Nơi chắp cánh ước mơ cho con em đồng bào Rục
Giáo dục 02/12/2020 18:15
|
Nơi những giáo viên không có bữa sáng
Con đường độc đạo nối từ đường mòn Hồ Chí Minh dẫn vào vùng đồng bào Rục của xã Thượng Hóa, những ngày này hai bên cây cỏ chết bạc thếch như vừa mới bị rải chất độc hóa học vì trận lũ lịch sử cách đây hơn một tháng. Đoạn nào không bị ngập thì đó là những đèo dốc quanh co, vắt qua những núi đá vôi sừng sững tạo thành một cung đường hiểm trở, ngày thường đi lại đã khó, ngày mưa lũ lại càng vất vả nguy hiểm. Mặc dù vậy, những năm qua, các giáo viên trường TH&THCS Thượng Hóa vẫn kiên trì bám lớp, bám bản để đem đến cái chữ cho con em đồng bào Rục.
|
Thầy giáo Trần Giang Nam, Hiệu trưởng trường TH&THCS cho biết: “Đa số giáo viên của trường đều là người ở các nơi khác đến công tác, điều kiện nội trú còn khó khăn nên cán bộ, giáo viên phải đi về lại, trong khi đường sá khá hiểm trở, nhất là mùa mưa lũ đi lại rất vất vả. Tuy nhiên cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường luôn đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau để vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Năm học 2020 – 2021, trường TH&THCS Thượng Hóa có 15 lớp, với 152 học sinh, được phân bố ở 3 điểm trường. Trong đó cấp Tiểu học 11 lớp; 85 học sinh, cấp THCS 4 lớp; 67 học sinh. 100% học sinh của trường là con em dân tộc thiểu số nên điều kiện kinh tết hết sức khó khăn, tiếp thu chậm và đặc biệt phụ huynh ít quan tâm đến việc học hành của con cái, nên những năm trước đây tình trạng bỏ học của các em thường xuyên diễn ra. Để vận động các em đến trường đảm bảo sĩ số, tập trung học tập, cán bộ giáo viên trường TH&THCS Thượng Hóa không chỉ chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học mà luôn gần gũi thân thiện với học sinh. Nhà trường phối hợp với đồn Biên phòng Cà Xèng, chính quyền xã tuyên truyền vận động các em học sinh đến trường học chữ, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ để các em có thêm điều kiện yên tâm học tập.
Cô giáo Cao Thị Chinh, trường TH&THCS Thượng Hóa chia sẻ: “Vì điều kiện khó khăn, bố mẹ không quan tâm nên nhiều em nhịn đói đi học, có lúc ngất xỉu tại lớp và khi phát hiện thì giáo viên phải tạm ngừng việc dạy đi pha mì tôm hoặc sữa cho các em ăn mới trở lại tiếp tục học được. Nhiều học sinh thiếu thốn, không có tiền mua sách vở, đồ dùng học tập vì hoàn cảnh gia đình nghèo, để động viên, giúp các em học tập tốt thì mình phải bỏ tiền túi ra mua cho các em học rồi cuối năm phụ huynh có tiền thì trả lại giáo viên, còn không thì cũng thôi vậy. Miễn làm sao các em đến trường đều đặn chăm học là mình vui rồi. Công tác ở vùng đồng bào Rục là phải thực sự yêu nghề, thấu hiểu với bà con mới bám trụ được trường lớp”.
|
“Giáo viên trong trường từ lâu có biết ăn sáng là gì đâu nữa. Vì sáng nào cũng phải dậy sớm để đến lớp giúp các em dọn dẹp vệ sinh, đồng thời đến từng nhà gọi các em dạy đi học chứ nhiều phụ huynh họ không quan tâm đâu. Những học sinh cấp 1 mà ở xa trường thì giáo viên phải đến chở vì các em chưa thể đi xe đạp được. Vì thế mỗi buổi sớm quay qua nào trực nhật, đi vận động, chở học sinh đến trường là vừa đến giờ học quy định và các giáo viên phải lao vào chuyên môn luôn, nên có đâu thời gian để ăn sáng nữa. Nhưng vì trách nhiệm nên các thầy các cô vẫn thấy vui và trở thành quen nhịn bữa sáng”, thấy Hiệu trưởng Trần Giang Nam cho biết.
Học sinh không còn chạy trốn vì sợ người lạ
So với những năm 2007 trở về trước, lần này đến thăm Trường TH&THCS, chúng tôi cảm nhận được sự tươi mới, không gian thoáng đãng, khuôn viên sạch sẽ cùng sự hăng say trong giảng dạy và học tập của các thầy cô giáo và học sinh. Đặc biệt ấn tượng là khi đi ngang qua mỗi lớp các em học sinh đều vòng tay và đồng thanh chào người lớn một cách lễ phép mà trước đây không hề có.
|
Hiệu trưởng Trần Giang Nam cho biết: học sinh ở đồng bào Rục bây giờ đã mạnh dạn lên nhiều. Trước đây có người lạ là các em sợ hãi chạy trốn, thậm chí ngay cả thầy cố đến vận động đi học các em cũng không chịu tiếp xúc. Nhưng với sự kiên trì vận động, tình cảm gần gũi của các cán bộ, giáo viên nên các em cũng hiểu được và trở lại trường học tập đều đặn. Nhờ đó mà những năm gần đây trường không còn tình trạng học sinh bỏ học nữa.
“Để duy trì sĩ số, tạo động lực để các em ham học không phải cứ đi vận động và đến từng nhà chở các em đến là được đâu. Mà nhà trường phải tạo ra các sân chơi bổ ích, thiết thực, tổ chức các chương trình văn nghệ vào các ngày lễ, các trò chơi để thu hút các em tham gia. Cán bộ, giáo viên tích cực quyên góp, vận động các mệnh thường quân và các tổ chức xã hội ủng hộ tiền và ngày công để xây dựng khuôn viên, thư viện, mua sắm trang thiết bị máy tính, kết nối mạng để các em tiếp cận truy cập internet học hỏi kiến thức. Nhờ đó các em luôn hứng thú, chăm chỉ đến trường chứ không bỏ học đi nương rẫy như trước đây”, thầy Hiệu trưởng Trần Giang Nam chia sẻ.
|
Mặc dù là một trường thuộc vùng biên giới đặc biệt khó khăn nhưng tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đạt chuẩn và trên chuẩn 100%. Cơ sở vật chất đủ cho 100% học sinh cấp tiểu học đều được học 2 buổi/ngày; cấp THCS được ôn tập, phụ đạo, bồi dưỡng nhằm hướng đến giáo dục toàn diện, chất lượng. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên có 90% là Đảng viên. Có nhiều giáo viên công tác lâu năm trên địa bàn nên hiểu biết về phong tục, tập quán, nói và hiểu được tiếng dân tộc từ đó thuận lợi trong giao tiếp vận động học sinh đến trường cũng như trong giảng dạy.
Ông Trần Tư, Trưởng Bản Ón, xã Thượng Hóa nói: “Ở vùng này có mấy phụ huynh biết chữ để bày cho con học đâu. Nhờ các thầy các cô tận tình dạy dỗ, vận động nên con em bây giờ đều đến trường đều đặn, mong con cháu cố gắng học tập để có cái chữ sau này đỡ khổ. Cũng nhờ từ khi thầy Nam về làm Hiệu trưởng, các chính sách của con em được giải quyết kịp thời, đầy đủ, ngoài ra thầy còn kết hợp xin thêm cho học sinh quần áo, sách vở, đồ dùng học tập nên phụ huynh cũng bớt đi gánh nặng, con em yên tâm để học hành. Phụ huynh chúng tôi biết ơn lắm”.