Sình ca gọi Xuân về
Văn hóa - Thể thao 03/02/2023 13:07
Khi những chiếc guồng tre dưới con suối Pá Uông chầm chậm quay dẫn nước vào bản mường, khi hoa mận điểm tô cho đại ngàn Tây Bắc cái màu trắng tinh khôi, cũng là thời khắc ông Sầm Văn Dừn cùng các hội viên Chi hội NCT bản Mãn Hóa chuẩn bị lá dứa rừng, gạo nếp nương, đỗ xanh, thịt lợn… để gói bánh chim gâu làm lễ vật cúng mừng năm mới. Người Cao Lan gọi là bánh chim gâu, bởi lớp vỏ bọc ngoài bánh là những chiếc lá dứa rừng được đan thành hình con chim gâu (chim gáy). Trò chuyện với chúng tôi, ông Dừn thổ lộ: “Để làm được những chiếc bánh này, dân bản mình phải lên rừng tìm những chiếc lá dứa bánh tẻ. Ngoài lá dứa rừng ra thì bánh chim gâu không thể thiếu nếp nương. Tuy nhiên, ngoài thịt lợn, đỗ xanh, hạt mắc kén làm nhân, người Cao Lan còn nhuộm gạo nếp bằng lá cây cơm tím. Gói bánh chim gâu thì rất cần đến sự khéo léo, bởi mỗi chiếc lá dứa rừng sẽ được uốn, đan thành hình con chim cu gáy rồi sau đó sẽ nhồi gạo nếp và nhân vào. Bánh chim gâu là lễ vật cúng năm mới của người Cao Lan”.
Vừa chuẩn bị bánh chim gâu, xôi bảy màu, thủ lợn luộc và hoa trái các loại xong thì cũng là cận giờ tốt, ông Dừn cùng người cao tuổi ở đây bảo con cháu khẩn chương đội ba mâm lễ vật ra sân nhà văn hóa thôn Mãn Hóa lập bàn cúng. Chọn đúng thời khắc linh thiêng, ông Dừn mới trịnh trọng đứng trước bàn thờ vỗ trống sành gọi thần linh về đón Xuân; mời tất cả trai, gái dân tộc Cao Lan xa gần tới dựng cây nêu, múa hát mừng năm mới.
Ông Sầm Văn Dừn vừa vỗ trống, vừa hát Sình ca cùng nam nữ hát bài cầu an… |
Từng cung bậc làn điệu, từng tiếng trống sành như một lẽ tự nhiên cứ trầm bổng khớp nhịp vào nhau khiến lòng người ở đây cũng mênh mang nhớ về tổ tiên. Ông Dừn và cụ Đao vẫn say sưa chơi trống đệm cho những làn điệu nồng say để con cháu múa. Để rồi sau khi chuyển nhịp, ngân nga kết đoạn, cụ Đao trầm ngâm kể: “Là người am hiểu sâu sắc văn hóa cổ truyền của dân tộc Cao Lan, nên ông cụ thân sinh ra ông Dừn khi còn sống nói với bà con dân bản rằng: Do thằng Dừn nó bị đẻ rơi trên nương, rồi lớn lên bằng củ sắn, bắp ngô và cây rừng, gió núi nên rất nghịch ngợm, nhanh như sóc. Nhưng được cái là bụng nó rất sáng, hát hay, múa giỏi. Chín, mười tuổi đã biết bắt con ếch cốm về lột da làm trống sành, làm khèn pí. Hai thứ ấy làm vừa đẹp, vừa có âm thanh hay, rất dễ đi vào cái bụng, cái tai bà con nghe hát Sình ca dân tộc Cao Lan”.
Ông Dừn cho biết, khi bố qua đời đến nay, ông nối tiếp công việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Cao Lan, như chơi trống sành, khấn tế các vị thần linh, diễn xướng Sình ca mừng năm mới…”.
Bây giờ tuổi đã cao nhưng ông Dừn vẫn mê chơi chống sành, mê trình diễn trao truyền những màn diễn xướng dân tộc Cao Lan cổ cho lớp trẻ, mà ông không hay mái tóc đã bạc như cước, đôi mắt đã mờ, chỉ còn chân tay và chất giọng là vẫn hào sảng, hoạt bát… Hơn ai hết, ông Dừn hiểu thấu tổ tiên, ông cha mình ngày xưa gây dựng các màn diễn xướng này là để phục vụ tín ngưỡng cho cộng đồng người Cao Lan.
Được biết, múa hát đón Xuân mới của người Cao Lan có rất nhiều làn điệu và được chia làm 2 nhóm: Múa hát trong các nghi lễ tín ngưỡng và múa văn nghệ kết hợp hát Sình ca. Những điệu múa biểu diễn tại các nghi lễ thờ cúng, tế thần thánh tiếng Cao Lan gọi là múa “Sau quat” miêu tả bàn tay Phật, “Phúi mạc lừ” diễn tả đôi tai các vị thần, “bat bat hooc, bạt bạt hoi” đóng cửa trời, mở cửa trời để các thần đi lại giao tiếp thế giới loài người. Các điệu múa này thực hiện khá nhiều kiểu cách, chi tiết cầu kì. Trong đó, có sự kết hợp tiếng trống sành, tiếng hát cùng nhịp chân nhảy, tay múa uyển chuyển. Nhưng thông dụng nhất là các điệu múa gắn liền với sinh hoạt con người, được biểu diễn trong các dịp lễ hội đầu Xuân gồm múa xúc tép, múa chim gâu, múa cầu mùa,...
Trò chuyện với chúng tôi, anh Sầm Văn Đại, con trai ông Dừn tự hào: “Cũng bởi những màn diễn xướng cổ đón Xuân mới như thế này mà đầu năm 2019 bố Dừn mình được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân. Hiện bố tôi là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Gia đình văn hóa bản Mãn Hóa. Đội văn nghệ bản do ông thành lập thường xuyên sinh hoạt và trở thành niềm tự hào của đồng bào Cao Lan ở khắp mọi bản làng không chỉ tỉnh Tuyên Quang mà còn của các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc,… khi liên tục giành được những giải thưởng lớn tại các hội thi, hội diễn toàn quốc, phục vụ nhiều sự kiện chính trị lớn của tỉnh và đất nước”.
Đầu năm 2001, Nghệ nhân Nhân dân Sầm Văn Dừn mở lớp dạy hát múa Sình ca tại nhà và đã truyền dạy được gần 100 học viên biết hát, biết múa các bài Sình ca cổ. Đồng thời ông cũng dịch nhiều bài múa, hát Sình ca cổ cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang làm tư liệu nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận Sình ca của dân tộc Cao Lan là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Hôm tiếp chúng tôi, sau khi múa hát bài Sình ca cầu mùa, ông Dừn khoanh chân ngồi xuống rít một hơi dài vào sâu lồng ngực để thay đổi chất giọng, rồi ông ngả nghiêng vỗ trống sành phụ họa cho vợ chồng anh Sầm Văn Đại thực hiện bài múa chim gâu. Từng tiếng trống sành thập thình, xa ngái. Giọng ông Dừn trầm bổng, đôi khi vội vã, rồi chùng xuống đều đều... làm cho người nghe không thể dứt ra được...
Tết về, trong thời khắc đất trời giao hòa, nhiều người Cao Lan chẳng biết những làn điệu nồng say của dân tộc mình có từ bao giờ. Nhưng họ biết ông Dừn cùng những người Cao Lan cao tuổi và các thành viên của Đội văn nghệ thôn Mãn Hóa luôn nhắc câu truyền miệng: “Tết về không hát Sình ca thần không ngự, không tiếng trống sành không tốt lúa, không múa giã cốm thóc cạn bồ, không múa kiếm cổ không khỏe mạnh và không múa chim gâu không kết đôi”.
Lẽ ra chúng tôi còn muốn thưởng thức các hợp âm trống sành, những màn diễn xướng của ông Dừn; muốn trò chuyện với những người Cao Lan đang múa hát, thưởng thức làn điệu Sình ca cổ truyền ở sân nhà văn hóa thôn Mãn Hóa lâu hơn nữa. Nhưng chúng tôi đành phải nói lời chào đồng bào trong nuối tiếc, với niềm tin rằng, sớm Xuân mai về miền xuôi, chúng tôi vẫn nhớ như in tiếng trống sành, những màn diễn xướng truyền thống của dân tộc Cao Lan trên vùng đất xa xôi ấy.