Người cao tuổi xã Bằng Giã góp phần gìn giữ và phát triển nghề đan lưới truyền thống
Tin tức 22/03/2023 11:20
Ông Nguyễn Trung Lập được UBND xã Bằng Giã tặng Giấy khen có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong công tác duy trì và phát triển nghề thống. |
Dù năm nay đã gần 80 tuổi, song ông Nguyễn Trung Lập hội viên NCT khu 5 thôn Thao Hà vẫn ngồi cặm cụi đan lưới. Nói về kỹ thuật, ông Lập chia sẻ: Để cho ra một tay lưới hoàn chỉnh phải xử lý qua nhiều công đoạn. Đầu tiên là nhập lưới về, rồi cắt ra, xong luồn dây lại, rồi tới bắt phao và cuối cùng là dập chì…
Ông Lập cho biết thêm: Sở dĩ lưới ở đây được người dân sử dụng nhiều do có độ bền cao, dễ giăng bắt cá, đan đẹp, mẫu mã đa dạng, đặc biệt giá lại thấp hơn lưới những nơi khác nên phù hợp với túi tiền của người lao động vùng sông nước. Giá lưới hiện nay dao động từ 350.000 - 500.000 đồng/tay lưới tùy từng loại.
Để có được những tấm lưới đẹp và chất lượng, đòi hỏi người thợ phải nắm rõ phương pháp, thành thạo từng khâu, từng công đoạn của quy trình đan lưới. Đặc biệt là rất cần sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, khéo léo của cả đôi tay và đôi chân người làm nghề.
Hiện khu 5, thôn Thao Hà, xã Bằng Giã có 119 hộ thì đến 98 hộ làm nghề đan lưới cước; trong đó chủ yếu là người cao tuổi. Không chỉ làm thủ công mà nhiều gia đình cũng đã bắt đầu đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để tạo ra năng suất sản phẩm ngày càng nhiều, chất lượng tinh xảo, hạ giá thành, tăng thu nhập và hạn chế sức lao động chân tay.
Nghề đan lưới mang lại cuộc sống ấm no cho người dân. |
Nhờ có được kết quả trên phải kể đến vai trò của NCT khu 5, thôn Thao Hà, xã Bằng Giã đã động viên con cháu gữ gìn và phát huy nghề đan lưới truyền thống.
Bên cạnh đó, những năm qua nghề đan lưới truyền thống ở khu 5, thôn Thao Hà, xã Bằng Giã duy trì hoạt động có hiệu quả, hàng năm các hộ tham gia đan lưới đều được tập huấn và tham quan các làng nghề khác trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Đến nay sản phẩm ngư cụ của làng nghề truyền thống khu 5, thôn Thao Hà có tính độc quyền trên toàn vùng nên càng khẳng định được giá trị của sản phẩm, nhân dân sản xuất ra đem tiêu thụ ở các vùng lân cận và tại các tỉnh như: Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La… đã trở thành thị trường truyền thống, bền vững được nhiều người biết đến.
Với phương châm chủ động tự tìm tòi, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, biết bám vào nhu cầu thị trường nên đã cho ra được nhiều sản phẩm tốt, giá cả hợp lý, đa dạng về các ngư cụ. Có nhiều gia đình hàng tháng tiêu thụ được khoảng hàng trăm sản phẩm như: Gia đình ông Chắc; ông Sơn; ông Lập; ông Toản; ông Tam; chị Tuyến...
Buổi thi tay nghề khéo do Chi hội Phụ nữ và Chi hội NCT khu 5, thôn Thao Hà tổ chức |
Là làng nghề truyền thống nên nên các công đoạn sản xuất nên người cao tuổi và các cháu nhỏ trong khu đều làm được để tăng thu nhập cho gia đình như cặp trì, vót phao... Bình quân thu nhập từ làm ngư cụ đạt 3-4 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài việc sản xuất sản phẩm để tiêu thu trên thị trường thì nhiều gia đình còn tự trang bị cho gia đình những ngư cụ hàng chục triệu đồng để đánh bắt cá tại ngòi lao để phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Từ việc nhân dân biết phát huy lợi thế của làng nghề nên đã tạo việc làm cho nhiều lao động, nâng cao thu nhập cho gia đình đồng thời giữ gìn được bản sắc văn hóa lâu đời của nhân dân. Từ đó, trong những năm gần đây cuộc sống của người dân được cải thiện, nhiều nhà cao tầng được xây dựng mới khang trang, góp phần tích cực vào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Ông Phan Long, Chủ tịch UBND xã Bằng Giã cho biết: Nghề lưới cước ở khu 5, thôn Thao Hà đã được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2016. Kể từ đó, cái nghề đã gắn bó mật thiết với đời sống của người dân, tiếp tục có những bước phát triển mới….
Nghề đan lưới truyền thống ở khu 5 thôn Thao Hà được Hội Nông dân Hạ Hòa lựa chọn lựa chọn sản phẩm các loại ngư cụ để tham gia trưng bày tại hội nghị giới thiệu trưng bày sản phẩm của các làng nghề trong huyện năm 2016.
Năm 2018 sản phẩm ngu cụ Thao Hà đã được tham gia trưng bày triển lãm tại tỉnh về chương trình phụ nữ khởi nghiệp do tỉnh hội tổ chức.
Năm 2022 Hội nông dân xã tham gia hội thi nhà nông đua tài của tỉnh, sản phẩm truyền thống làng nghề và lịch sử hình thành của làng nghề đã được hội thi thuyết trình đạt kết cao trong hội thi cũng đã góp phần trong việc quảng bá giới thiệu về làng nghề ngư cụ để toàn tỉnh biết đến. |