Quốc hội chính thức thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
Tin tức - Sự kiện 18/01/2024 11:10
Các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường trong Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV. |
Sáng nay, 18/1, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã bỏ phiếu thông qua Biểu quyết thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy có 450 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 91,28%).
Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) với 15 chương, 210 điều.
Trước khi các đại biểu biểu quyết, báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật bảo đảm thận trọng, kỹ lưỡng, bám sát yêu cầu cơ cấu lại, nâng cao năng lực, hiệu quả của hệ thống tổ chức tín dụng theo đúng chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội. Ngày 16/01/2024, Chính phủ đã có Báo cáo số 18/BC-CP về ý kiến đối với tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật.
Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 gồm 15 chương, 210 điều (so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, bỏ 4 điều, bổ sung 11 điều, giữ nguyên 15 điều và chỉnh lý kỹ thuật các điều khác).
Trong đó, cơ quan dự thảo Luật đã tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về nhiều nội dung: giải thích từ ngữ; ngân hàng chính sách; tiêu chuẩn, điều kiện đối với người quản lý, người điều hành và một số chức danh khác của tổ chức tín dụng, ban kiểm soát; kiểm toán độc lập; hoạt động của tổ chức tín dụng; giới hạn cấp tín dụng; tài chính, hạch toán, kế toán...
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, một số vấn đề lớn của dự thảo Luật được báo cáo và tập trung thảo luận gồm: Dự phòng rủi ro; Can thiệp sớm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng; Xử lý trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt, vay, cho vay đặc biệt; Xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm; Cơ quan quản lý nhà nước; Điều khoản thi hành. Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật với 14 lượt ý kiến góp ý.
Thực hiện phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã mời Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan tham gia họp rà soát, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội và ý kiến của Chính phủ đối với việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã phối hợp với các cơ quan chỉnh lý kỹ thuật các quy định tại dự thảo Luật để bảo đảm thống nhất, tránh cách hiểu khác nhau; giải trình một số ý kiến của đại biểu Quốc hội về những chính sách đã có sự thống nhất giữa các cơ quan trước khi trình Quốc hội bấm nút thông qua./.
Công an Hà Nội vào cuộc vụ facebooker tố quán phở "đuổi khỏi quán vì ngồi xe lăn" Tối ngày 12/1, một tài khoản facebook có tên Vũ Minh Lâm đã đăng tải bài viết trên mạng xã hội với tiêu đề "Mình ... |
Khởi tố, bắt tạm giam Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Ngày 16/1, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết đã ra quyết định khởi tố 6 bị can là ... |
Bắt tạm giam Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang Nguyễn Thế Bình Thông tin từ Công an tỉnh Hà Giang, Cơ quan CSĐT đã khởi tố bổ sung vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm ... |