Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13%
Kinh tế 02/03/2023 09:30
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm 2023 tăng 24,9% so với 2 tháng đầu năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch Covid-19. Mặc dù vậy, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 77,7% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa 2 tháng đầu năm 2023 ước đạt 781,8 nghìn tỉ đồng, tăng 10,1% so với cùng kì năm trước; trong đó, nhóm hàng may mặc tăng 18,4%; lương thực, thực phẩm tăng 12,5%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 4%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 3,4%. Riêng nhóm vật phẩm văn hoá, giáo dục giảm 3,7%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 2 tháng đầu năm 2023 ước đạt 109,1 nghìn tỉ đồng, tăng 31,6% so với cùng kì năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 4,7 nghìn tỉ đồng, gấp 2,2 lần cùng kì năm trước do năm nay nhiều tỉnh/thành phố tổ chức các hoạt động khai xuân thu hút khách du lịch trong khi cùng kì năm trước không tổ chức do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 98,6 nghìn tỉ đồng, tăng 16,2% so với cùng kì năm trước.
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, ông Trần Duy Đông cho biết, mục tiêu năm 2023 là thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa với gần 100 triệu dân, phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 8 - 9%; đồng thời, tăng cường công tác kết nối, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, góp phần ổn định giá cả hàng hóa lưu thông trên thị trường và mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới mức 4,5% được đặt ra trong Nghị quyết 01 của Chính phủ.
Để đạt được mục tiêu, các giải pháp chính được Bộ Công Thương thực hiện, đó là đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, xây dựng và hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật về phát triển thị trường trong nước bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, phục vụ hiệu quả cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân và doanh nghiệp.
Cùng với đó, triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các Chương trình, đề án về phát triển thương mại trong nước; đồng thời, đổi mới phương thức, lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước vào các chương trình kích cầu tiêu dùng, các sáng kiến kết nối cung cầu hàng hóa và thực hiện tốt các chương trình bình ổn thị trường…