Người thả hoa trên sông Thạch Hãn
Văn hóa - Thể thao 27/07/2018 12:29
Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn nằm. Đến thăm Thành cổ Quảng Trị, nhiều người lại nhớ 4 câu thơ trên của Lê Bá Dương…
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Trị là một địa danh nổi tiếng không chỉ bởi sự chia cắt đau thương, mà còn là sự chịu đựng đạn bom ác liệt và ý chí kiên cường bất khuất của con người. Nhưng có lẽ ác liệt, gian khổ và cũng hào hùng nhất chính là Thành cổ Quảng Trị.
Tháng 3/1972, Lê Bá Dương trở lại chiến trường, khi vết thương cũ chưa lành. Với cánh tay phải lủng lẳng, anh tham gia chiến dịch giải phóng Quảng Trị 1972 trên cương vị Trợ lí Chính trị Tiểu đoàn. Cho đến cuối tháng 6/1972, người lính vào trận bằng…một cánh tay trái đó được điều về lại đại đội cũ, thay thế Chính trị viên phó đại đội vừa hi sinh, chiến đấu chống địch phản kích vào tuyến Đông Thành cổ.
Cuộc chiến đấu ở Thành cổ diễn ra từ ngày 28/6/1972 đến 16/9/1972. Địch huy động các Lữ đoàn dù 1, 2, 3; Liên đoàn 81 Biệt kích nhảy dù; Thiết đoàn 7; 3 Lữ đoàn thủy quân lục chiến và các Tiểu đoàn pháo, công binh; hàng trăm xe tăng, xe thiết giáp, máy bay, tàu chiến. Tổng cộng hơn 30.000 quân dưới sự yểm trợ của hàng trăm máy bay chiến đấu, bao gồm cả máy bay B52, pháo hạng nặng từ Hạm đội 7 đậu ngoài khơi Cửa Việt… Chỉ trong 81 ngày đêm với chiến dịch tái chiếm Quảng Trị, địch đã dội xuống mảnh đất chỉ 3km2 này số lượng đạn bom có sức công phá tương đương 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hiroshima - Nhật Bản năm 1945.
Về thăm đồng đội (Ảnh: NTMP)
Tại chiến trường vô cùng ác liệt này, 82 đại đội quân giải phóng đã hi sinh. Trung đoàn 27 (Triệu Hải) thuộc Sư đoàn 320B của Lê Bá Dương do Trung đoàn trưởng Cao Uy chỉ huy, với 1.500 quân tham chiến vòng ngoài Thành cổ, nhưng là một trong những đơn chịu tổn thất nặng nề nhất. Các anh nằm lại nơi đồng ruộng, trên đường phố, dưới lòng sông Thạch Hãn. Xương máu của các anh đã thấm sâu vào lòng đất, hòa vào dòng nước, tưới mát cho cỏ cây, hoa lá; linh hồn các anh ngủ yên trong lòng mẹ, hóa thành “trầm tích linh thiêng gắn bện vào lịch sử".
46 năm đã trôi qua, Thành cổ Quảng Trị được biết đến không chỉ là công trình thành lũy quân sự dưới thời Nguyễn (1802 - 1945), một công trình kiến trúc, văn hóa của đất nước mà còn là một di tích cấp quốc gia đặc biệt. Thành cổ Quảng Trị là minh chứng rõ nét nhất cho ý chí kiên cường của quân và dân Việt Nam và là một khúc ca bi tráng trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc.
Với Lê Bá Dương, từ hình ảnh bà mẹ thả hoa dâm bụt xuống ao gửi đến người con trai đã hi sinh nơi chiến trường xa, ông nung nấu ý tưởng tưởng nhớ đồng đội một thời máu lửa. Từ mùa Hè năm 1976, khi công tác tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Phú Khánh, cứ đến dịp 27/7 hằng năm, ông lại ra Quảng Trị, đi hết Nghĩa trang Đường 9 Nam Lào, Nghĩa trang Trường Sơn; hết sông Thạch Hãn lại đến Cửa Việt, Cửa Tùng… thắp nén hương, thả một vài cành hoa xuống dòng Thạch Hãn, làm một vài câu thơ, viết một vài mẩu chuyện về đồng đội… Trên gác thượng căn nhà của ông có am thờ đồng đội để mỗi ngày ông thắp một nén nhang, cắm một nhành hoa, rót mời anh em một li rượu. Ông nghẹn ngào nói: “Mình được sống, là sống thay, làm thay cho các đồng đội đã ngã xuống".
Từ việc làm của ông, giờ đây Quảng Trị có thêm một "Rằm tháng Bảy", thêm những cuộc hội ngộ đồng đội trên khắp mọi miền và những cuộc viếng thăm nơi hậu phương người lính. Ý nghĩa của lễ hoa đăng đã vượt ra ngoài Thành cổ và dòng sông Thạch Hãn. Dù chưa cơ quan có thẩm quyền nào chính thức tôn vinh, ghi nhận đó là một cái lễ, nhưng trong tâm thức người dân Quảng Trị, lễ hoa đăng trên sông Thạch Hãn đã là nét đẹp văn hóa tâm linh như một lẽ tự nhiên.
Nguyễn Xuân