Một thoáng Mộc Châu
Xã hội 01/12/2020 10:46
Anh Nguyễn Văn Hùng dẫn chúng tôi vào thăm tiểu khu Pa Khen 1, thuộc thị trấn Nông trường. Nơi đây chủ yếu là người Thái và Mông. Anh kể: "Người Kinh, người Thái biết học lấy cái chữ, biết ra phố buôn bán, còn người Mông khổ lắm. Con trai 13 đến 15 tuổi đã đi kiếm vợ, mà vợ thường hơn chồng 5 đến 6 tuổi. Thực chất họ lấy vợ về là để có người làm trong nhà và sinh đẻ con cái thôi".
NCT trước ngôi nhà của mình |
Trong số gần 400 hộ dân ở Pa Khen 1 thì có đến hơn 80% là đồng bào Mông. Dưới nóc nhà sàn đơn sơ, nghèo khó là những đứa trẻ không được đến trường. Đặc biệt là trường hợp của hai cậu bé Hầu A Sáng và Hầu A Mua phải ở nhờ nhà bác vì bố chấp hành án tù từ năm 2014, mẹ bỏ đi Trung Quốc đã lâu.
Anh Hùng cho biết: “Ở đây mua cái gì thì khó, chứ mua ma túy thì rất dễ, chỉ sợ không có tiền”. Anh kể, mình là con trai thứ ba trong gia đình có 4 anh em. Anh trai cả của Hùng bị bắt từ năm 18 tuổi vì tội buôn bán ma túy. Rồi ở trong tù vẫn tiếp tục buôn bán nên bị án tử. Anh trai thứ hai ngồi tù gần 20 năm, cũng tội đó, vừa ra trại cuối năm 2019. Nhà chỉ duy nhất em gái út lấy chồng. Hùng sinh năm 1985 đến nay chưa dám lấy vợ vì suốt hơn 20 năm qua phải đi làm đủ mọi việc, lấy tiền nuôi các anh trong tù và là chỗ dựa cho mẹ.
Đến bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập - một xã vùng III, biên giới của huyện Mộc Châu, chúng tôi gặp một cụ già đang gùi bó củi nặng trên lưng. Không nói được tiếng Kinh nên cụ ra hiệu rằng đi kiếm củi về. Khi cụ đặt bó củi xuống trước sân nhà, một người trong đoàn liền nhấc thử, nhưng không thể. Mọi người tròn mắt nhìn nhau, không ngờ một cụ già gần 90 tuổi vẫn có thể đi rừng lấy bó củi to, nặng đến vậy và gùi về.
Một góc bản Phiêng Cài |
Trưởng bản Phiêng Cài, Tráng A Tủa cho biết: “Bản có gần 80 hộ dân với gần 400 nhân khẩu, chủ yếu sống bằng trồng lúa và cây ăn quả như mận, cam, quýt… Là xã vùng biên nên các chương trình như giữ gìn an ninh biên giới, đoàn kết các dân tộc… bao giờ cũng có NCT phối kết hợp cùng làm”. Với tiềm năng của mảnh đất này, nếu loại bỏ được những tệ nạn, với sức lực và sự cần cù, người dân hoàn toàn có thể vươn lên thoát nghèo.
Ông Tráng Nhìa Lù, 65 tuổi, người trong bản cho biết, quê ông ở Trạm Tấu, Yên Bái. Năm 1986 nghe theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước đi khai hoang vùng đất mới, ông dẫn vợ cùng 9 người con đi bộ, vượt mấy trăm cây số đến Phiêng Cài. Ngày đó, cả bản chỉ có vài hộ dân nương tựa vào nhau. Mãi đến năm 2000 Phiêng Cài mới có điện, từ đó mở ra cho đồng bào những hướng đi mới trong phát triển kinh tế vườn, đồi. Đến nay đã hơn 30 năm ở Lóng Sập, ông Lù già đi, con cái trưởng thành, người là bộ đội biên phòng, người trồng cấy, người làm cô giáo… đời sống ổn định. Ông bảo: “Phiêng Cài còn vất vả lắm, nhưng cuộc đời tôi, con cháu tôi đã gắn với miền đất này, không có ý định đi đâu nữa”. Hiện, trong ngôi nhà của vợ chồng ông có tất cả 12 người con, cháu cùng sinh sống.
Xã Lóng Sập có đường biên giới dài 20,5km tiếp giáp nước bạn Lào và quốc lộ 43 từ huyện qua trung tâm xã ra cửa khẩu Lóng Sập. Có cửa khẩu, giao thương qua lại với nước bạn thuận lợi, xe đi các tỉnh miền xuôi cũng nhiều nên những năm gần đây sản phẩm nông nghiệp của người dân Mộc Châu làm ra tiêu thụ thuận lợi.
Đứng bên đống rau bắp cải và su su chờ xe khách đến để gửi về đầu mối tại Hà Nội, chị Nguyễn Thị Lành, xã Mường Sang hào hứng chia sẻ: “Trồng rau là công việc chính mang lại nguồn thu nhập cho gia đình tôi từ nhiều năm qua. Do khí hậu ở Mộc Châu mát mẻ nên trồng quanh năm, nhưng vụ tết chúng tôi tập trung làm nhiều nhất bởi lượng tiêu thụ lớn”.
Đã từ lâu, người dân xã Mường Sang, huyện Mộc Châu hầu như không cấy lúa mà chuyên canh rau màu. Nghề trồng rau ở đây được xem như một nghề chủ lực, mang lại nguồn thu nhập cao cho các nông hộ. Trải qua nhiều năm, những hộ nông dân đã có kinh nghiệm, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Mộc Châu mảnh đất đang phát triển từng ngày từng giờ nhờ đất đai phì nhiêu màu mỡ, khí hậu mát mẻ và nhờ du lịch đang mở ra một hướng mới cho người dân nơi đây. Tuy nhiên, cần một sự nỗ lực không nhỏ của mỗi người để từng bước thoát nghèo bằng những điều kiện cụ thể.