Ngôi nhà 100 cột ở Cần Đước
Văn hóa - Thể thao 13/03/2024 09:49
Mỗi khi có người tới thăm, bà Trần Thị Ngỏ (75 tuổi), cháu dâu của chủ nhân ngôi nhà vui vẻ pha ấm trà cùng những chiếc bánh in (đặc sản) mời khách. Bà Ngỏ cho biết: “Ngôi nhà này đã hơn 100 tuổi, được ông nội tôi xây dựng và thuê một đội thợ chạm khắc tinh xảo từ Huế vào chế tác. Dù trải qua chiến tranh nhưng ngôi nhà may mắn không bị tàn phá và vẫn giữ được gần như nguyên vẹn những lối kiến trúc vốn có. Năm 1997, nhà Trăm cột đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia”.
Ngôi nhà được xây dựng theo lối nhà rường của xứ Huế. |
Nhà được xây dựng từ năm 1901, đến năm 1903 thì hoàn thành, bởi một nhóm thợ miền Trung. Về kiến trúc, nhà mang dấu ấn rõ rệt của phong cách Huế. Với diện tích 882m2, ngôi nhà tọa lạc trên một khu vườn rộng 4.044m2, chính diện quay về hướng Tây Bắc. Nhà hoàn toàn bằng gỗ (cẩm lai, gõ đỏ, gõ mật), mái lợp ngói âm dương, nền nhà bằng nền đá táng cao 0,9m, nền lát gạch Tàu lục giác. Nhìn trên bình đồ, nhà 100 cột có kiểu chữ Quốc, 3 gian, 2 chái đôi nên được xem là nhà 5 gian 2 chái.…
Chủ nhân kiến tạo ngôi nhà này là cụ Trần Văn Hoa, lúc ấy là Hương sư làng Long Hựu, tỉnh Gia Định. Khi mới 22 tuổi, cụ đã làm Hội đồng quản hạt Chợ Lớn, vì thế tên gọi ban đầu là Nhà ông Hội đồng, Nhà ông cả.
Dù gọi là nhà Trăm cột, nhưng bà Ngỏ cho biết: “Thực tế ngôi nhà có tới 120 cột, gồm 68 cột tròn và 52 cột vuông nằm rải rác trong các bức vách. Trong nhà dùng nhiều loại gỗ: Gõ đỏ, cẩm lai, mun... Sau khi xây xong ngôi nhà, ông ngoại tôi mời 15 nghệ nhân ở Huế vào chạm trổ mất thêm 3 năm”.
Đặc biệt, kiến trúc của ngôi nhà cho thấy nghệ thuật điêu khắc của các nghệ nhân ngày trước ở vào trình độ bậc cao. Toàn bộ hệ thống kèo, xuyên được chạm nổi, chạm lọng rất công phu. Các gian nội tự và ngoại khách là nơi tập trung cao nhất giá trị thẩm mĩ của công trình mà người xưa đã gửi gắm trên từng nét chạm. Đó là một tập hợp đa dạng, phong phú các đề tài cổ điển như: Tứ linh, tứ thời, bát quả, các mô típ thể hiện Phúc - Lộc - Thọ bên cạnh các đề tài phương Tây, như hoa hồng, sóc - nho, cùng các yếu tố Nam Bộ, như: Mãng cầu, bình bát, măng cụt…
Điều thú vị nhất của di tích không chỉ nảy sinh từ tên gọi, mà đây còn là ngôi nhà rường kiểu Huế - miền Trung ở vùng quê Nam Bộ. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử - thời gian, di tích nhà Trăm cột mang sức mạnh gắn kết tình cảm Trung - Nam rõ nét nhất. Đồng thời, nhà Trăm cột cũng đã đánh dấu son trong lịch sử trang trí và mĩ thuật truyền thống của Việt Nam.