Nhiều chủ dự án đào hồ điều tiết…trên giấy
Bất động sản 31/05/2019 15:17
Các đại biểu HĐND TPHCM chỉ ra tình trạng xả rác bừa bãi xuống cống rãnh, kênh rạch trong thời gian vừa qua làm hạn chế khả năng thoát nước. Một số dự án được phép san lấp rạch nhưng chủ đầu tư không đào hồ điều tiết theo quy định để bù không gian trữ nước, khiến tình trạng ngập úng trầm trọng hơn.
Đại biểu Trương Lâm Danh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM cho biết qua giám sát thực tế tại một số địa phương, phát hiện tình trạng lấp kênh rạch làm cống hộp diễn ra khá phổ biến. Một số dự án được phép lấp rạch và thay thế bằng cách đào hồ điều tiết có dung tích gấp từ 1,2-1,4 lần để bù theo quy định nhưng chủ đầu tư không chấp hành.
“Khi dự án xong rồi thì không thấy hồ điều tiết đâu, không ngập mới lạ. Hỏi chủ đầu tư thì họ trả lời thành phố chỉ làm hồ điều tiết ở đâu thì họ sẽ làm ở đó”, ông Danh cho biết.
Tân Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình giải bày: “Xin đại biểu tha chuyện lấp rạch là nguyên nhân gây ngập, gây úng. Có những rạch phải lấp đi vì là rạch cùng, nằm sâu bên trong”.
Ông Bình dẫn chứng: Như dự án Riviera Point (quận 7) trước đây có khoảng 1.000m2 rạch lọt vô dự án mà không kết nối thoát nước. Cơ quan chức năng cho lấp rạch với điều kiện chủ đầu tư phải bù lại 1,2 lần diện tích lấp bằng hồ điều tiết.
Đại biểu Trương Lâm Danh chất vấn: Thực tế hiện nay có những con rạch không phải là rạch cùng cũng được đề xuất lấp, còn hồ điều tiết thì làm trên giấy, có đúng không? Có những hồ tự nhiên đang làm chức năng điều tiết nước rất tốt nhưng thành phố để cho san lấp, phát triển hạ tầng rồi sau đó cho… đào lên lại để làm hồ điều tiết.
Trước ý kiến của các đại biểu, ông Lê Hòa Bình cam kết sẽ cùng các sở ban ngành rà soát lại và đề xuất trước khi trình cơ quan có thẩm quyền cho phép lấp rạch phải có ý kiến của Sở NN&PTNT do có liên quan đến vấn đề thủy lợi.
Chi hàng nghìn tỷ …vẫn ngập
Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho biết TPHCM có 64 dự án thuộc danh mục đầu tư phát triển hệ thống thoát nước, giải quyết ngập do mưa và 2 chương trình đầu tư công với tổng mức đầu tư là 13.437 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn dự kiến bố trí trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đối với các dự án cải tạo xây dựng hệ thống thoát nước là 11.056 tỷ đồng, trong đó, 64 dự án là 10.556 tỷ đồng, 2 chương trình là 500 tỷ đồng.
Cụ thể: Trong số 27 dự án chuyển tiếp, TPHCM đã hoàn thành đưa vào vận hành 19/27 dự án và đã phát huy hiệu quả chống, giảm ngập cho các khu vực thuộc quận 5, 9, Tân Phú, Bình Thạnh, Thủ Đức và huyện Hóc Môn, Củ Chi với tổng mức đầu tư là 1.843 tỷ đồng.
“TPHCM còn 8/27 dự án đang triển khai thi công và sẽ hoàn thành trong các năm 2019 và 2020 với tổng mức đầu tư là 1.275 tỷ đồng. Bên cạnh đó, có 21 dự án đã phê duyệt năm 2017 và 13 dự án chuẩn bị đầu tư”, ông Dũng thông tin.
Về hiệu quả các dự án chống ngập, theo ông Đặng Phú Thành, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng), năm 2008, trên địa bàn TPHCM tồn tại 126 điểm ngập. Đến cuối năm 2015, trên địa bàn TPHCM còn 40 tuyến đường ngập, trong đó có 17 tuyến đường thường xuyên ngập mỗi khi mưa và 23 tuyến đường ngập được xử lý bằng giải pháp cấp bách trước đây cần tiếp tục đầu tư để hoàn chỉnh.
“Về công tác xóa giảm ngập do mưa, cuối năm 2018 đã giải quyết ngập được 22 tuyến đường trục chính, đạt 59,46% so với chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020. Đối với các tuyến đường hẻm do quận - huyện quản lý cuối năm 2018 đã giải quyết hết ngập được 151 tuyến, đạt 84,35% so với chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020”, ông Thành cho hay.
Đại diện Sở Xây dựng cho biết, các tuyến đường trước đây được xem là "rốn ngập” như khu vực Vòng xoay Cây Gõ, đường 3 tháng 2, Lê Hồng Phong, Kỳ Đồng, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khắc Chân, Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng, Phan Xích Long, Đinh Tiên Hoàng, Binh Thới, Bến xe Chợ Lớn, Nơ Trang Long, Xô Viết Nghệ Tĩnh (từ Hàng Xanh đến cầu Thị Nghè), Kinh Dương Vương, Lê Lai (Quận 1), Nguyễn Biểu, Nguyễn Văn Cừ, Cách Mạng Tháng 8, Lý Thường Kiệt... hiện nay không còn ngập nước.