Vụ TPHCM xin lỗi cư dân Thủ Thiêm: Công lý phải được thực thi nghiêm minh
Tin tức 23/09/2018 09:45
Việc UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa công khai nhận trách nhiệm trước Chính phủ và xin lỗi người dân thành phố, nhất là những hộ trong 4,3 ha ngoài quy hoạch Thủ Thiêm, về những vi phạm trong việc thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, dẫu muộn, nhưng là hành động cần thiết và đáng ghi nhận, tạo ra niềm hy vọng là những bức xúc của người dân sẽ được lắng nghe, công lý được thực thi và ai thiệt thòi sẽ được bù đắp. Đồng thời, những tổ chức, cá nhân vi phạm, dù ở cấp nào, đều phải chịu trách nhiệm và bị trừng trị.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến phát biểu trong buổi họp báo thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ về những sai phạm đã ảnh hưởng đến quyền lợi một số hộ dân liên quan đến dự án KĐT mới Thủ Thiêm, ngày 21/9/2018. (Ảnh: Hà Khánh) |
Trước hết, sau nhiều lần quanh co, đùn đẩy trách nhiệm vụ việc ở Thủ Thiêm, đến bây giờ TPHCM mới có người đứng ra xin lỗi người dân là muộn. Bởi lẽ, những bức xúc và khiếu kiện của cư dân Thủ Thiêm liên quan đến ranh quy hoạch, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm (thuộc Quận 2, TPHCM) kéo dài tới nay đã 20 năm.
Đó là quãng thời gian tương đương gần 1/3 đời người. Như thế, những cư dân đội đơn đi khiếu nại suốt chừng ấy năm để hy vọng công lý được thực thi, họ không chỉ phải trả giá bằng thời gian đời người của chính họ mà còn là chất lượng cuộc sống gia đình họ suy giảm, và thiệt hại lớn hơn cho Nhà nước và xã hội là nó bào mòn niềm tin của người dân vào hệ thống công quyền, chí ít là trên địa bàn TPHCM.
Muộn còn bởi, để có buổi xin lỗi công khai vừa diễn ra, phải mất tới 4 nhiệm kỳ lãnh đạo Thành ủy và UBND TPHCM. Dù viện dẫn nguyên nhân gì đi nữa thì cũng là biểu hiện của sự thiếu trách nhiệm, có tình trạng “mũ ni che tai” của nhiều lớp cán bộ, lãnh đạo Thành phố nên mới ra cơ sự. Đến nay, khi lòng dân không yên, bức xúc “tức nước vỡ bờ”, vụ việc khiếu kiện tại Thủ Thiêm gây bão dư luận khiến Trung ương phải vào cuộc. Và thậm chí, đến khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận kiểm tra việc khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh), trong đó chỉ ra hàng loạt khuyết điểm, vi phạm và kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo xử lý vi phạm, thì UBND TPHCM mới nhận trách nhiệm trước Chính phủ và xin lỗi nhân dân.
Tất nhiên, đối với nền công vụ của một Nhà nước dân chủ và pháp quyền, vụ việc TPHCM công khai xin lỗi dân như vừa diễn ra, dẫu muộn nhưng cũng có thể gọi là hành động dũng cảm của cấp ủy, chính quyền đương nhiệm. Đó là sản phẩm thúc đẩy của hành động dũng cảm khác từ Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã đối diện sự thật ở Thủ Thiêm khi "trụ vững" nhiều giờ tiếp xúc cử tri, trực tiếp lắng nghe và ghi nhận những bức xúc của cư dân Thủ Thiêm về vụ việc. Từ đó, cùng với sự vào cuộc của nhiều cơ quan báo chí, của người dân làm truyền thông xã hội... đã phản ánh và lan tỏa những bức xúc, tâm tư, nguyện vọng của cư dân nơi đây góp sức thúc đẩy các cơ quan chức năng Trung ương vào cuộc giải quyết vụ việc.
Quan trọng hơn, có lẽ sự thôi thúc của lòng dân chính là sức ép lớn nhất đẩy vụ việc Thủ Thiêm có kết quả như hôm nay. Bởi vì, trong hành trình đằng đẵng đòi công lý gian khổ 2 thập kỷ ấy, chính những người dân Thủ Thiêm mang trong mình và nuôi dưỡng một niềm tin mãnh liệt rằng, Đảng và Nhà nước ta không làm ngơ, không bỏ quên cư dân Thủ Thiêm và công lý sẽ được thực thi. Và thực tế, tới thời điểm này, dẫu kết quả thực thi công lý đối với vụ việc ở Thủ Thiêm chưa trọn vẹn, mới chỉ là sự khởi đầu của hàng loạt các công việc cần giải quyết tiếp theo để khép lại một vụ việc đáng buồn không chỉ ở Thủ Thiêm, TPHCM.
Chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng đời sống người dân là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Việc quy hoạch và phát triển đô thị là một phần công việc để hiện thực hóa chủ trương ấy. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai quy hoạch, đầu tư, xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, UBND TPHCM và các sở, ngành liên quan đã để xảy ra những khuyết điểm, vi phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi một số hộ dân sinh sống trên địa bàn, phát sinh khiếu nại gay gắt, kéo dài. Lỗi này là biểu hiện rõ ràng của sự lệch lạc trong nhận thức và hành động của một bộ phận cán bộ công quyền thực thi công vụ ở TPHCM nhiều năm qua. Những thiệt hại cho người dân Thủ Thiêm, cho môi trường đầu tư TPHCM nói riêng và cả nền kinh tế - xã hội là rất lớn.
Cho nên, để sự việc Thủ Thiêm được khép lại một cách trọn vẹn, để “vết thương” ở Thủ Thiêm không là mầm bệnh trọng lan ra nơi khác ở nước ta, hẳn là không chỉ các cư dân Thủ Thiêm mà là lòng dân cả nước đang dõi theo và chờ những hành động thiết thực không chỉ của Thành ủy, UBND TPHCM mà các cấp ngành liên quan từ Trung ương đến địa phương phải rốt ráo chỉ đạo giải quyết, khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại thỏa đáng; xử lý vi phạm một cách khẩn trương, nghiêm minh đúng người, đúng tội tới từng cá nhân, tổ chức.../.
VOV.VN