Sức bật của một xã vùng biên ở xứ Thanh
Kinh tế 02/03/2020 07:56
Cách đây hơn 2 năm, tôi có mặt ngay sau đợt lũ quét kinh hoàng ngày 11/10/2017. Cơn lũ đi qua đã khiến nhiều nơi trong xã Bát Mọt trở về con số không. 80% người dân trên địa bàn lâm vào tình cảnh thiếu đói, nhiều dân bản vừa thoát nghèo lại tái nghèo. Chẳng phải bi quan, nhưng ngay lúc ấy, chính bản thân tôi cũng nghĩ phải mất 5 năm, thậm chí 10 năm, Bát Mọt mới khôi phục được.
Bản Chiềng, xã Bát Mọt tan hoang sau lũ quét 2017 |
Vậy mà hôm nay, khi trở lại vùng đất đáng nhớ này, tôi thấy một màu xanh bao phủ, đó không chỉ là màu xanh của sự ấm no mà còn màu của nghị lực sống và vươn lên. Giờ đây, đa số người dân Bát Mọt đã chủ động được lương thực, không còn trông chờ vào trợ cấp của Nhà nước, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 25%. Đó là nhờ hiệu quả từ những chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước. Người dân đã và đang thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thu nhập hiện đạt trên 12 triệu đồng/người/năm.
Thôn Vịn tiếp giáp với huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, Lào, hiện là thôn điển hình trong việc xây dựng nông thôn mới. Trước đây, thôn Vịn luôn trong tình trạng thiếu đói. Từ khi Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, lưới điện và hỗ trợ vốn vay, người dân thôn Vịn đã có cuộc sống no đủ, biết tự làm ăn, không phải trông chờ vào cứu trợ của Nhà nước. Tuy nhien vì cơn lũ đáng sợ năm 2017, trong phút chốc cả bản trở về con số không. Nhưng không vì thế mà nản chí hay ỷ lại. Cán bộ và nhân dân trong thôn đã không ngừng nỗ lực, gây dựng lại, mỗi ngày một ít, và đất cũng không phụ lòng người chăm chỉ, bản làng đã được trải những bạt ngàn hoa màu và cho những kì thu hoạch hiệu quả. Đường đến thôn Vịn giờ đây phần lớn đều đã được bê tông hóa và trải nhựa bằng phẳng.
Từ khi được thụ hưởng chính sách hỗ trợ nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, hàng chục hộ dân ở thôn Vịn đã mạnh dạn vay vốn mua trâu bò để sinh sản giúp cả bản đã có hơn 800 con trâu, bò và đang tiếp tục phát triển. Vì thế số hộ nghèo ở thôn Vịn giảm đáng kể, hiện chỉ còn 10 hộ nghèo và 30 hộ cận nghèo. Đến nay, thôn đã hoàn thành 12/14 tiêu chí và cố gắng hoàn thành nốt 2 tiêu chí còn lại vào năm 2020 để được công nhận chuẩn nông thôn mới. Ngoài phát triển nông nghiệp, thôn Vịn cũng đã được quy hoạch để phát triển du lịch cộng đồng.
Ở Bản Khẹo, cũng là bản nằm sát biên giới với nước Lào, do thời tiết khắc nghiệt, người dân ở đây chỉ trồng được 1 vụ lúa, còn lại 8 tháng là đất lại nghỉ, cứ đến tháng giáp hạt là cả làng thiếu ăn, nên từ lâu được mệnh danh là bản “nghèo bền vững” và cơn lũ năm 2017 cũng không bỏ qua bản này, làm cho bản vốn đã nghèo lại càng nghèo hơn. Song đến giữa năm 2018, được sự giúp đỡ, hỗ trợ của Bộ đội Biên phòng Bát Mọt và phật tử chùa Long Nhương về vốn, kỹ thuật trồng trọt… bản Khẹo đã có vụ thu hoạch rau màu đầu tiên, giúp bà con chủ động được thực phẩm phục vụ cuộc sống.
Theo ông Lang Đình Thuyên, Trưởng bản Khẹo, bản vùng biên này có thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Mùa khô thì lạnh giá, sương mù, sương muối dày đặc; mùa mưa thường xảy ra lũ ống, lũ quét gây sạt lở đất. Bà con chỉ trồng được một vụ lúa duy nhất, còn lại 8 tháng trong năm là đất để không, dân thì không có việc làm, thu nhập gì. Nhưng rất phấn khởi, hiện nay các hộ dân đã tích cực trồng ngô, thậm chí là những cây có giá trị kinh tế cao hơn như khoai tây, hành, súp lơ. Những hộ có điều kiện hơn còn mạnh dạn vay mượn tiền từ ngân hàng, người thân đầu tư phương tiện mở rộng diện tích gieo trồng.
Người dân cùng cán bộ Bộ đội Biên phòng chăm sóc vườn rau |
Các thôn khác trong toàn xã, bà con cũng đang thi nhau trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao đời sống. Hiện nay, toàn xã Bát Mọt đang triển khai nhiều mô hình, dự án giúp bà con phát triển kinh tế, ổn định đời sống như: Dự án trồng cỏ voi để phát triển đàn bò và quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung tại thôn Vịn; mô hình trồng ngô lai theo Chương trình 135, với tổng diện tích 45ha, số vốn đầu tư 270 triệu đồng. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng đã phối hợp với Đồn Biên phòng Bát Mọt tổ chức hướng dẫn kỹ thuật cho bà con cách trồng, chăm sóc để cây ngô phát triển nhanh, mang lại hiệu quả cao.
Ông Lang Đức Thọ, Chủ tịch UBND xã Bát Mọt chia sẻ: Xã Bát Mọt chủ yếu có đồng bào dân tộc Thái sinh sống, từng là một trong những xã biên giới nghèo nhất của tỉnh Thanh Hóa với tỉ lệ hộ nghèo trên 75%, lại phải gồng mình trải qua bao cơn lũ quét, sạt lở. Nhưng hiện nay Bát Mọt đã có nhiều thay đổi, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương cùng sự chung tay góp sức của những người lính biên phòng mà bức tranh đổi mới trên vùng biên đang dần hiện hữu. Vui nhất là việc bà con phấn khởi khi nhìn thấy được thành quả lao động sản xuất của mình, mong rằng mỗi bản làng sẽ tiếp tục thay đổi về tư duy sản xuất để vươn lên thoát nghèo.