Chắp cánh ước mơ cho học sinh nghèo học giỏi
Giáo dục 07/10/2021 09:48
Bà Tôn Nữ Quỳnh Dương, 67 tuổi, là người con thứ năm trong một gia đình có 12 người con. Bố mẹ là giáo viên nên các con đều được học hành đến nơi, đến chốn. Chính môi trường giáo dục nền nếp ấy đã hun đúc một tâm hồn đẹp, một ý chí mạnh mẽ như Tôn Nữ Quỳnh Dương.
Tốt nghiệp Khoa Sinh, Trường Đại học Sư phạm Huế, cô giáo Tôn Nữ Quỳnh Dương được điều động dạy ở nhiều trường THCS và THPT trên địa bàn huyện Phú Lộc. Hơn 30 năm gắn bó với bảng đen phấn trắng, bà được bao thế hệ học sinh quý mến khi luôn tận tâm trong bài giảng và ấm áp, chân thành với học trò nghèo. Với bà, mỗi ngày đến trường là một ngày yêu thương. Bởi ở đó, cô giáo Dương được gặp gỡ, trò chuyện, sẻ chia, động viên từng học sinh nghèo nơi miền quê lam lũ. Những lần rời bục giảng, Quỳnh Dương đã về tận nhà những học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn để trực tiếp tìm hiểu, động viên, chia sẻ. Trong suốt thời gian đi dạy 35 năm của mình, đã có hơn 100 học sinh được bà Dương giúp đỡ để đến trường. Ngoài việc nhận dạy kèm miễn phí, bà còn trích từ đồng lương của mình để hỗ trợ các em tiền sách vở, áo quần, học phí. “Thời gian tôi dạy ở Phú Lộc, thấy học sinh nào nghèo quyết tâm học tôi hỗ trợ tiền. Có những em không có tiền nộp học phí về tìm, tôi cho tiền em đó nộp…” - bà Dương bộc bạch.
Bà Tôn Nữ Quỳnh Dương tại lớp học Nhà bảo trợ học sinh nghèo hiếu học Phú Thượng |
Hơn 30 năm trôi qua, trong kí ức của cô giáo Dương vẫn còn vẹn nguyên hình ảnh những cô cậu học trò năm nào trên đất nghèo Phú Lộc mà mình đã sẻ chia, giúp đỡ. Như Hoàng Xuân Thái, ở xã Lộc An là ví dụ điển hình. Một buổi đến lớp, một buổi Thái đi kiếm củi bán lấy tiền mua sách vở. Bà Dương đã đồng hành cùng cậu học trò bằng những đồng tiền bà gom góp hỗ trợ thêm cho em cả khi vào đại học. Giờ Hoàng Xuân Thái đã ngoài 50 tuổi, đang giảng dạy tại một trường cao đẳng nghề ở Hòa Vang (TP Đà Nẵng). Hay Nguyễn Thành Nhân, nhà nghèo quá không có tiền đóng học phí nên định nghỉ học từ lớp 10. Bà Dương đã hỗ trợ tiền học phí và động viên kịp thời suốt những năm THPT và đại học. Hiện Nhân cũng là thầy giáo ở tỉnh Bình Dương… Rất nhiều những hoàn cảnh đáng thương được cô giáo Dương cưu mang, giúp đỡ giờ đều đã lớn khôn, trưởng thành.
Nghỉ hưu vào năm 2010, bà đã chọn Nhà Bảo trợ Phú Thượng để tiếp tục giấc mơ chia sẻ với học trò nghèo. Học sinh được nhận vào học tại đây phải là người có đạo đức tốt, học lực từ khá trở lên và xuất thân từ gia đình khó khăn, có nguy cơ bỏ học giữa chừng, là nơi thường xuyên cưu mang từ 35 đến 40 học sinh mồ côi, hoặc có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn ở các tỉnh miền Trung. Các em được nuôi dạy và cắp sách đến trường từ năm lớp 6 cho đến lớp 12. Cô giáo Dương đã “cắm bản” thường nhật tại đây để trực tiếp đồng hành với các em. Bà vừa là cô giáo dạy học, vừa là mẹ bao bọc, rèn đức các em nên người. Bà Dương và một số nhà hảo tâm khác đã góp phần giúp các em vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống. Hơn 11 năm qua, có 135 em được đến với Nhà bảo trợ học sinh nghèo hiếu học Phú Thượng. Đến giờ bà Dương vẫn không quên cậu học trò Đỗ Như Thuần, ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, là một trong năm học sinh đồng thủ khoa của Đại học Huế, khi thi vào Trường Đại học Y Dược Huế năm 2014 với điểm số 28,5 điểm. Mẹ của em mắc bệnh ung thư tuyến giáp, gia đình rất khó khăn. Năm lớp 9, em được nhận vào Nhà bảo trợ Phú Thượng và đã thi đỗ vào lớp 10 chuyên hóa Trường THPT chuyên Quốc học Huế. Từ đó, ước mơ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho đồng bào của mình đã thành hiện thực.
Bà Dương kể: “Em Nguyễn Khoa Như Vũ đậu vào Đại học Nghệ thuật, đến khi học hai tuần thì bỏ học. Biết tin, tôi đến nhà. Hỏi: “Vì sao cô dặn con là học, không có tiền cứ gặp cô. Tại sao con bỏ học đi? Con về làm ruộng với ba thì khổ không”. Em Vũ nói con không có tiền mua giấy, không có tiền mua viết. “Thôi được cô sẽ cho lương hưu của cô, còn thiếu cô sẽ vận động tài trợ”. Rồi tôi dẫn Vũ qua nhà người bạn. Hai vợ chồng người bạn nói: “Dương không lo gì hết, mình sẽ lo kì I, vợ mình sẽ lo kì 2”. Cháu Nguyễn Văn Huấn quê ở Quảng Bình học rất giỏi. Khi Trường Bách Khoa Đà Nẵng tổ chức thi tuyển vào lớp đặc biệt, cháu nghe lời tôi tích cực học và được vào lớp đặc biệt đó. Cháu rất sợ không có tiền học phí. Vì, khi đó tất cả các trường đại học học phí một năm 12 triệu. Mà Trường Bách khoa, lớp đặc biệt đó một năm bốn mươi mấy triệu. Tôi nói với Huấn: Con cố gắng học và thể hiện tài năng của con, còn tiền học phí cô lo!”.
Hơn 11 năm qua, ở lớp Nhà bảo trợ học sinh nghèo hiếu học Phú Thượng có hơn 70 em thi đỗ đại học, một số em đã xuất sắc trở thành thủ khoa, á khoa của nhiều trường đại học trong cả nước; gần 30 em tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định. Nhiều em thành công quay trở lại giúp đỡ những thế hệ khó khăn như mình trước đó. Bà Dương được mệnh danh là người mẹ “giàu” nhất xứ Huế khi có rất đông những người con như vậy, dù bản thân bà không lập gia đình. Tình yêu, sự hi sinh tận tụy, giàu lòng nhân ái đã khiến rất nhiều học sinh luôn coi bà như người mẹ thứ hai của mình.