Ông Năm “chăm” vác tù và hàng tổng
Phát huy vai trò NCT 23/07/2022 13:38
Người chiến sĩ không quân hàm
Tôi tìm đến nhà ông Năm ở thôn Văn Khê, xã Tam Hưng lúc cuối chiều. Vợ ông Năm bảo “giờ này chú phải ra đường Rặng Muỗi” mới tìm gặp được ông ý, không thì phải chờ đến 8 giờ tối, ông ý xong nhiệm vụ mới về nhà ăn cơm.
Theo lời bà, tôi ra đường tìm Rặng Muỗi. Quả nhiên, tôi thấy một người đàn ông mặc cảnh phục, một tay cầm cờ, tay cầm gậy, miệng thổi còi đang phân luồng giao thông, hướng dẫn học sinh đi đường.
Ông Năm phân luồng giao thông trên đường Rặng Muỗi đã được 3 năm (ảnh Thành Luân) |
“Chú chờ tôi một lát, đang đông xe quá, tôi phân luồng để khỏi tắc xong rồi tôi vào trò chuyện với chú nhé”, ông Năm vội vàng nói với tôi.
Quan sát ông Năm làm nhiệm vụ, tôi thấy ông rất có “nghề”. Ông làm hiệu lệnh rất dứt khoát, thổi còi dõng dạc và rất bình tĩnh đứng giữa ngã tư cho dù có không ít thanh niên đang điều khiển xe máy với tốc độ cao.
Tranh thủ lúc đoạn đường đã thông thoáng, ông Năm trò chuyện với tôi bên lề đường. Ấy vậy, ông liên tục nhìn ra đường, thấy bất kỳ thanh niên nào đi xe máy tốc độ cao, không đội mũ bảo hiểm, kẹp 3 – kẹp 4 là ông đứng ra thổi còi, ra hiệu lệnh dừng lại để nhắc nhở các em tuân thủ luật giao thông.
Trò chuyện với tôi, ông Năm cho biết, những năm gần đây, đường trục phía Nam (hay còn gọi là đường Cienco 5) đi qua địa bàn xã đã hoàn thành nên lượng phương tiện giao thông đông đúc lên hẳn. Cộng thêm các gia đình có điều kiện mua thêm xe máy, rồi xe điện cho con em đi học. Tiện lợi là thế nhưng đi kèm với đó là mặt trái đáng buồn. Số vụ tai nạn giao thông tăng, đặc biệt ở thanh thiếu niên.
Đau đáu, trăn trở, nhiều đêm liền ông không ngủ được vì ám ảnh bởi những vụ tai nạn giao thông đau lòng. “Cách đây vài năm, có vụ xe máy tông trực diện vào xe đạp điện, khiến hai nữ sinh thiệt mạng. Tôi ở gần đó, nghe tiếng va chạm, vội chạy lại thì thấy cảnh tượng thật thương tâm. Cả hai cháu gái đều không đội mũ bảo hiểm. Còn chiếc xe máy thì đi với tốc độ cao, đánh võng bốc đầu, không làm chủ được tốc độ”, ông Năm bộc bạch.
Không để ám ảnh giày vò tinh thần hằng đêm. Ông Năm đã quyết định “ra quân” phân luồng giao thông tại các ngã tư trên đoạn đường Rặng Muỗi, giúp học sinh trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tam Hưng qua đường an toàn đến lớp. Hằng ngày, ông Năm có “2 ca chính” làm việc: sáng - chiều, ngoài ra còn có ca phụ buổi trưa.
Ông nhớ như in giờ vào lớp và tan học của học sinh cấp 1 và cấp 2. Nên cứ buổi sáng, ông có mặt từ 6 giờ tới 7 giờ khi các cháu đã vào lớp hết. Buổi chiều, ông có mặt từ 16 giờ lúc học sinh cấp 1 tan học. Rồi, ông lại đợi đến 17 giờ lúc học sinh cấp 2 ra về. Còn hôm nào đông xe quá, thì ông quên luôn giờ ăn, làm nhiệm vụ đến 20 giờ mới chịu về. Hôm nào trưa mà đường tắc hay có va chạm, anh hàng nước gọi điện là ông Năm lại bỏ bát bỏ đũa lao ra ngay đoạn đường để giải quyết.
Ngày nào dày sương, ông Năm còn làm nhiệm vụ sớm hơn. “Nhiều hôm sương mù dày đặc khiến tầm nhìn bị hạn chế, tôi phải mặc áo phản quang, dùng dùi cui có nháy sáng để ra phân luồng từ sớm. Có người tuy biết sương dày nhưng không bật đèn xe, phóng nhanh, tôi ra hiệu dừng lại thì không vui. Nhưng tôi vẫn nhẹ nhàng giải thích cho họ hiểu để đi đường được an toàn hơn”, ông Năm cho biết.
Ngoài phân luồng, những vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đoạn đường ông Năm đều là người có mặt đầu tiên để đưa nạn nhân tới bệnh viện và bảo vệ hiện trường. Như năm ngoái, có vụ một người phụ nữ đi xe máy trên đường đi lễ bị một thanh niên đâm phải. Người phụ nữ ngã nhào xuống mương gần đó. Ông Năm nhìn thấy liền lội xuống mương kéo người phụ nữ lên. Người phụ nữ nôn ói, tức ngực và bị gãy xương sườn. Ông Năm đã nhanh chóng gọi cấp cứu 115. Sau đó, ông gom hết đồ của người phụ nữ lại và trao trả cho người nhà.
Ngoài ra, trong các buổi họp của thôn, ông Năm luôn tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, nhắc nhở người dân không phơi rơm, thóc ra đường, tuyên truyền cho thanh niên phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
Nỗi khiếp sợ của những kẻ cướp giật
Không chỉ tình hình an toàn giao thông trên địa bàn được cải thiện mà nạn cướp giật trên đoạn đường Rặng Muỗi cũng giảm hẳn từ khi có “chốt chặn thép” Bùi Tiến Năm. Ông Năm vốn biết chút võ nghệ, lại dũng cảm, nhanh trí nên đã bắt nhiều vụ cướp giật, cho dù có nhiều đối tượng hung hăng, trẻ khỏe.
Tháng Giêng năm kia, có một vụ cướp giật trên đường 427. “Đúng 8 giờ 35 phút tối, lúc đó tôi vẫn đang trên đường. Đối tượng đi xe SH phóng tốc độ cao, thấy tôi chặn nhưng đối tượng không sợ và có ý định tông thẳng vào tôi. Tôi né được và dùng dùi cui quật vào tay lái khiến hắn ngã nhào ra. Sau đó, tôi khống chế được đối tượng và cùng người dân đưa đến công an xã để bàn giao”, ông Năm kể.
Còn vào quãng 6 – 7 năm trước, thôn Văn Khê xảy ra vụ mâu thuẫn anh em. Đối tượng đâm một người 3 phát vào ngực bằng dao bầu, sau đó cố thủ trong nhà. Dân làng quây quanh rất đông nhưng không ai dám vào không chế. Đối tượng rất hung hãn và từng có tiền án. Ông Năm nhanh trí đã trèo tường, lẻn từ bếp lên, cầm dùi cui quật vào tay cầm dao đối tượng, sau đó khóa đối tượng lại chỉ bằng một đòn.
Ông Năm có tình yêu rất lớn đối với con trẻ |
Tính đến nay, có không biết bao nhiêu vụ đánh nhau, trộm cắp, cướp giật mà ông Năm đã tham gia bắt đối tượng. Dẫu có nguy hiểm nhưng ông Năm không hề e sợ. Ông Năm còn tếu táo bảo: “Có đối tượng bị tôi khống chế, sau đó đi tù vài năm đã về. Giờ gặp lại, thấy tôi, người ấy lại niềm nở bảo “con phục ông Năm thật. Ông nhanh quá, tuổi cao mà vẫn khỏe, khóa con một đòn không thể giẫy được, từ nay con chừa và hứa sẽ làm người tử tế”.
Với nhiều “chiến công” trong đảm bảo trật tự an ninh trên địa bàn, các chiến sĩ công an xã Tam Hưng luôn tôn trọng và cảm kích trước tinh thần gan dạ, trách nhiệm của ông Năm. Họ coi ông Năm như người “đồng nghiệp” nhưng không đeo quân hàm, không hưởng lương, không hưởng phụ cấp mà hưởng sự yêu quý của người dân địa phương.
Nhận xét về ông, ông Dương Quý Đáng, Bí thư chi bộ thôn Văn Khê cho biết: Việc làm của ông Năm xuất phát từ tinh thần tự nguyện. Thời gian ban đầu, nhiều người không hiểu ý tốt của ông Năm nên không nghe theo hiệu lệnh, bảo ông dỗi hơi – vác tù và hàng tổng. Dần dần, họ thấy học sinh đến trường an toàn và hiểu việc ông làm nên rất chấp hành hiệu lệnh giao thông của ông Năm.
Thấy việc làm của ông ý nghĩa, người dân trong thông đã mua tặng ông bộ quân phục, còi, dùi cui mới để tiện phân luồng, giúp học sinh qua đường an toàn. Giờ, có ông Năm thổi còi phân luồng, học sinh và phụ huynh đều rất yên tâm trên con đường đến trường. Đồng thời, ông kiêm luôn cả nhiệm vụ phòng chống cướp giật trên đường, từ ngày có ông Năm phân luồng, tình trạng cướp giật trên địa bàn xã đã giảm hẳn.
Với việc làm ý nghĩa và hữu ích cho làng xóm trên, năm 2020, ông Năm được huyện Thanh Oai tặng danh hiệu “Người tốt – Việc tốt”.