Nhiều người làm giàu nhờ mô hình nuôi trâu, bò thương phẩm
Tuổi cao gương sáng 15/07/2023 08:13
Ông Bản đang say cỏ cho trâu, bò ăn |
Mở đầu câu chuyện khởi nghiệp, ông Bản chia sẻ: Nhận thấy trâu, bò dễ nuôi, chi phí thức ăn thấp do nguồn thức ăn tại địa phương phong phú. Năm 2022, để mô hình chăn nuôi gia súc nhốt vỗ béo, tập trung hiệu quả, ông đã mạnh dạn dồn đổi tích tụ ruộng và thuê thêm hơn 1 mẫu đất của một số hộ dân. Từ vài con giống ban đầu, đến nay đã phát triển đàn gia súc lên hàng trăm con.
Nói về kỹ thuật, ông Bản bật mí: “Nuôi trâu theo cách thâm canh, vỗ béo này không khó, quan trọng là tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, tiêm phòng đầy đủ, chuồng trại phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ; phải có đủ nguồn nước sạch để cho trâu uống và tắm hàng ngày. Ngoài việc cho ăn bã bia trâu phát triển nhanh vì đây là loại thức ăn không những bổ sung đạm mà thành phần chất xơ trong bã bia rất dễ tiêu hóa nhờ có tác dụng kích thích vi sinh vật phân giải xơ trong dạ dày trâu...”.
Ngoài chế độ thức ăn, chuồng trại luôn được vệ sinh hết sức sạch sẽ. Chất thải từ trâu thải ra được dọn ngay đưa ra khu vực riêng để làm phần chuồng bón lại cho cỏ và các loại cây trồng khác. Chuồng được xây dựng thoáng mát về mùa Hè và ấm về mùa Đông. Đến nay, hệ thống chuồng trại được ông đầu tư xây dựng khép kín, trồng cỏ voi xung quanh làm thức ăn cho trâu, bò. Mua sắm máy thái cỏ, máy băm cây ngô ủ chua, máy cuộn rơm để giảm công chăm sóc, giải phóng sức lao động cho mọi người trong gia đình.
Với cách nuôi này, trong năm đầu tiên gia đình ông Bản đã xuất bán ra thị trường gần 100 con trâu, sau khi trừ các khoản chi phí ông đút túi khoảng 300 -500 triệu đồng.
Nói về dự kiến trong thời gian tới, ông Bản thông tin thêm, tôi sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại, nuôi với số lượng lớn hơn để nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Tuy nhiên, ông cũng mong muốn chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ diện tích đất trồng cỏ; các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi; được tham gia tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi trâu bò để mô hình mang lại hiệu quả cao hơn.
Ông Bản đang chăm sóc đàn trâu, bò tại trang trại |
Từ hiệu quả mô hình chăn nuôi tập trung của ông Bản, lãnh đạo khu Xóm Giữa đã vận động con cháu, người dân trong khu thành lập Chi hội Nông dân nghề nghiệp chăn nuôi bò sinh sản xã Ngô Xá vào năm 2022, với 10 thành viên. Mỗi năm, Chi hội dự kiến sẽ xuất bán ra thị trường hàng chục tấn thịt thương phẩm các loại; mang về doanh thu hơn 3 tỷ đồng.
Được biết, Chi hội Nông dân nghề nghiệp chăn nuôi bò sinh sản xã Ngô Xá hoạt động theo nguyên tắc tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm và cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề, cùng mối quan tâm, cùng có sự chia sẻ, cùng chịu trách nhiệm, cùng hưởng lợi.
Theo đó, Chi hội Nông dân nghề nghiệp chăn nuôi ở xã Ngô Xá có gần 200 con trâu, bò thịt thương phẩm và bò sinh sản. Từ hoạt động, Chi hội đã tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức thu nhập hơn 7 triệu đồng/người/tháng.
Có thể khẳng định, Chi hội Nông dân nghề nghiệp đã tạo sự gắn kết giữa việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng tổ chức Hội vững mạnh với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, giúp nông dân liên kết, hỗ trợ nhau làm giàu, phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Ông Trần Quốc Bảo, Chủ tịch UBND xã Ngô Xá cho biết: "Thời gian gần đây, mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo của ông Bản được nhiều người đến tìm hiểu, học tập, ông Bản cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, cách làm để mọi người cùng nhân rộng. Với nhiều thế mạnh về phát triển nông nghiệp như ở huyện Cẩm Khê thì cách nuôi này sẽ mở ra hướng đi mới cho ngành chăn nuôi ở địa phương.
Đồng thời, mô hình chăn nuôi gia súc tập trung của gia đình ông Bản nói nói riêng, Chi hội Nông dân nghề nghiệp khu Xóm Giữa nói chung đã trở thành điểm đến để bà con trong xã học hỏi kinh nghiệm và làm theo".