Xây dựng nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh
Kinh tế 11/07/2024 14:11
Để chống trả và khắc phục những thảm hoạ kể trên, đặt ra tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, bảo đảm cuộc sống giữa con người và thiên nhiên, là động lực thúc đẩy vượt qua nhằm giải quyết hài hòa tăng trưởng kinh tế với yêu cầu phát triển xanh, kinh tế xanh, bền vững hơn trong thời kì hậu Covid-19.
Trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt, đa dạng sinh học suy giảm, ô nhiễm môi trường gia tăng, biến đổi khí hậu ngày càng tác động xấu khó lường, nhiều quốc gia trên thế giới đã lựa chọn phát triển theo xu hướng kinh tế xanh, là mô hình kinh tế mới thay vì sử dụng nhiên liệu hoá thạch, chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ carbon thấp, khuyến khích sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội bền vững, có mức cao hơn.
Kinh tế xanh (Green economy) là nền kinh tế ít carbon, giảm thiểu mối nguy hại đến môi trường sống cũng như tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Nền kinh tế xanh là một khuôn khổ kinh tế lồng ghép các hoạt động kinh tế, trong đó có xóa đói giảm nghèo với nhiệm vụ bảo vệ môi trường và tài nguyên. Đó là sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường sống, tài nguyên sinh thái, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, phát triển năng lượng sạch, đáp ứng nhu cầu việc làm của người dân, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Nền kinh tế xanh giúp cải thiện đời sống và bảo đảm công bằng xã hội, giảm thiểu rủi ro về môi trường, sự khan hiếm nguồn lực sinh thái, xử lí bảo đảm môi trường sạch để có lượng phát thải carbon thấp, sử dụng tài nguyên hiệu quả và bao trùm xã hội.
Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phải được triển khai phù hợp trong khuôn khổ “Các mục tiêu phát triển bền vững năm 2030 của Liên Hợp Quốc và thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu”. Nước ta đã cam kết theo phương châm chuyển đổi tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận thực tế từ bị động ứng phó các thách thức sang kết hợp một cách chủ động, hài hoà, hợp lí, hiệu quả giữa ứng phó với chuyển đổi phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh để không bị đảo lộn, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trên các diễn đàn quốc tế, tại COP 26 (tháng 11/2021), Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, chuyển hệ thống điện than sang năng lượng sạch, không xây dựng nhà máy nhiệt điện sau năm 2030, tiến tới giảm dần điện than vào năm 2045, giảm 30% phát thải khí mê-tan vào năm 2030 (so với năm 2020). Tại COP 27 (11/2022), Việt Nam tích cực đàm phán xây dựng tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các nước trong và ngoài G7. Quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng theo Quy hoạch Điện VIII và quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, xây dựng nền kinh tế carbon thấp, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, bảo đảm cân đối, hiệu quả giữa kinh tế với văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; lấy con người là trung tâm, là chủ thể, vừa là nguồn lực vừa là động lực quan trọng nhất, mục tiêu cao nhất của sự phát triển xanh; kiên quyết không chọn mô hình “tăng trưởng trước, dọn dẹp sau”, không chấp nhận phương thức tăng trưởng bằng mọi giá, càng không chạy theo tăng trưởng đơn thuần là hi sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường sống của người dân.
Giải pháp mang tính chiến lược và căn cơ là đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển xanh, tuân theo nhu cầu thị trường, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm trong xu thế hội nhập quốc tế.
Nước ta thuộc tiểu vùng sông Mê Công, có Đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn, đang đứng trước thách thức nghiêm trọng về biến đổi khí hậu, sử dụng nguồn nước xuyên biên giới, có trách nhiệm bảo vệ và góp phần bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước của khu vực và thế giới.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 Việt Nam có những cam kết quốc tế trong việc chống chịu biến đổi khí hậu, phát triển xanh là yếu tố khách quan. Nước ta cùng 150 quốc gia khác cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 và tham gia liên minh thích ứng toàn cầu; cùng với 140 nước tham gia tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng hơn 100 quốc gia cam kết giảm phát thải mê-tan toàn cầu vào năm 1930; cùng 48 quốc gia tham gia tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch…
Nền kinh tế nước ta cho đến nay trình độ sản xuất còn thấp do công nghệ sản xuất cũ, lạc hậu, năng suất lao động kém so với các nước trong khu vực, sức cạnh tranh không cao, hiệu quả sử dụng các nguồn lực thấp. Công nghệ sản xuất năng lượng tái tạo, khoa học - công nghệ tuy có phát triển nhưng còn chậm, chưa đáp ứng sự đòi hỏi của xu thế toàn cầu hoá. Hầu hết các doanh nghiệp tiềm lực còn hạn hẹp, chưa mạnh dạn “đầu tư mạo hiểm” để tạo ra bước đột phá trong sản xuất, kinh doanh.
Mặt khác, pháp luật trong thời kì chuyển đổi chưa đồng bộ, chưa phù hợp xu thế toàn cầu hoá và hướng tới tăng trưởng xanh. Tài nguyên thiên nhiên đang tiếp tục bị huỷ hoại, suy thoái nghiêm trọng có nguyên nhân do tăng trưởng lâu nay nặng theo chiều rộng, sử dụng năng lượng hoá thạch là nguyên liệu đầu vào, trong khi trình độ sử dụng công nghệ mới để giảm tiêu hao vật chất còn thấp.
Theo các chuyên gia, cho dù trong thập kỉ tới GDP có thể tăng gấp đôi nhưng nếu không quan tâm đúng mức tới bảo vệ môi trường thì ô nhiễm môi trường sẽ tăng gấp 3-5 lần so với hiện nay. Theo đó, GDP cứ tăng 1% thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi 3% GDP…
Để có tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế xanh, cần khắc phục khó khăn, thách thức trước sự biến đổi khó lường của biến đổi khí hậu và tình trạng tài nguyên khai thác quá mức dẫn đến ngày càng cạn kiệt. Đồng thời, giảm thiểu sử dụng nguyên liệu hoá thạch tiến tới triệt tiêu vào năm 2050, đẩy mạnh khai thác năng lượng tái tạo và công nghệ carbon thấp, sử dụng nguồn nhân lực và năng lượng hiệu quả hơn.
Mặc dù nước ta đã thoát khỏi tình trạng là một nước nghèo nhưng tích luỹ quốc gia còn mỏng, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình triển khai hướng tới nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, nhất là đối với khu vực nông thôn và miền núi trong việc sinh kế của người dân. Xu hướng thế giới là đang chuyển dịch từ đầu tư “nâu” sang đầu tư “xanh”. Nước ta cũng không đứng ngoài xu thế đó mà phải hướng tới mục tiêu xây dựng một nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn bền vững để đến năm 2045 trở thành một nước phát triển phồn vinh, người dân hạnh phúc.