Từ ngày 5/5, chậm nộp tiền phạt vi phạm hành chính sẽ bị tính thêm 0.05%/ngày
Tin pháp luật 04/05/2023 16:43
Thông tư số 18/2023/TT-BTC thay thế Thông tư số 152/2013/TT-BTC ngày 31/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính; Thông tư số 105/2014/TT-BTC ngày 7/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 153/2013/TT-BTC ngày 31/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Theo đó, đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính; người có thẩm quyền xử phạt, Kho bạc Nhà nước, cơ quan thuế, cơ quan, đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ liên quan…
Từ ngày 5/5, chậm nộp tiền phạt vi phạm hành chính sẽ bị tính thêm 0.05%/ngày. Ảnh minh hoạ |
Về hình thức thu, nộp tiền phạt, Thông tư 18/2023/TT-BTC quy định, trường hợp nộp bằng tiền mặt trực tiếp, thì ngày xác định nộp là ngày Kho bạc Nhà nước, hoặc ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, hoặc người có thẩm quyền thu tiền phạt theo quy định. Trường hợp nộp tiền phạt bằng hình thức chuyển khoản, ngày xác định nộp là ngày người nộp phạt nhận được thông báo giao dịch tiếp nhận khoản tiền nộp phạt thành công.
Về quy trình, thủ tục thu, nộp, Thông tư 18 hướng dẫn, việc thu tiền phạt phải căn cứ vào quyết định xử phạt của người có thẩm quyền theo quy định. Khi nộp trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước, hoặc ngân hàng thương mại… cá nhân, tổ chức phải xuất trình quyết định xử phạt, nộp đúng số tiền và thời hạn trong quyết định xử phạt. Trường hợp chuyển khoản thì thông tin phải bao gồm nội dung nộp phạt, số quyết định và ngày quyết định xử phạt, tên cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt.
Người thu tiền phạt trực tiếp phải lập bảng kê theo mẫu và nộp toàn bộ vào Kho bạc Nhà nước theo quy định. Người bị xử phạt phải xuất trình hoặc gửi chứng từ thu, nộp để nhận lại các giấy tờ tạm giữ.
Về lãi chậm nộp phạt vi phạm hành chính, khoản 1 Điều 5 Thông tư 18/2023/TT-BTC quy định quá thời hạn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 2 Điều 68 và khoản 1 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức chưa nộp tiền phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0.05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
Số ngày chậm nộp tiền phạt bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ quy định và được tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp tiền phạt đến trước ngày cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, Thông tư 18/2023/TT-BTC cũng quy định không tính tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính khi vẫn đang trong thời hạn được hoãn thi hành quyết định xử phạt; trong thời gian xem xét, quyết định miễn, giảm phần còn lại hoặc cho phép nộp tiền phạt nhiều lần. Trường hợp nộp phạt bằng chuyển khoản thì phải căn cứ vào quyết định xử phạt, số ngày chậm nộp để tính và nộp.
Về cách xác định thời gian để tính tiền chậm nộp phạt, Thông tư 18 nêu rõ, trường hợp quyết định xử phạt được giao trực tiếp thì ngày tính tiền chậm nộp phạt là sau 10 hoặc sau thời hạn thi hành ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính kể từ ngày nhận quyết định xử phạt.
Trường hợp quyết định xử phạt được gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm thì ngày tính tiền chậm nộp phạt là sau 10 ngày (gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ) hoặc sau thời hạn thi hành ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính kể từ ngày quyết định xử phạt được phát hợp lệ theo quy định.
Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt không có xác nhận ngày nhận quyết định xử phạt, không xuất trình được ngày quyết định xử phạt được phát hợp lệ, nhưng không thuộc trường hợp cố tình không nhận quyết định xử phạt thì ngày tính tiền nộp chậm thi hành quyết định xử phạt tính từ ngày ra quyết định xử phạt là sau 12 ngày.
Với các trường hợp cố tình không nhận quyết định xử phạt thì cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt, cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế thông báo cho Kho bạc Nhà nước nơi thu tiền phạt về thời điểm được coi là giao quyết định xử phạt để Kho bạc Nhà nước tính tiền chậm nộp phạt.
Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình không nộp tiền chậm nộp phạt, thì cơ quan có thẩm quyền thu tiền nộp phạt vi phạm hành chính trên quyết định xử phạt; đồng thời, vẫn tính tiền chậm nộp phạt và ghi rõ trên chứng từ thu, nộp tiền phạt…
Ngoài ra, Thông tư 18 cũng quy định các khoản chi đặc thù. Cụ thể, đối với chi phí mua tin (nếu có) của mỗi vụ việc không quá 10% số tiền xử phạt và tiền bán tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước và tối đa không quá 5 triệu đồng. Riêng đối với xử phạt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, mức chi mua tin mỗi vụ việc không quá 10% số tiền xử phạt và tiền bán tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước và tối đa không quá 50 triệu đồng.
Người cao tuổi cần biết: Vi phạm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nutrizabet, TAPHACO bị xử phạt Ngày 21/4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã ban hành Quyết định số 14/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính Công ty ... |
Sở Y tế Hà Nội ra quyết định xử phạt Viện Nha khoa thẩm mỹ Smile Beauty Sở Y tế Hà Nội vừa công khai danh sách tổng hợp xử phạt vi phạm hành chính (từ ngày 10/4/2023 đến ngày 14/4/2023) với ... |
Hải Phòng xử lý vi phạm vụ vợ một Chủ tịch phường xây 9 căn nhà không phép Ngày 25/4, thông tin từ quận Kiến An (TP Hải Phòng) cho biết, lãnh đạo quận vừa kiểm tra thực tế việc xử lý, khắc ... |