TP Hồ Chí Minh: Thế càng vượng khi có Nghị quyết 98
Kinh tế 02/09/2023 11:16
Nghị quyết 98 mở ra cơ hội mới cho TP Hồ Chí Minh càng phát triển năng động để xứng đáng là đầu tàu kinh tế, là thành phố cùng cả nước, vì cả nước, là thành phố nghĩa tình; mở ra một số hướng mới, cơ chế, chính sách kinh tế mới cho cả nước…
1. Xác định tầm quan trọng của Nghị quyết 98 được Quốc hội thông qua tháng 6/2023 đến sự phát triển TP. Hồ Chí Minh trong trung và dài hạn, ngày 15/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính kí quyết định thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 98 và đảm nhận vị trí Trưởng ban. Sau mấy ngày Nghị quyết 98 có hiệu lực, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh thành lập Hội đồng Tư vấn do tiến sĩ Trần Du Lịch làm Chủ tịch, rồi thành lập Ban chỉ đạo thực hiện cơ chế đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, do Bí thư Thành uỷ làm Trưởng ban.
Một khúc sông Sài Gòn |
Điều đó chứng tỏ Chính phủ và lãnh đạo TP Hồ Chí Minh quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 98 thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội (Nghị quyết 54) nhằm thể chế hóa quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển đã nêu trong Nghị quyết số 24-NQ/TƯ ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, để xoá bỏ những ràng buộc làm cho kinh tế 10 năm qua của TP Hồ Chí Minh tăng trưởng chậm lại, vai trò dẫn dắt nền kinh tế cả nước suy giảm, làm cho Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vào loại thấp, để TP Hồ Chí Minh được phép chủ động thực hiện hơn 40 cơ chế đặc thù của 7 lĩnh vực quan trọng nhất, đó là quản lí đầu tư, tài chính (có một số dịch vụ tài chính mới như ngân hàng số, xây dựng thị trường giao dịch hàng hóa tương lai), ngân sách nhà nước; quản lí đô thị, tài nguyên, môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lí khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy chính quyền thành phố và TP Thủ Đức, từ đó càng tạo ra thế vượng, xứng đáng là trung tâm của vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, là thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất nước và đóng góp gần 30% tổng thu ngân sách quốc gia.
2. Để Nghị quyết 98 đi vào cuộc sống, đòi hỏi phải có sự đầu tư trí tuệ, nguồn lực lớn với mục tiêu cuối cùng là nhìn thấy kết quả TP Hồ Chí Minh phát triển như thế nào, người dân được hưởng lợi ích gì.
Cần Giờ sẽ là đô thị sinh thái lớn nhất nước |
Do đó, TP Hồ Chí Minh có rất nhiều việc phải làm ngay. Trước hết là giải quyết những tồn đọng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ X (nhiệm kì 2015-2000) và lần thứ XI (nhiệm kì 2020-2025) chưa thực hiện được bao nhiêu. Đó là ưu tiên tập trung nguồn lực để xử lí hiệu quả, dứt điểm những công trình đã trì trệ nhiều năm, như công trình chống ngập do triều cường, khu đô thịThủ Thiêm, khu Bình Quới - Thanh Đa, di dời dân để nạo vét, chỉnh trang kênh rạch ở quận 8, hoàn thành chỉnh trang rạch xuyên tâm là con rạch ô nhiễm nhất thành phố, và nhiều dự án treo quá lâu do doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, như khu Công viên Sài Gòn Safari, khu Công viên và khu chức năng đô thị Mũi Đèn Đỏ,… Đó là giải quyết ùn tắc giao thông, tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đó là công tác quy hoạch và quản lí quy hoạch còn nhiều bất cập, công tác quản lí đất đai chưa phát huy tốt cho phát triển nhanh, bền vững… Nguyên nhân chủ yếu làm cho những “việc lớn” ấy không hoàn thành được như kế hoạch là do thiếu tiền, vì hằng năm Trung ương chỉ trích lại cho TP Hồ Chí Minh 18 rồi 21% tiền thu ngân sách, trong khi Hà Nội là 32% (năm 2023, TP Hồ Chí Minh được giữ lại 51.156,798 tỉ đồng, Hà Nội được giữ lại 62.637,898 tỉ đồng từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách địa phương và ngân sách trung ương), cùng cơ chế tự chủ thiếu thông thoáng, dù 5 năm trước đã có Nghị quyết 54.
Thực hiện Nghị quyết 98, TP Hồ Chí Minh điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kĩ thuật trong phạm vi địa giới hành chính; tiếp tục xác định phát triển đô thị đa trung tâm để tạo không gian phát triển mới, nhất là không gian ngầm, không gian sông - biển. Trong đó Thủ Đức là đô thị sáng tạo, tương tác cao, Cần Giờ là đô thị sinh thái biển, đô thị Khu Nam với Phú Mỹ Hưng là trung tâm, đô thị Tây Nam (Bình Chánh) là cửa ngõ với Đồng bằng sông Cửu Long, đô thị Tây Bắc (Củ Chi - Hóc Môn).
Một trong những điều kiện để sớm hình thành các đô thị này là phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD).
Trước mắt, TP Hồ Chí Minh tập trung nâng cấp, xây dựng 5 tuyến đường cửa ngõ là quốc lộ 13 đoạn từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu, Quốc lộ 1A đoạn từ An Lạc đến giáp tỉnh Long An, Quốc lộ 22 đoạn từ nút giao An Sương đến đường vành đai 3, trục đường Bắc - Nam từ đường Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm, cầu đường Bình Tiên, đoạn từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh.
Được Nghị quyết 98 cho phép, các trục đường chính vừa kể và đường trên cao sẽ xây dựng theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao). TP Hồ Chí Minh cũng đang xây dựng danh mục hạ tầng cơ sở để kêu gọi đầu tư bằng hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) trả chậm bằng tiền 5-10 năm) và hình thức BTO (xây dựng - chuyển giao - vận hành), tức là huy động tối đa nguồn lực doanh nghiệp cùng với vốn đầu tư công, kể cả cổ phiếu đầu tư công.
3. Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về
là câu ca có từ thời Nguyễn Hữu Cảnh lập phủ Gia Định (năm 1698) sau khi người Việt "cắm dùi" khai thác vùng đất sông nước này. Nơi “nước chảy chia hai” chính là Mũi Đèn Đỏ ở khu Nam Sài Gòn gần 118ha, với xấp xỉ 4 km chiều dài là hai mặt sông rộng lớn, sở hữu vị trí thuận lợi cho an cư, nghỉ dưỡng, vui chơi, có lợi thế về giao thông thuỷ bộ, nên từ năm 2016, đã được quy hoạch thành khu công viên và khu chức năng đô thị, vốn đầu tư khoảng 6 tỉ USD, nhưng đến nay vẫn là bãi đất hoang, cỏ lau um tùm.
Từ khi đất nước đổi mới, ý tưởng làm con đường từ Mũi Đèn Đỏ chạy ven sông Sài Gòn đã hình thành, tức lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã nhìn ra tiềm năng khi lấy dòng sông làm “mặt tiền” bởi không những có lợi thế về cảnh quan tự nhiên cùng lợi thế về giao thông, môi trường mà còn để người dân được hưởng thụ giá trị văn hóa ở đôi bờ và thu hút du khách, nhưng không thể thực hiện vì không có số tiền quá lớn từ ngân sách nhà nước, trong khi doanh nghiệp mới hình thành, nhất là doanh nghiệp tư nhân còn bị “xem nhẹ”, và vướng Cảng Sài Gòn, Tân Cảng và rất nhiều công trình lấn chiếm không gian bờ sông.
Đáng buồn là cho đến nay, chỉ một đoạn đường 4km ôm lấy sông Sài Gòn từ cầu Ba Son đến cầu Sài Gòn vẫn bị đứt đoạn vì "chướng ngại" là bức tường gạch ngăn cách giữa khu dân cư Saigon Pearl và Vinhomes. Lỗi tại ai? Ngoài “cát cứ” vì lợi ích riêng còn là sự thờ ơ của lãnh đạo địa phương.
Tình trạng như vậy sẽ không còn bởi lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh đã nhất trí làm con đường chạy dọc theo sông Sài Gòn, trung bình 6 làn xe, dài khoảng 80 km từ Mũi Đèn Đỏ lên Bến Củi, Tây Ninh, trên đó có nhiều dải đô thị. Riêng đường ven sông khu trung tâm TP Hồ Chí Minh phải sớm thông suốt và cảnh quan phải tương thích giữa khu vực Bến Bạch Đằng và quảng trường công viên bờ sông khu đô thị mới Thủ Thiêm cùng với việc sớm chuyển cảng hàng hoá Sài Gòn thành cảng du lịch đón được du thuyền hàng ngàn khách, tức vẫn giữ được trung tâm mang tính biểu trưng của "Thành phố Cảng Sài Gòn" là không gian từ quận 4 qua quận 1 gắn với Nhà Rồng, cột cờ Thủ Ngữ, Bến Bạch Đằng. Vừa qua, việc tổ chức Lễ hội Sông nước TP Hồ Chí Minh lần thứ nhất tái hiện nếp sống cộng đồng cư dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định qua các thời kì với điểm nhấn là chương trình nghệ thuật Dòng sông kể chuyện rất thành công, là dấu hiệu khởi động cho một "Thành phố Cảng Sài Gòn" sống dậy trong lòng TP Hồ Chí Minh không ngừng đổi mới.
Song song với “hướng sông” là “hướng biển”. Đó là định hướng phát triển đô thị biển Cần Giờ 71.300ha, là đô thị xanh, đô thị sinh thái ven biển, với 228.000 người (hiện nay là 70.000 người). Cần Giờ là địa phương duy nhất giáp biển của TP Hồ Chí Minh với chiều dài 23km, nhiều sông rạch, rừng ngập mặn chiếm hơn nửa diện tích và đủ điều kiện để phát triển công viên, quảng trường, sân golf, resort, sân vận động, nhà cao tầng, đưa nơi đây thành điểm giải trí, du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế. Đặc biệt, phát triển Cần Giờ nhưng không được tác động bất lợi tới Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, và sắp tới sẽ là Khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế).
Như đã đề cập ở trên, để phát huy hết tiềm năng từ Nghị quyết 98, TP Hồ Chí Minh có rất nhiều việc phải làm gấp, có rất nhiều việc phải thực hiện trong thời gian dài. Do đó, yếu tố để bảo đảm thành công là phải nâng cao chất lượng của bộ máy thực thi công vụ.