Xây dựng văn hoá trong Đảng
Sự kiện 01/02/2022 08:05
Người nhận thức rất rõ một nguy cơ thường dễ xảy ra đối với một Đảng cầm quyền là nguy cơ quan liêu, tha hoá. Một số cán bộ, đảng viên khi có quyền lực lãnh đạo, quản lí trong tay thì dễ rơi vào bệnh quan liêu, tham ô, hủ hoá… Vì vậy, sinh thời, ngay từ sau Cách mạng tháng 8/1945, trong các bức thư tâm huyết gửi các cán bộ ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, Bác thường xuyên căn dặn cán bộ phải giữ vững tư cách người cách mạng. Người lên án thói quan liêu, hách dịch của một số cán bộ, gọi đó là nguy cơ lớn đối với Đảng.
Nguy cơ đó, theo Bác Hồ bắt đầu từ chủ nghĩa cá nhân “ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, ngày càng xa xỉ, ngày càng lãng mạn, thử hỏi tiền bạc đó ở đâu mà ra? Thậm chí lấy của công làm việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức. Ông uỷ viên đi xe hơi, rồi bà uỷ viên cho đến các cô, các cậu uỷ viên cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó ai chịu?”(1).
Nhằm nâng cao nhận thức, phẩm chất và lối sống của cán bộ, đảng viên và Nhân dân ta, từ 1947, tại chiến khu Việt Bắc, giữa muôn vàn khó khăn và thiếu thốn của những ngày đầu kháng chiến, Bác Hồ đã viết hai tác phẩm nổi tiếng: “Sửa đổi lối làm việc” và “Đời sống mới”. Có thể coi đây là những cuốn cẩm nang của cán bộ, đảng viên ta lúc bấy giờ và cả hiện nay.
Thầy đồ viết câu đối chúc mừng năm mới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân tại đền Ngọc Sơn (Hà Nội) |
Trong “Sửa đổi lối làm việc”, Bác Hồ chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm của một số cán bộ, đảng viên. Đó là các bệnh chủ quan, hẹp hòi, ba hoa, với tất cả các biểu hiện muôn hình, muôn vẻ. Suy cho cùng, theo Bác Hồ các chứng bệnh đó có cùng chung một nguồn gốc: Chủ nghĩa cá nhân. Điều ta cần lưu ý là cho đến nay, dù hơn 75 năm trôi qua, các chứng bệnh đó vẫn còn và ngày càng tinh vi, nguy hiểm.
Trước lúc đi xa, đặc biệt trong 2 năm 1968 và 1969, có lẽ Bác Hồ đã tiên đoán và linh cảm sự suy yếu về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Tại cuộc làm việc với lãnh đạo Ban Tuyên huấn Trung ương về việc xuất bản loại sách “Nguời tốt việc tốt” (6/1968), Bác nói: “Một số cán bộ ta hình như mải công tác hành chính sự vụ hơn là để nhiều tâm sức xây dựng con người, xây dựng Đảng và các tổ chức cách mạng, cho nên không chịu theo dõi việc làm hàng ngày của cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân…”(2). Từ đó mới nảy sinh hiện tượng “có một số người không nhớ lúc hàn vi, lại để cho chủ nghĩa cá nhân nảy nở. Đã có xe rồi, lại “phấn đấu” để có chiếc xe đẹp hơn, chiếm mất phần người khác. Đã có nhà ở rồi, lại “phấn đấu” theo kiểu như thế để có nhà đẹp hơn. Làm như thế là trái với đạo đức cách mạng”(3).
Tại cuộc làm việc trên, Bác đặt ra một câu hỏi, mà mỗi chúng ta hiện nay phải cùng nhau suy nghĩ: “Các chú có biết rằng dân tộc ta, Đảng ta vĩ đại, ta được anh em bầu bạn khắp năm châu yêu mến và ca ngợi là vì cái gì không? Vì cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta do Đảng ta lãnh đạo là chí công vô tư, mình vì mọi người. Từ nay về sau, Nhân dân ta và Đảng ta phải giữ gìn và phát huy mãi mãi đạo đức trong sáng ấy. Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(4). Lời dạy của Bác quả là một chân lí. Hơn thế nữa, đó còn là một lời cảnh báo nghiêm khắc đối với tất cả chúng ta, trước hết là đối với các cán bộ, đảng viên.
Để khắc phục những sai lầm và khuyết điểm mà các cán bộ, đảng viên thường mắc phải, điều quan trọng theo Bác Hồ, trước hết phảỉ xác định cho được quan điểm và thái độ đúng đắn đối với Nhân dân. Đây là ngọn lửa thử vàng đối với người cách mạng. Phải bắt đầu từ quan điểm Nhân dân và thái độ đối với Nhân dân, vì đó là lẽ sống, là mục tiêu hoạt động của Đảng. Sự tha hoá của một Đảng cách mạng cũng như của một bộ phận cán bộ, đảng viên thường bắt đầu từ đây. Khi Đảng đang hoạt động bí mật, mối quan hệ giữa đảng viên với quần chúng diễn ra hàng ngày, đó là mối quan hệ sống còn đối với Đảng. Nhưng khi đã là một Đảng cầm quyền, một số đảng viên có quyền lực trong tay, có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, thì cũng dễ nảy sinh những tình cảm xa lạ với Nhân dân. Trong hoàn cảnh đó, mối liên hệ giữa cán bộ, đảng viên với Nhân dân dễ bị suy giảm.
Nếu trước đây, trong đấu tranh cách mạng để giành độc lập, tự do, chúng ta dễ nhận ra chân lí mà Bác Hồ tổng kết: “Đảng ta anh hùng vì dân tộc ta anh hùng”, thì ngày nay, trong hoà bình xây dựng và phát triển đất nước, việc nhận ra chân lí đó đối với một số người cũng không phải là việc đơn giản. Do tiên liệu được điều đó, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác đòi hỏi các cán bộ, đảng viên phải xác định cho thật đúng quan điểm và thái độ đối với Nhân dân. Khi Đảng đã là Đảng cầm quyền, Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải ghi vào đầu óc cái chân lí: Nhân dân rất tốt, rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng. Người chỉ ra rằng: “Dân chúng biết cách giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, mau chóng, đầy đủ, mà những bậc tài giỏi, những đoàn thể lớn nghĩ mãi không ra”(5). Vì vậy, cán bộ, đảng viên phải học dân chúng, hỏi dân chúng, hiểu dân chúng. Bác Hồ căn dặn chúng ta phải dựa vào dân để hoàn thiện các nghị quyết, hoàn thiện cán bộ và tổ chức…
Một quan niệm như vậy về Nhân dân rõ ràng không có chỗ đứng cho những tư tưởng vào Đảng để làm quan cách mạng, vào Đảng để vơ vét tài sản của Nhân dân, để hách dịch với dân. Một quan niệm như vậy cũng không dung thứ cho thái độ vô trách nhiệm, vô cảm trước những đòi hỏi bức xúc của quần chúng. Hãy cùng nhau suy ngẫm câu nói của Bác Hồ: “Dân chúng đồng lòng thì việc gì làm cũng xong, dân chúng không ủng hộ thì việc gì làm cũng không nên”(6). Sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ sức mạnh của quần chúng.
Bác Hồ căn dặn: “Mỗi người chúng ta đều phải biết đặt lợi ích của dân tộc, của giai cấp lên trên lợi ích cá nhân, phải biết quên mình cho nghĩa lớn. Muốn giữ gìn sự trong sáng chủ nghĩa Mác - Lênin, thì trước hết tự mình phải trong sáng. Muốn đánh thắng kẻ thù là chủ nghĩa đế quốc, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi, thì trước hết phải chiến thắng kẻ thù bên trong của chúng ta là chủ nghĩa cá nhân”(7). Thắng kẻ thù bên trong mỗi chúng ta có nghĩa là làm nảy nở và phát huy cái chân, thiện, mĩ và đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái vô đạo đức trong mỗi con người. Hãy cùng nhau nhắc lại câu nói của Các Mác: “Tôi báng bổ những vị gọi là có đầu óc thực tiễn, chỉ chăm lo tỉa tót cho đời sống cá nhân mình, gia đình mình, và nỡ quay lưng với nỗi đau của đồng loại. Nếu muốn là con thú thì các vị cứ làm như vậy. Còn đã là con người thì không ai cho phép làm như vậy”. Lời của Các Mác hơn 200 năm trước rõ ràng tương ứng với lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài báo cuối cùng Người gửi lại cho Đảng và cho Đời trước khi đi xa: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Theo Bác Hồ, “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư, nết xấu như: Lười biếng, suy tư, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô… Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, chủ nghĩa xã hội”(8).
Thiết nghĩ, lời dạy sâu sắc của Mác, của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên giá trị và đang hướng cho chúng ta tiến tới một nhận thức quan trọng: Trong tình hình hiện nay, nhất là thời điểm quán triệt thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết TW4 (khóa XI, XII, XIII) của Đảng, để xây dựng văn hoá trong Đảng, phải tập trung kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Chỉ có quyét sạch chủ nghĩa cá nhân thì mới xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, lối sống, tận tuỵ, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân, gắn bó máu thịt với Nhân dân… như Nghị quyết Trung ương 9, khoá XI về “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã khẳng định mà nội dung cụ thể là “Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, đoàn kết, gần dân, sát dân, nghe dân, giản dị, khiêm tốn, tiết kiệm…” mà Nhân dân cả nước mong đợin
1 Hồ Chí Minh. Toàn tập, T.1, tr.37-371/2 Hồ Chí Minh. Toàn tập, H. 1995, T.12, tr.552/3 Hồ Chí Minh. Toàn tập, H. 1995, T.12, tr.552/4 Hồ Chí Minh. Toàn tập, H.1995, T.12, tr,553/5. Hồ Chí Minh. Toàn tập, T5, tr.295/6. Hồ Chí Minh. Toàn tập, T5, tr.293/7 Hồ Chí Minh. Toàn tập, T5, tr.373/8 Hồ Chí Minh. Toàn tập, T.10, tr,306