Ông Bùi Thanh Vận và phong trào xây dựng nông thôn mới
Biểu dương cán bộ hội tiêu biểu 02/06/2023 09:33
Trò chuyện với tôi, ông Bùi Thanh Vận cười và nói: “Mình sinh đúng năm Cụ Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Cũng năm ấy xảy ra nạn đói, có thể với những sự kiện ấy của đất nước, của miền quê nơi cửa sông Chanh, một nhánh của sông Bạch Đằng huyền thoại, nên ông cụ thân sinh đã đặt tên mình là Vận. Vận nước, vận của đời người”.
Ông Vận kể tiếp, năm 1964, ông đi học Trung cấp Lâm nghiệp, năm 1968 về địa phương làm Phó Bí thư Đoàn xã, Ủy viên Ủy ban phụ trách Văn hóa xã hội; tháng 2/1975 nhập ngũ, và là người cao tuổi nhất nhập ngũ trong đợt tuyển quân năm ấy. Nghĩ sẽ được vào Nam chiến đấu, nhưng ông lại được điều về Sư đoàn 395 làm nhiệm vụ bảo vệ, phát triển kinh tế các huyện biên giới của tỉnh Quảng Ninh. Năm 1976, ông được kết nạp Đảng; năm 1978, được đơn vị điều đi tăng cường cho cấp huyện tại huyện Quảng Hà (nay là 2 huyện Hải Hà và Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh). Năm 1985, ông chuyển về Ban Chỉ huy quân sự thị xã Cẩm Phả, năm 1991, chuyển về Thị đội Yên Hưng và nghỉ chế độ bệnh binh năm 1995. Vợ ông, bà Bùi Thị Liệp, sinh năm 1947, nhập ngũ năm 1968, chuyển ngành về Bưu điện huyện Yên Hưng (nay là thị xã Quảng Yên) năm 1971, về nghỉ chế độ mất sức năm 1985.
Ông Bùi Thanh Vận trao đổi với tác giả. |
Nhìn thửa đất nơi gia đình ông đang ở có diện tích cả ngàn mét vuông, có chiều dài 80m, chiều sâu hơn 20m bám mặt Tỉnh lộ 331, được quy hoạch xây dựng bề thế; gồm nơi ở, nơi đặt văn phòng giao dịch, kho chứa vật liệu có giá trị cả chục tỉ đồng hiện nay; ít ai biết cách đây không lâu, vợ chồng ông phải bươn chải đủ nghề; như làm ruộng, chăn vịt, nổ bỏng rang để bán… kiếm gạo nuôi con và gây dựng cơ nghiệp. Đến khi các con khôn lớn, có tích lũy, ông bà mở đại lí, kinh doanh vật liệu xây dựng. Với tiêu chí “lãi ít, quay vòng vốn nhanh” nên cửa hàng của gia đình ông luôn thu hút được khách hàng trong và ngoài xã. Kinh doanh giỏi, kinh tế khá giả, nên các phong trào của địa phương gia đình ông tích cực tham gia và có những đóng góp không nhỏ cả chục năm qua.
Ông Bùi Khánh Trọng, Chủ tịch Hội CCB xã Tiền An cho biết: Vợ chồng ông Vận bà Liệp là hai hội viên Hội NCT và CCB của xã vừa làm kinh tế giỏi, vừa gương mẫu đi đầu trong các phong trào, trung bình mỗi năm ông bà đóng góp vào các Quỹ Xóa đói giảm nghèo, Khuyến học, Nạn nhân chất độc da cam,… khoảng 10 triệu đồng. Nhân dịp địa phương sửa chữa nâng cấp đền Quan Đại, xã Tiền An, thị xã Quảng Yên (đền đã được công nhận là Di tích lịch sử Văn hóa Quốc gia), vợ chồng ông Vận công đức 50 triệu đồng để nâng cấp đền.
Đánh giá về phong trào “Tuổi cao - Gương sáng” của Hội NCT xã, cũng như NCT làm kinh tế giỏi, ông Vũ Ngọc Hùng, Thị ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tiền An nhận xét: Trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng NTM, NTM nâng cao, xã Tiền An có một diện mạo mới như ngày hôm nay, ngoài sự đồng lòng chung sức của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong xã; còn có sự đóng góp tích cực bằng tinh thần, trí tuệ, công sức của hơn 1.000 hội viên Hội NCT của xã trong những năm qua, mà điển hình là vợ chồng ông Bùi Thanh Vận và bà Bùi Thị Liệp. Theo đó ông bà đã đồng thuận với chủ trương của tỉnh, của huyện giải phóng mặt bằng và bàn giao hơn 200m2 đất thổ cư để mở rộng Tỉnh lộ 338 nối lên cao tốc Hải Phòng - Hạ Long. Trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng NTM của xã, các tuyến đường liên thôn được mở rộng và đổ bê tông, vỉa hè, cống, rãnh được xây dựng kiên cố, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp cũng có một phần đóng góp của vợ chồng ông Vận. Khi địa phương chưa có kinh phí, gia đình ông Vận đã nhiều lần cung cấp trước xi măng cho địa phương, với số tiền từ 5 đến 7 trăm triệu đồng một lần (không tính lãi) để xây dựng các công trình. Địa phương rất trân quý tình cảm, trách nhiệm của ông Vận và bà Liệp. Những đóng góp của vợ chồng ông Vận đã góp phần cổ vũ, động viên phong trào xây dựng NTM, NTM nâng cao của địa phương.
Tôi cùng ông Vận đi dọc theo tuyến đường đầy hoa, cạnh trụ sở UBND xã là khu vui chơi thanh thiếu niên rộng hàng nghìn mét vuông; gồm sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông được trải cỏ nhân tạo và hàng trăm người già trẻ đang tập thể thao. Cách đó vài trăm mét, nhà văn hóa xã đang được xây dựng, ông chỉ cho tôi những tuyến đường ngõ xóm đạt chuẩn mà địa phương mới đầu tư mở rộng.
Khi chia tay, người lính già nói với tôi: “2 năm nay tôi bàn giao công việc kinh doanh cho các cháu, mỗi khi chiều về đi bộ trên “đường làng” nhìn ngắm quê hương đổi mới mà lòng tràn ngập niềm vui. Cảm ơn Đảng, Bác Hồ mới có ngày hôm nay”.