Tiếng chổi tre giữa mùa Covid-19
Xã hội 24/04/2020 09:45
Nỗi niềm của đêm
Đà Nẵng mùa Covid-19 khác hẳn với ngày thường. Đêm, hàng quán đóng cửa, tắt điện. Thành phố vắng lặng, một gương mặt khác của địa danh du lịch thuộc top của châu Á dần hiện ra.
Chị bảo tôi đứng cách 2m để bảo đảm an toàn theo đúng chỉ thị cách li của Chính phủ. Trong đêm, những ánh đèn đường vàng vọt hắt bóng chị đổ dài trên mặt đường vắng chỉ xao xác tiếng chổi tre. Chị là Phan Thị Thủy, sống tại căn nhà nhỏ xíu nằm trong con hẻm của khu Hòa Khánh (quận Liên Chiểu). Gần 15 năm nay, công việc của chị bắt đầu từ lúc 10h tối khi phố phường đã vắng người qua lại và kết thúc lúc 4 giờ sáng.
Chị Hoài và cung đường đêm quét rác |
Chị bảo, những ngày này do chỉ thị giãn cách xã hội nên ít người đi ra đường, thế nhưng rác vẫn đầy ắp vì ở nhà sinh hoạt nhiều hơn nên rác thải sinh hoạt cũng theo đó nhiều thêm. Bình thường, công việc của chị không chỉ quét rác, mà còn thu gom rác vào thùng để nửa đêm về sáng xe rác đi thu gom. Những ngày trước mùa dịch, đường phố đông người và rác vương vãi nhiều hơn. Còn bây giờ, người đi đường ít nên rác trên đường đa phần là lá cây và xác hoa sưa vàng rụng xuống.
Trên đường Điện Biên Phủ gần Công viên 29/3, những nữ lao công môi trường vẫn cặm cụi làm việc dù trời mưa. Chị Trần Thị Hoài đêm này qua đêm khác, cùng với cây chổi tre luôn thoăn thoắt dọn dẹp từng con hẻm đến đường lớn. “Không phải công việc lúc nào cũng nhẹ nhàng. Có những đêm Tết nhất hay lễ hội đường ngập đầy rác, tới nỗi tôi làm mãi tới gần 6 giờ sáng mới về. Dạo này vì dịch bệnh nên cũng ít người ra đường, nên việc quét đường cũng đỡ vất vả hơn”.
Những nhát chổi xào xạc vẫn đêm đêm dọn sạch phố phường |
Hỏi về nỗi lo dịch bệnh, chị Thủy, chị Hoài và nhiều người khác không khỏi ưu tư. Các chị bảo, công việc của các chị là rất cần thiết. Giờ chỉ thị giãn cách xã hội khiến nhiều người phải tạm nghỉ việc nhưng công việc của các chị thì chẳng thể nghỉ ngày nào. Dịch bệnh chỉ khiến các chị cẩn trọng và chu đáo hơn.
Những nụ cười trong gió xoáy
Mấy hôm nay, Đà Nẵng trở mưa đêm càng khiến công việc quét rác của những nữ lao công thêm phần cực nhọc. Vất vả là thế nhưng những đồng lương người làm lâu năm chỉ được chừng gần 5 triệu đồng/tháng. Tính theo mức lương như các chị mỗi ngày được trả 160.000 đồng, thêm 15.000 ăn trưa, 10.000 tiền độc hại. Chị Tấn (43 tuổi), chồng chạy xe ôm một ngày cũng chẳng kiếm được là bao, nhất là trong thời điểm dịch bệnh ít người ra đường nên anh cũng ở nhà. Cả nhà 4 miệng ăn giờ đều trông chờ vào đồng lương ít ỏi của chị.
Chị Tấn phụ trách tuyến đường đi bộ đầu cầu Rồng chia sẻ: “Thu nhập dù ít ỏi nhưng biết lao công vất vả, có nhiều gia đình thỉnh thoảng để vỏ lon, sách báo trước nhà một cách gọn gàng bên cạnh những túi rác ngầm giúp chúng tôi có thêm đồng ra đồng vào”.
Những hôm lễ Tết, khi các chị đang cặm cụi quét rác trên đường thì cán bộ địa phương, lãnh đạo trong công ty môi trường đô thị, hay có những bạn trẻ tình nguyện bất chợt đến thăm. Quà đôi khi chỉ là những chiếc bánh nóng hổi, chai nước hoặc chỉ là lời thăm hỏi. Thế nhưng chừng ấy thôi cũng đủ để các chị thêm động lực làm việc. Chị Tấn bảo, công việc này ít người muốn làm vì vất vả và thu nhập không cao, nhưng nếu đã gắn bó rồi, thì chẳng dễ gì từ bỏ.
Đang quét, chị Hoài ngừng tay chổi, tiếng chị thoảng trong gió đêm: “Chỉ tội bà con nghèo, tội người bán vé số hay ve chai, dịch bệnh thế này họ không kiếm tiền được, biết lấy gì lo cho cuộc sống? Mình thì còn công việc, còn thu nhập, nhưng những người nghèo như thế dừng việc là đứt bữa ngay!”. Tôi lặng người, bỗng dưng nghe lời chia sẻ tự đáy lòng chị có chút gì đó xót xa. Hóa ra, trong nỗi cực nhọc của mình, các chị vẫn nghĩ tới những người khác, những người còn khốn khó hơn mình. Hình như trong cái khổ, con người dễ thương cảm với nhau hơn.
Làm công nhân quét rác hầu như không có ngày nghỉ, chỉ cần nghỉ một buổi thôi, rác lại tràn ngập đường phố. Thế nên, dù trời có lạnh hay lúc mưa to gió lớn thì những chiếc xe rác vẫn kẽo kẹt một cách chậm rãi để chắc chắn rằng những nơi mình đi qua không còn rác bẩn. Rồi khi đêm xuống, trong khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ, tiếng chổi tre của các chị lại vang lên giữa không gian. Những chiếc xe đầy ăm ắp rác lại được đẩy đi trên đường theo tiếng chổi tre. Hóa ra chiếc xe ấy đang chở biết bao số phận con người, trong đó có cả những ước mơ, hoài bão thật giản dị…
Những tiếng chổi xé toạc màn đêm với bao chuyện đời đáng ngẫm như thế. Và khi bình minh lên, nhiều người sẽ vui hơn khi đường phố không còn rác.