Nông dân đổi đời nhờ trồng cây gai xanh
Tin tức 09/07/2023 14:47
Nhiều NCT ở xã Phượng Vĩ vận động con cháu chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh AP1 mang lại hiệu quả kinh tế cao |
Về thăm xã Phượng Vĩ nơi có diện tích trồng cây gai xanh AP1 lớn nhất tỉnh Phú Thọ, một màu xanh mướt của cây gai xanh đã hiện diện trên các soi bãi, sườn đồi. Những ngày này, gia đình ông Bùi Văn Thành, hội viên NCT xã Phượng Vĩ phấn khởi thu hoạch lứa gai thứ 4. Việc sơ chế, phơi khô được tiến hành ngay tại điểm trồng nguyên liệu.
Là người tiên phong đi đầu trong trồng cây gai xanh tại địa phương, ông Bùi Văn Thành cho biết, xưa kia ở đây chủ yếu trồng ngô, khoai, sắn, mùa nào thức nấy kém hiệu quả kinh tế, ông đã bàn với gia đình chuyển đổi 5 sao đất sang trồng cây gai xanh. Cây gai xanh sinh trưởng, phát triển tốt, dễ trồng, ít sâu bệnh, trồng một năm lưu gốc được nhiều năm. Chiều cao của cây lúc thu hoạch gần 2,5m, mỗi năm thu hoạch 4 - 5 lứa, cho tổng thu nhập bình quân từ 100 - 120 triệu đồng/ha/năm. Từ đó, mà gia đình ông nói riêng, bà con xã Phượng Vĩ nói chung trở nên khấm khá, có của ăn, của để.
Trước đây, hộ ông Trần Văn Luật, hội viên NCT xã Phượng Vĩ chủ yếu là trồng sắn, ngô, cỏ voi nhưng năng xuất không cao. Sau khi có chủ trương của UBND huyện Cẩm Khê về trồng cây gai xanh AP1, ông đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 3 sào đất sang trồng cây gai xanh.
Ông Luật chia sẻ: “Khí hậu thổ nhưỡng phù hợp, sâu bệnh rất ít, cây gai xanh sinh trưởng phát triển bình thường, bón lót phân chuồng và NPK nhưng cây phát triển tốt, chỗ nào lên tốt đã gần 1m rồi”.
Bà con đang thu hoạch cây gai xanh AP1 |
Ông Trần Văn Toản, ở khu Trại Cụ, xã Phượng Vĩ trồng 4 sào cây gai xanh AP1, thay thế dần các cây hoa màu kém hiệu quả truyền thống trong xã. Theo ông Toản, cây gai xanh có ưu điểm nổi bật như không mất nhiều công chăm sóc, ít sâu bệnh hại, không tốn kém chi phí đầu tư.
“Năm vừa rồi, ruộng trồng gai xanh cho gia đình tôi thu hoạch 5 lứa, trừ chi phí, mỗi sào lãi gần 10 triệu đồng/năm. Cái hay nhất của mô hình này là bà con chỉ việc trồng, chăm sóc đúng hướng dẫn kỹ thuật, mọi khâu còn lại đã có doanh nghiệp, cán bộ khuyến nông hướng dẫn, thu mua sản phẩm ổn định. Trước đây làm ruộng chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết, giá cả thị trường, giờ trồng cây gai xanh, mỗi lứa chưa đến 60 ngày được thu hoạch, yên tâm đút tiền vào túi thôi”, ông Toản tâm sự.
Đến nay, trên địa bàn xã Phượng Vĩ có khoảng 13ha trồng cây gai xanh, sản phẩm thu hoạch được HTX Gai Tân Hợp thu mua toàn bộ nên bà con tham gia trồng rất yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, cung cấp giống gai, cùng với phòng nông nghiệp huyện hướng dẫn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế sợi gai nguyên liệu, thu mua; chế biến thành sợi để cung ứng cho nhà máy trong nước và xuất khẩu.
Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phượng Vĩ: Gai xanh là loại cây dễ chăm sóc, khả năng chịu hạn tốt, ưa khí hậu nóng ẩm. Nếu trồng đúng kỹ thuật, sau 75 ngày cây cho thu hoạch vụ đầu tiên, sau đó chặt sát gốc, cây mọc lại và có thể thu hoạch vụ thứ 2 sau 50 ngày. Trung bình, 1ha cây gai xanh cho thu từ 800 - 1.000kg vỏ khô. Đặc biệt, cây gai xanh không làm đất bạc màu, lá cây có thể tận dụng làm phân bón giúp đất tơi xốp hơn, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều loại cây trồng khác.
Cây gai xanh là cây đa tác dụng, nhưng sản phẩm chủ yếu là vỏ. Vỏ của cây gai xanh được dùng làm nguyên liệu dệt những loại vải cao cấp; lá của cây gai xanh được dùng để làm gánh gai, làm thức ăn cho gia súc gia cầm, thuỷ cầm, nuôi trồng thuỷ sản. Lõi cây gai thì có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất giấy, làm giá để trồng nấm và làm phân bón hữu cơ. Như vậy, tất cả các bộ phận của cây gai đều có ích, mang lại lợi nhuận cho người trồng. Một ưu điểm nữa là cây không kén đất, có thể trồng ở các loại đất và mọi địa hình như sườn đồi dốc, đám rẫy, đất ruộng...
Nhiều hộ dân thoát nghèo nhờ trồng cây gai xanh AP1 |
Bà Nguyễn Thị Quỳnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phượng Vĩ cho biết: “Thông qua mô hình này, người dân đã thay đổi tập quán canh tác từ sản xuất nhỏ lẻ manh mún mạnh ai người ấy làm sang sản xuất theo chuỗi liên kết, sản xuất có tổ chức, sản xuất theo hợp đồng, tạo vùng sản xuất nguyên liệu tập trung cung ứng cho HTX Gai Tân Hợp. Ngoài ra, còn phục vụ cho chế biến thức ăn trong chăn nuôi, cải tạo đất rất tốt, cung cấp nguồn dược liệu quý giá cho các công ty dược phẩm khi cây gai hết chu kỳ khai thác… Từ đó, khuyến khích tăng cường hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trên địa bàn toàn xã. Tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương, góp phần thiết thực phát triển kinh tế khu vực nông thôn”.
Việc sản xuất cây gai xanh AP1, hiện nay đang là cơ hội cho bà con nhân dân thay thế cây trồng kém hiệu quả, đồng thời hạn chế thói quen xử dụng thuốc trừ cỏ trong canh tác hoa màu khác gây tác động sấu đến môi trường sinh thái. Tin tưởng rằng đây sẽ là bước đột phá trong chuyển đổi cây trồng nâng cao giá trị và phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp tại huyện trung du miền núi Cẩm Khê.
Năm 2021, UBND huyện Cẩm Khê phối hợp với Công ty An Phước (Hà Nội) tổ chức trồng cây gai xanh AP1 tại xã Phượng Vĩ. Đến nay, cả một vùng đất trước chỉ trồng ngô, sắn, mía nay được phủ xanh bởi những ruộng cây gai xanh tươi tốt.
|