu mới xong.
Chính vì thế, kinh phí của 68 tuyến buýt chưa đấu thầu năm 2020 (tổng giá trị kinh phí trợ giá đề nghị thanh toán từ phía Sở Giao thông Vận tải Hà Nội báo cáo thành phố là gần 312 tỷ đồng) hiện chưa được thanh toán.
Trong khi đó, toàn bộ chi phí vận hành 3 tháng đầu năm 2020 của hệ thống xe buýt có trợ giá chưa được thanh toán khiến cho các doanh nghiệp vận hành các tuyến buýt gặp rất nhiều khó khăn.
Mới nhất là Công ty cổ phần Ôtô vận tải Hà Tây là đơn vị đầu tiên “kêu cứu” tới các cơ quan chức năng của thành phố về nguy cơ phải tạm dừng hoạt động tuyến buýt trợ giá số 72 (Bến xe Yên Nghĩa-Xuân Mai) do thu không đủ bù chi.
Hay như Công ty cổ phần Xe điện Hà Nội đang đảm nhận vận hành 8 tuyến buýt, trung bình mỗi tháng vận chuyển hơn nửa triệu lượt hành khách), ngoài chi phí của doanh nghiệp, đơn vị được thành phố Hà Nội trợ giá khoảng 16 tỷ đồng/tháng.
Tuy nhiên, cả quý 1/2020, khoản hỗ trợ này chưa được thành phố chi trả. Để việc đi lại của hành khách không bị gián đoạn và 140 xe buýt với 750 nhân viên lái, phụ xe tại đơn vị không bị ngừng vận hành, Công ty đã phải đi vay ngân hàng để duy trì hoạt động.
Theo thông tin của ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội thông tin chỉ riêng 68 tuyến chưa được thanh toán trong 3 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp xe buýt trên địa bàn Hà Nội đang phải đi vay ngân hàng hơn 200 tỷ đồng.
Nếu không có giải pháp tháo gỡ, các doanh nghiệp xe buýt sẽ có nguy cơ phải tạm ngừng hoạt động là điều hoàn toàn có thể xảy ra. |
Với mức lãi suất vốn vay từ 7 -8%/năm, nếu không có giải pháp tháo gỡ, các doanh nghiệp xe buýt sẽ có nguy cơ phải tạm ngừng hoạt động là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
“Chủ trương miễn phí xe buýt cho người cao tuổi là đúng, tuy nhiên quá trình tổ chức đấu thầu xe buýt, thành phố cần có cơ chế tính đúng, tính đủ, giám sát chặt chẽ. Việc này sẽ đảm bảo doanh nghiệp vẫn hoạt động ổn định, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, đồng thời bảo đảm nguồn ngân sách trợ giá được sử dụng hiệu quả”, ông Thông cho biết thêm.
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, tính đến hết tháng 8/2020, qua khảo sát trên toàn hệ thống, một số chỉ tiêu (lượt xe, sản lượng, doanh thu, chi chí, trợ giá) đối với 104 tuyến buýt trợ giá cơ bản không đạt so với kế hoạch năm 2020 và thực hiện cùng kỳ năm 2019.
Cụ thể, tổng sản lượng hành khách đạt 221,3 triệu lượt (giảm 26,8% so với cùng kỳ), trong đó xe buýt trợ giá đạt 203,4 triệu lượt hành khách (đã bao gồm khách đi xe buýt miễn phí), giảm 23,8% so với cùng kỳ. Doanh thu thực hiện đạt 291,1 tỷ đồng, giảm 45,9% so với kế hoạch năm 2020…
Trước tình hình khó khăn đó, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện đã đề xuất thực hiện thanh quyết toán kinh phí quý 1/2020 cho 68 tuyến buýt với tổng số tiền gần 312 tỷ đồng, nguồn kinh phí thực hiện thanh toán từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế năm 2020.
Trong đó, đơn giá thanh toán theo đơn giá đặt hàng được UBND TP Hà Nội phê duyệt năm 2019. Khối lượng thực hiện (lượt xe, km hành trình) và chi phí vận hành đã được các cơ quan chức năng xác định, nghiệm thu.
Liên quan đến phương án thanh quyết toán kinh phí trợ giá vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đối với 68 tuyến buýt trong quý 1/2020, ngày 16/11/2020, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan hướng dẫn Sở Giao thông Vận tải thực hiện theo quy định pháp luật và các chỉ đạo có liên quan của Trung ương và thành phố; trường hợp vướng mắc vượt thẩm quyền, rà soát, tham mưu, báo cáo thành phố theo quy định.
Đối với các tuyến buýt đang thực hiện theo hợp đồng thầu, trên cơ sở kết quả thực hiện của toàn mạng buýt trợ giá, Sở Giao thông Vận tải đề nghị UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương điều chỉnh một số chỉ tiêu trong dự toán hình thành giá gói thầu của năm 2020 (chỉ tiêu doanh thu, kinh phí trợ giá) để làm cơ sở tổ chức thực hiện các bước tiếp theo.