Việc nhà đầu tư nước ngoài mở rộng bán lẻ tại Việt Nam: Nhìn nhận thế nào?
Kinh tế 12/07/2024 10:41
Đáng ra là phải vui
Nếu các đại gia bán lẻ FDI mạnh tay mở rộng thị phần bán lẻ tại Việt Nam trong khung cảnh nền sản xuất hàng tiêu dùng cùng việc bán lẻ của Việt Nam ngày càng hưng thịnh, chiếm lĩnh chủ yếu thị trường nước nhà, trang trải các nhu cầu thiết yếu, khắp các vùng miền… thì sự góp mặt của các đại gia bán lẻ FDI là thêm những nét chấm phá càng rực sáng bức tranh đời sống dân ta. Đồng thời là cơ hội để các nhà bán lẻ của ta học hỏi kinh nghiệm, nâng cao tính hiệu quả, chuyên nghiệp trong tác nghiệp theo hướng hiện đại.
Những thông tin cập nhật cho hay, sản xuất tăng trưởng, đời sống người dân từng bước được cải thiện,người Việt ngày càng ưu tiên dùng hàng Việt, cùng với hệ thống phân phối bán lẻ hàng Việt với các Tập đoàn thương mại làm nòng cốt. Đáng ra phải vui.
Nhưng... không trọn vẹn
Tiếc rằng không hẳn như vậy. Bởi đối với các hộ bình dân thường nhật hầu như dùng hàng Việt, còn theo sở thích thời thượng trong các gia đình khá giả, nhất là các cậu ấm, cô chiêu thì hàng ngoại chiếm ưu thế.
Ra đường gặp hàng ngoại. Hàng ngoại hiên ngang trong các cửa hàng của ta. Hàng ngoại trong thùng hàng Shipper rong ruổi. Hàng ngoại càng hoành tráng ở các siêu thị FDI. Và, khi thương mại điện tử phát triển không biên giới, chỉ một cú điện thoại thông minh, hàng từ nước ngoài vù sang ngay.
Trong khi đó, việc bán hàng Việt ở các chợ truyền thống không sôi động như trước, kể cả trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua… Dọc theo các dãy phố, nhiều cửa hàng cửa đóng then cài, trưng biển cho thuê mặt bằng. Nhiều nhà máy từng là con chim đầu đàn sản xuất hàng tiêu dùng đã lảng tránh thị trường, nhường chỗ cho các cao ốc tân kì. Một vài Tập đoàn thương mại nghênh chiến nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, tự thu hẹp, rút lui trong trật tự, nhượng, bán cổ phần, cho thuê mặt bằng hoặc làm đại lí bán lẻ cho các đồng nghiệp ngoại. Tình trạng trên không thể không liên quan đến việc các đại gia bán lẻ FDI thần tốc mở rộng mạng lưới đại lí phân phối, bán lẻ khắp ba miền.
Việc Tập đoàn Central Retail khởi công Dự án Trung tâm thương mại GO! tại Hưng Yên chỉ nối dài sự có mặt của Tập đoàn này tại Việt Nam bởi đây là thành viên thứ 43 trong chuỗi Trung tâm thương mại thuộc đại gia này. Tính đến nay, Central Retail đã trở thành một trong những nhà bán lẻ đa lĩnh vực có vốn FDI vào hàng lớn nhất tại Việt Nam với hơn 290 cửa hàng và 39 trung tâm thương mại trải dài khắp 39 tỉnh, thành trên cả nước, với tổng diện tích bán lẻ lên đến hơn 1.000.000m2, tạo việc làm cho khoảng 15.000 người. Họ không chỉ có bán lẻ mà còn thâu tóm các lĩnh vực sản xuất hàng thường dụng như phân bón, sơ chế nông lâm sản, nấu bia….
Không ít người Việt hiện nay, nhất là lớp trẻ đã bị các đại siêu thị Nhật hút hồn. Ở đó từ không gian đến đẳng cấp phục vụ, chất lượng hàng hóa, dịch vụ cảm thấy như được đi nước ngoài ngay tại… nước mình. Được vậy là bởi các nhà xúc tiến đầu tư Nhật đã tư vấn các doanh nghiệp của họ tận dụng cơ hội thay vì đẩy mạnh đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất như trước đây, sẽ khuyếch trương thương mại dịch vụ trực tiếp hoặc thông qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới. Nhà FDI Nhật đem những sản phẩm truyền thống của đất nước mặt trời mọc tới, lập tức được đồng nghiệp, người tiêu dùng cùng các trang thương mại điện tử Việt hào hứng đón nhận.
Với hàng Trung Quốc thì khỏi nói, vài chục năm qua kể cả khi chưa có FDI đã có hằng hà sa số các “đại lí tự nguyện” là người Việt đưa thượng vàng hạ cám hàng hóa đến tận hang cùng ngõ hẻm, ngang nhiên góp mặt vào các cửa hàng bề thế, còn cả dãy phố trưng biển “Hàng xách tay” sáng đèn đêm ngày.
Hàng Việt còn bị lấn át do những cam kết có đi có lại khi hội nhập, ta buộc phải theo lộ trình hạ thuế nhập khẩu tiến tới bằng 0%. Ngợp nhất là các dòng xe ngoại, xuất xứ xa có, láng giềng có, nhiều lựa chọn, giá lại mềm, các hãng xe Việt dù cố gồng mình cũng không lại. Lượng các loại xe ngoại nhập chưa kì nào giảm.
Tình thế đó có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc Singapore…, vừa là những nhà FDI có hạng, vừa là nhà nhập khẩu hàng đầu vào Việt Nam, trong đó Trung Quốc đứng đầu không chỉ về nhập khẩu mà cả về nhập siêu, lộ nguyên hình là những kho di động đổ hàng vào ta.
Dĩ nhiên, hàng trong siêu thị Thái phải là sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng, đang “hot”. Sẽ có nhãn lồng, hạt sen, vải thiều… nhưng quà quê lọt vào thì khó. Liệu sự tấp nập của siêu thị Thái có khiến cho những sạp hàng nội thêm vắng vẻ?
Giải pháp nào
Tiếp tục thu hút FDI nhưng phải chấp hành Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị “Về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030”, nhất là khi lựa chọn nhà FDI phải bám sát quan điểm chỉ đạo và các mục tiêu. Xốc lại đội hình từ sản xuất hàng tiêu dùng đến tổ chức mạng lưới phân phối bán lẻ của ta, bằng nỗ lực của từng doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ của Nhà nước cùng hệ thống chính trị khí thế như khi triển khai cuộc vận động của Bộ Chính trị “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, để bán lẻ Việt Nam giành lại thị phần, không thể tự thua trên sân nhà.