Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương
Sự kiện 16/03/2023 16:50
Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, gồm: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng; đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng; đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh…
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương |
Báo cáo Thủ tướng và đoàn công tác, đồng chí Trần Đức Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cho biết, năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng khoảng 9,14% (năm 2021 là 8,4%); quy mô nền kinh tế năm 2022 là 169.179 tỷ đồng (xếp thứ 11/63 toàn quốc); cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch sang công nghiệp, xây dựng và dịch vụ (chiếm tỷ trọng trên 90%).
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 87.300 tỷ đồng (tăng 14,2%); giá trị hàng hoá xuất khẩu 11,45 tỷ USD (tăng 4,8%); hàng hoá nhập khẩu 8,42 tỷ USD (tăng 9,4%). Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 52.100 tỷ đồng (tăng 5,7%). Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 20.098 tỷ đồng, tăng 36% so với dự toán giao.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 358/QĐ-TTg công nhận tỉnh Hải Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, là một trong 5 tỉnh đầu tiên trên cả nước hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Đồng chí Trần Đức Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương |
Chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn tiếp tục trong vị trí tốp đầu cả nước; học sinh giỏi quốc gia có tiến bộ vượt bậc, đứng thứ 3 toàn quốc. Cuối năm 2022, tỉ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ đạt 31,5%. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô nền kinh tế trong 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước; là trung tâm công nghiệp động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng. Năm 2045, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại; giữ gìn, phát huy di sản văn hóa, bản sắc con người xứ Đông; đảm nhiệm vai trò đầu mối giao lưu kinh tế-xã hội giữa các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc với vùng Đông Bắc, vùng duyên hải Bắc Bộ và cả nước. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2030 đạt bình quân trên 9%/năm.
Tỉnh xác định quan điểm phát triển là: Tập trung khơi dậy khát vọng phát triển, đổi mới sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường và sức mạnh khối đại đoàn kết của toàn Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh với quan điểm phát triển xuyên suốt, bao trùm: "Tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo để phát triển bứt phá, bền vững, nâng tầm vị thế Hải Dương".
Tỉnh xác định chiến lược phát triển gồm: Bốn trụ cột - ba nền tảng - một trung tâm, ba đô thị động lực - bốn trục phát triển.
Bốn trụ cột gồm: Công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; phát triển nông nghiệp đa giá trị; dịch vụ chất lượng cao; đô thị xanh, hiện đại, thông minh. Trong đó, lấy phát triển công nghiệp công nghệ cao làm mũi nhọn để dẫn dắt phát triển dịch vụ, nông nghiệp và đô thị.
Ba nền tảng gồm: Văn hóa và con người Hải Dương; môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch; hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Một trung tâm và ba đô thị động lực gồm: Trung tâm phát triển là thành phố Hải Dương và các đô thị động lực Chí Linh, Kinh Môn, Bình Giang.
Bốn trục phát triển gồm: Trục Bắc-Nam, trục Đông-Tây phía Bắc, trục Đông-Tây trung tâm, trục dọc các tuyến sông.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định một số nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong năm 2023. Trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 sau khi được Thủ thướng Chính phủ phê duyệt, tăng cường xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xây dựng hạ tầng giao thông kết nối vùng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải cách hành chính, quản lý chặt chẽ, hiệu quả thu chi ngân sách; tăng cường công tác bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận buổi làm việc |
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, báo cáo của tỉnh khá toàn diện và có trọng tâm; các kiến nghị cả về cơ chế, chính sách đến một số việc cụ thể. Phát biểu của lãnh đạo bộ, ngành rất tâm huyết đã bổ sung, gợi mở định hướng phát triển; đồng thời giải đáp khó khăn, vướng mắc của Tỉnh.
Dù chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 nhưng năm 2022 KTXH Hải Dương vẫn đạt những kết quả nổi bật: GRDP tăng 9,14% (cao hơn bình quân cả nước, xếp thứ 27/63cả nước, thứ8/11 vùng đồng bằng sông Hồng); cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực (công nghiệp, xây dựng 62,4% - Dịch vụ 28,9% - Nông, lâm nghiệp và thủy sản 8,7%). Hiện, quy mô kinh tế Hải Dương xếp thứ 11/63 cả nước, thứ 5/11 vùng đồng bằng sông Hồng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Hải Dương |
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 14,2%, xuất khẩu đạt 11,45 tỷ USD. Thu NSNN đạt gần 21 nghìn tỷ đồng (tăng 36%). Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 52,1 nghìn tỷ đồng.
Phát triển nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng cao (sản xuất theo quy trình GAP, sản phẩm OCOP), giá trị sản phẩm thu hoạch đạt 187 triệu/ha đất; đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu).
Thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông liên kết vùng, tăng cường hợp tác các địa phương trong khu vực (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Bình).
Chú trọng công tác quy hoạch (hoàn thành phê duyệt quy hoạch 10/12 đơn vị hành chính cấp huyện); phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu, trả lời các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Hải Dương |
Cải cách hành chính được đẩy mạnh, chất lượng dịch vụ hành chính công được nâng lên, nhất là dịch vụ công trực tuyến (Chỉ số PCI, Par Index, SIPAS trong nhóm dẫn đầu cả nước).
Chất lượng giáo dục xếp trong nhóm các địa phương dẫn đầu, học sinh giỏi quốc gia xếp 3/63 cả nước; trường đạt chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 76,6%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ đạt 31,5%...
Tuy nhiên, Thủ tướng xin lưu ý một số nội dung sau: Thu hút vốn FDI chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh; chưa có nhiều các dự án lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ chất lượng cao.
Phát triển DN còn hạn chế; việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh còn chậm, hiệu quả chưa cao.
Đã cân đối được ngân sách nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Để xảy ra các vụ việc vi quy định của Đảng, phạm pháp luật của Nhà nước, một số cán bộ phải kỷ luật Đảng, xử lý hình sự.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu, trả lời các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Hải Dương |
Thủ tướng đề nghị, quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh; vận dụng, thực hiện đúng đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; kiên định mục tiêu xuyên suốt nhưng phải linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm hiệu quả. Thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm đến đâu dứt điểm đến đó, việc nào xong việc đó.
Tổng kết, đánh giá bài học kinh nghiệm, phát huy mô hình hay, cách làm hiệu quả.Những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc quy định không còn phù hợp thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội.
Phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, không ỷ lại, né tránh; khắc phục bằng được những hạn chế, tồn tại; hành động quyết liệt hơn, nỗ lực hơn, chủ động hơn, sáng tạo hơn.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa phát biểu, trả lời các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Hải Dương |
Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; có biện pháp kiểm tra, giám sát hiệu quả việc triển khai của từng cấp. Khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời; có cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ,nâng cao hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì Nhân dân phục vụ...
Đánh giá cao mục tiêu đề ra cho các giai đoạn tiếp theo (đến năm 2030 vào nhóm 10 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước; trung tâm công nghiệp động lực vùng đồng bằng sông Hồng…), thể hiện rõ quyết tâm, khát vọng, nhận thức về vai trò, vị trí của Tỉnh trong sự phát triển của Vùng và cả nước.
Tập trung đầu tư cho công tác quy hoạch để phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư, tạo cả lực đẩy và lực kéo cho phát triển. Coi quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, phải đi trước một bước, có tầm nhìn dài hạn, chiến lược; bảo đảm tích hợp, đồng bộ, thống nhất với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia.
Đồng chí Đào Quang Trường, Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc, trả lời các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Hải Dương |
Đa dạng hóa các nguồn lực, tăng cường hợp tác công - tư, lấy nguồn lực Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, kích hoạt các nguồn vốn xã hội; quản lý chặt chẽ và sử dụng vốn đầu tư hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó tập trung đầu tư kết nối giao thông giữa khu vực Đông Bắc của Tỉnh với Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh để khai thác hiệu quảhơn tiềm năng, mở ra không gian phát triển mới.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Tăng cường đối thoại, nắm bắt kịp thời để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đồng hành với doanh nghiệp, coi sự phát triển của doanh nghiệp là sự phát triển của Tỉnh. Hỗ trợ phát triển DN, vừa phát triển các DN lớn, vừa nâng cao năng lực cho doanh DN nhỏ và vừa; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng (cơ khí, chế tạo máy, thiết bị, thiết bị điện, điện tử, hoá chất, phụ trợ…) theo hướng nâng cao nội địa hóa, thiết kế sản phẩm.Phát triển nông nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị, phát triển sản phẩm OCOP. Phát triển du lịch gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa, điều kiện tự nhiên,sản phẩm, dịch vụ đặc thù.
Bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa, lịch sử, giá trị truyền thống; phối hợp với các bộ, địa phương liên quan hoàn thiện hồ sơ đề cử công nhận Quần thể di tích "Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc" là Di sản thế giới.Quan tâm bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện tốtchính sách đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo; chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, các công trình phúc lợi, thiết chế văn hóaKCN.
Coi trọng đầu tư đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng nhu cầu phát triển KTXH. Con người là yếu tố quyết định, là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực của sự phát triển.Muốn phát triển văn minh, hiện đại thì phải cócon người của xã hội công nghiệp, văn minh, hiện đại.
Tập trung giải quyết các vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu trong thực hiện nhiệm vụ, biểu hiện“lợi ích nhóm”, “thao túng chính sách”.
Chú trọng xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì Nhân dân phục vụ; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.