Quốc hội chưa thông qua 2 dự án Luật do Bộ Công an soạn thảo
Sự kiện 18/11/2020 09:41
Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) được Chính phủ trình theo Tờ trình số 436 ngày 25/9/2020 có 102 điều và 6 chương; Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được Chính phủ trình theo Tờ trình số 387 ngày 27/8/2020, có 34 điều và 5 chương. Hai dự án Luật này đều do Bộ Công an chủ trì doạn thảo.
Hai dự án luật do Bộ Công an soạn thảo chưa được thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV |
Đóng góp ý kiến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở - đại biểu Phan Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng chưa ổn nếu thông qua, bởi các lý do:
Một là, chưa có đánh giá tác động, chưa tổng kết các lực lượng này để rút kinh nghiệm, tìm hiểu xem các lực lượng này thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua được gì, chưa được gì mà vội vã ban hành luật là chưa thật sự khách quan.
Hai là, nếu 3 lực lượng này gom lại với nhau thì sẽ tăng thêm số lượng, có khoảng 1,5 triệu người chứ không giảm như trong tờ trình.
Ba là, số tiền chi bồi dưỡng cho lượng này hàng tháng cũng tăng nhiều hơn so với thực tiễn hiện nay.
Bốn là, lực lượng này hiện nay đã hoạt động ổn định và đã phối hợp tốt với lực lượng dân quân tự vệ, công an xã, phường, thị trấn trong việc đảm bảo an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội ở địa phương cho nên không nhất thiết phải thành lập thêm một tổ chức mới.
Giải thích thêm các lý do mình đưa ra, đại biểu Phan Văn Hòa nhận thấy hiện nay, ở cơ sở cũng đã có lực lượng dân quân rộng khắp từ xã đến thôn, ấp, lực lượng này được thực hiện bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm sẽ là lực lượng phối hợp với lực lượng công an trong việc bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, đã có lực lượng dân quân phối hợp với lực lượng công an thì nhất thiết phải ban hành thêm một lực lượng mới nữa hay không – đại biểu Hòa nhấn mạnh.
Cho ý kiến vào dự án Luật này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, không nên thông qua vì chưa phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu toàn diện, cân nhắc đầy đủ các khía cạnh. Đặt trong bối cảnh tình hình đất nước, tình hình địa phương, tình hình các lực lượng giữa công an và quân đội, giữa công an, quân đội và các địa phương để chúng ta nghiên cứu lại các quy định này.
Nếu có đặt ra thì đặt như thế nào để phù hợp. Luật mà không phúc đáp được yêu cầu thực tiễn thì dứt khoát chúng ta không thể ban hành luật, đưa luật ra ngoài đời, cuối cùng không đi vào thực tiễn nữa, nó bật quay trở lại. Có nghĩa là Quốc hội có lỗi với Nhân dân. Do đó, Chính phủ cần tổ chức tổng kết công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Trong đó, đặc biệt làm rõ hiệu quả, sự phối hợp giữa công an nhân dân và dân quân tự vệ địa phương để xây dựng đề án tăng cường phối hợp giữa 2 lực lượng này, sau khi tổng kết đề án, sẽ đề xuất giải pháp phù hợp và lúc đó cũng có thể đề xuất để xây dựng một luật cho phù hợp – đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị.
Đại biểu Sùng Thìn Cò cho rằng lực lượng công án của chúng ta hiện nay là quá đông, do đó cần phải cân nhắc trước khi thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở. |
Theo đại biểu Sùng Thìn Cò (Hà Giang), bây giờ lực lượng công an của chúng ta quá đông, một tỉnh ít nhất cũng phải từ 3.000 đến 3.500 người, thậm chí có những tỉnh lớn là 4.000, hơn 4.000 công an chính quy, rất đông mà bây giờ lại thêm lực lượng nữa, thì không lẽ lực lượng chính quy này không có đủ khả năng để nắm và xử lý tình hình. Cái tài của người chiến sĩ công an là xây dựng mạng lưới cơ sở bí mật để giúp nắm tình hình, nắm từ trong trứng nước không để phát sinh, bùng nổ. Đông nhưng không mạnh thì đúng là tốn kém.
Ví dụ, một tội phạm ma túy đã nghiện ma túy rồi, như có sẹo trong não không thể nào tẩy xóa được cho nên đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào trại cải tạo kiểu gì thì kiểu, khi uống thuốc chỉ được một thời gian thôi, về nhà là lại tái nghiện. Tội phạm này là một trong những nguyên nhân sinh ra trộm cắp, giết người, các gia đình có con như thế này thì làm thế nào. Có nhiều gia đình phải xích con trong nhà.
Nếu xác định lực lượng này là rất quan trọng tại sao chúng ta không xây dựng ngay từ đầu để lực lượng đủ sức làm nhiệm vụ ở cơ sở, mà chúng ta phải đưa lực lượng công an chính quy xuống, cho nên lại thêm một lực lượng này nữa. Do đó chúng ta phải cân nhắc trước khi bấm nút thông qua – đại biểu Sùng Thìn Cò khuyến nghị.
Trước nhiều ý kiến trái chiều của ĐBQH tại phiên thảo luận sáng (17/11) về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở. Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội là có cần thiết ban hành. Kết quả cho thấy, có 96 đại biểu thấy cần thiết, tương đương 24,42% trên số phiếu và chiếm 19,96% trên tổng số ĐBQH. Có 290 đại biểu thấy chưa cần thiết, tương đương 73,79% trên tổng số phiếu và 60,29% tổng số đại biểu Quốc hội. Không chọn phương án và ý kiến khác có 25 đại biểu.
Trước đó, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và nghị trường về Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến biểu quyết không tán thành tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật, đó là: Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đồng thời cũng không tán thành chuyển chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.
Theo đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Càu Mau), hiện nay trật tự an toàn xã hội còn phức tạp, tội phạm ma túy, trộm cắp, bang nhóm… vẫn còn nhiều nhức nhối, chưa được kiềm chế một cách hiệu quả. Vì vậy lực lượng công an theo chức năng, nhiệm vụ của mình cần giải quyết tốt các vẫn đề nêu trên, không cần nhận thêm nhiệm vụ khác.