Nâng chất văn hóa trong nhà trường để giáo dục học sinh
Giáo dục 06/09/2023 08:51
Những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng văn hoá học đường thời gian qua đã được khẳng định rất rõ trong nhiều văn bản của Thủ tướng Chính phủ như: Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 3/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”; Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 11/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình “Tăng cường giáo dục lí tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030”.
“Đây là những quyết định quan trọng nhằm thực hiện thành công Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”. Xây dựng và phát triển văn hóa học đường phải được coi là một trong những nhiệm vụ lớn, trọng tâm và quan trọng của toàn ngành giáo dục, tại mỗi địa phương và ở từng cơ sở giáo dục, đào tạo. Ở đó, con người phải là trung tâm và phát triển con người phải được quán xuyến trong tất cả các hoạt động của nhà trường. Theo thời gian, văn hóa nhà trường trở thành một bộ phận rất quan trọng không thể tách rời trong mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Tuy nhiên, công nghệ thông tin và truyền thông đã và đang tác động vào quá trình dạy học, giáo dục từ nội dung, chương trình, đến vai trò người thầy, người học, tổ chức lớp học và quản trị nhà trường. Thế nên, văn hóa học đường bị ảnh hưởng bởi những trào lưu của cuộc sống số.
Những giá trị ảo trên mạng xã hội được mô phỏng, bắt chước vào môi trường giáo dục và người chịu ảnh hưởng nhiều nhất là học sinh. Sức khỏe tinh thần sẽ có những “vết thương” trong giai đoạn hình thành và phát triển nhân cách. Có nhiều khi dai dẳng theo năm tháng. Từ nhu cầu muốn được khẳng định mình; thanh, thiếu niên muốn được thừa nhận như người lớn, nên nảy sinh những xung đột do mâu thuẫn giữa mức độ kì vọng so với địa vị thực tế; mâu thuẫn giữa thái độ đối với bản thân, với bạn bè cùng trang lứa, thậm chí với thầy cô, cha mẹ. Việc không giữ được trạng thái cân bằng trong cảm xúc, khiến thanh, thiếu niên đôi khi rơi vào trạng thái xúc động mạnh, nếu người lớn có thái độ hơi quá đáng với các em.
Văn hóa nhà trường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách, giáo dục con người phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mĩ, khuyến khích, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh, giáo dục thế hệ trẻ trở thành những con người sống có ước mơ, hoài bão, lí tưởng đẹp...
Văn hóa nhà trường không thể xa rời kỉ luật tích cực, mà người thầy giữ vai trò quan trọng. Phân tích cho học sinh thấy cái sai và định hướng cho các em khắc phục. Đừng vì “cái tôi” quá lớn của người thầy, mà có những ứng xử thiếu tế nhị, để rồi xảy ra những việc đáng tiếc. Trong cuộc sống, có những lúc phải thể hiện “cái tôi” để khẳng định mình, nhưng “cái tôi” phải mang ý nghĩa tích cực cho bản thân và làm tấm gương phản chiếu trong xã hội. Trong việc giáo dục học sinh, những “cái tôi” tiêu cực phải được quên đi để làm dịu những kích động của bản thân và hướng đến những ứng xử phù hợp với môi trường sư phạm.
Văn hóa phải phục vụ con người và văn hóa nhà trường cũng thế. Nhà quản lí phải biết làm thế nào để động viên, phối hợp các tổ chức trong nhà trường, giáo viên, nhân viên cùng học sinh tham gia xây dựng văn hóa nhà trường. Phát huy vai trò tích cực và sự đoàn kết nhất trí trong tập thể sư phạm. Khẳng định vai trò của nhà trường trong việc phục vụ cộng đồng. Những hình thức tuyên truyền về văn hóa nhà trường nên đa dạng, dễ hiểu, dễ thực hiện, cụ thể và gần gũi với học sinh để đạt được hiệu quả và khoa học trong công tác giáo dục, tạo nên đặc điểm văn hóa, tính nhân văn và thương hiệu của nhà trường.
Tăng cường tính chủ động, sáng tạo của giáo viên, bố trí công việc, chức trách phù hợp với năng lực của mỗi người. Mỗi nhiệm vụ được giao cần có mục tiêu cụ thể, được thực hiện chu đáo, đánh giá kịp thời, coi trọng sản phẩm lao động của từng thành viên, biểu dương người tốt, uốn nắn, chấn chỉnh những cá nhân chưa hoàn thành nhiệm vụ. Khuyến khích và tạo động lực cho tất cả những thành viên làm việc trên tinh thần kỉ cương, tình thương, trách nhiệm, biết thi đua, hợp tác, có ý thức vươn lên xây dựng nhà trường thành một tổ chức “biết học hỏi” để xác định những giá trị cốt lõi. Từ đó, phát huy những phẩm chất và năng lực đóng góp của từng thành viên cho sự phát triển, cũng như làm nền tảng cho sứ mệnh giáo dục văn hóa trong nhà trường.