Phổ biến thông tin về phòng vệ thương mại dành cho các cơ quan báo chí
Kinh tế 19/11/2021 16:31
Thực hiện quy chế phối hợp giữa báo chí với cơ quan Nhà nước trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm nhân dân quan tâm, ngày 19/11, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Phổ biến thông tin về phòng vệ thương mại dành cho các cơ quan báo chí bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho hay, Việt Nam đã từng bước hội nhập vào nền kinh tế trong khu vực và toàn cầu. Đến nay, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do kể ca song phương và nhiều bên, trong đó có hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như hiệp định CTTP.
Toàn cảnh Hội nghị |
Trong năm 2020, Việt Nam đã cùng 4 nước khác ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực, gọi tắt là RCEP. Ngay sau đó là hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Bắc Ailen, Vương quốc Anh.
"Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế này từ việc gia nhập tổ chức thương mại thế giới, cho tới việc đàm phán và ký kết hiệp định thương mại tự do đã góp phần làm thay đổi căn bản thể chế kinh tế nói riêng và nền kinh tế của Việt Nam nói chung”, ông Khánh nhận định.
Theo ông Khánh, để bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước trong bối cảnh mở cửa nền kinh tế và đưa ra các cam kết xóa bỏ hàng rào thuế, xóa bỏ hàng rào kinh tế, các nhà đàm phán đã thiết kế ra một công cụ là phòng vệ thương mại (PVTM).
Biện pháp phòng vệ thương mại đã, đang và sẽ luôn luôn song hành cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Phòng vệ thương mại bao gồm các biện pháp chủ yếu như biện pháp tự vệ được áp dụng khi hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến vì cắt giảm thuế theo các cam kết quốc tế, vì hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến. Từ đó, có khả năng gây ra tình trạng nghiêm trọng đến sản xuất trong nước thì áp dụng biện pháp tự vệ. Ngoài ra, còn có thể áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp được áp dụng khi hàng hóa xuất khẩu trong nước có biểu hiện bán phá giá và có biểu hiện được Nhà nước trợ cấp để xuất khẩu.
Ông Khánh cho hay, theo thống kê của WTO, hơn 20 năm qua, các nước đã khỏi xướng điều tra tổng cộng 6.300 vụ việc chống bán phá giá, 632 vụ chống trợ cấp, 400 vụ việc tự vệ. Trung bình mỗi năm hơn 290 vụ.
Trong những năm gần đây, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Nếu như giai đoạn 2005-2010, mới có 25 vụ việc thì trong giai đoạn 2011-2015 là 52; giai đoạn trước 2016 đến tháng 9/2021 là 109. Giai đoạn trước năm 2005, tổng số vụ việc khoảng 22 vụ, tổng số vụ việc cho đến nay là 208 vụ, đặc biệt là số lượt vụ việc chống lẩn tránh nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên, do ngoài nước cho rằng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính được nhập khẩu từ những khu vực đang bị họ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại như thép, nhôm, thậm chí là tôn.
Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh của Việt Nam. Ảnh Vũ SinhTTXVN. |
Lý do chính của xu thế gia tăng các vụ việc PVTM đánh vào hàng xuất khẩu của Việt Nam có nhiều, nhưng một trong những lý do quan trọng là xuất khẩu của Việt Nam tăng rất nhanh. Nhờ tác động tích cực của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia các hiệp định thương mại tự do, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng rất nhanh, nhiều mặt hàng của Việt Nam tạo ra sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường nước nhập khẩu khiến ngành sản xuất tại các nước này đề nghị Chính phủ họ điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ.
Ở chiều ngược lại, mặc dù phòng vệ thương mại là nội dung tương đối mới đối với Việt Nam nhưng trong những năm gần đây chúng ta đã bắt đầu chủ động sử dụng công cụ phòng vệ thương mại thiết lập môi trường cạnh tranh, công bằng, bảo vệ lợi ích chính đáng của người sản xuất trong nước.
Để cộng đồng doanh nghiệp và người dân hiểu đúng về các biện pháp PVTM, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, vai trò của báo chí truyền thông là rất quan trọng.
Hội nghị nhằm thảo luận, tìm hiểu về tổng quan về các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và tham gia; tác động của các hiệp định thương mại tự do đến nền kinh tế Việt Nam; cũng như vai trò của biện pháp phòng vệ thương mại trong việc lập lại môi trường cạnh tranh công bằng bảo vệ lợi ích chính đáng… Qua đó để các cơ quan báo chí truyền thông thông tin tuyên tuyền cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân hiểu đúng đủ về công cụ phòng vệ thương mại, cũng như cảnh báo các rủi ro cho các bên liên quan đối với các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Phòng vệ thương mại là biện pháp mà một nước sử dụng để tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hoá nhập khẩu với hàng hoá sản xuất trong nước thông qua hạn chế nhập khẩu đối với một hoặc một số loại hàng hoá nhập khẩu bị bán phá giá, được trợ cấp tăng nhanh đột biến, gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước. Điều cần lưu ý là biện pháp tự vệ chỉ được áp dụng đối với hàng hoá, không áp dụng đối với dịch vụ, đầu tư hay sở hữu trí tuệ.
|