Một năm bứt phá vượt trội về kinh tế
Kinh tế 09/01/2024 08:36
Trong bối cảnh ấy, với sự lãnh đạo của Đảng, quản lí của Nhà nước, vào cuộc của hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực của các ngành, các cấp, địa phương, nghị lực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội bứt phá thành công: Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát kiểm soát trong tầm tay, đời sống người dân được cải thiện, tiếp tục là điểm sáng về kinh tế trong ASEAN và thế giới.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 5,05%, tuy không đạt chỉ tiêu đề ra (6 - 6,5%) nhưng cao hơn mức tăng trưởng 2 năm 2020-2021. Tốc độ tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước. Các khu vực nông - lâm nghiệp - thuỷ sản; xây dựng - công nghiệp, dịch vụ và tiêu dùng đều tăng bền vững. Quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành đạt 10.221.800 tỉ đồng (tương đương 430 tỉ USD). GDP bình quân tính theo đầu người đạt 101,9 triệu đồng/người/năm (tương đương 4.284 USD), tăng 160 USD so với năm 2022. Ba yếu tố làm nên tăng trưởng là Tiêu dùng (Dịch vụ) - Đầu tư - Xuất khẩu đều tăng so với năm trước. Cả nước có 18 tỉnh, thành phố cân đối được ngân sách và nộp ngân sách về Trung ương.
Về cơ cấu nền kinh tế năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm tỉ trọng 11,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,12%; khu vực dịch vụ - thương mại chiếm 42,54%; thuế sản phẩm, trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,38%.
Tiêu dùng là phần quan trọng của hoạt động kinh tế, đóng vai trò hàng đầu trong việc định hình nền kinh tế của quốc gia, yếu tố quyết định tăng trưởng, đặc biệt đối với nền kinh tế dựa vào tiêu dùng như nước ta. Tiêu dùng cũng tác động mạnh đối với văn hoá, xã hội, thể hiện phong cách sống, thói quen, địa vị, sự thịnh vượng của người tiêu dùng, đặc biệt tại các quốc gia phát triển, đang phát triển.
Hoạt động thương mại, dịch vụ tiêu dùng, vận tải, du lịch diễn ra sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ, tiêu dùng đạt 6.231.800 tỉ đồng, tăng 9,8% so với năm 2022. Doanh thu dịch vụ vận tải đạt 2.722.280 tỉ đồng, tăng 55,06% so với năm 2022. Dịch vụ viễn thông doanh thu đạt 139.260 tỉ đồng (tăng 0,412%). Dịch vụ du lịch năm 2023 đón 110 triệu lượt khách, có 12,6 triệu lượt khách quốc tế, vượt kế hoạch gần 5 triệu khách nước ngoài (chỉ tiêu là 8 triệu), tổng doanh thu du lịch đạt 678.300 tỉ đồng. Khu vực Tiêu dùng (Dịch vụ) đóng góp vào GDP chiếm 41,01% trong nền kinh tế.
Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 683 tỉ USD (giảm 7% so với năm 2022, nhập khẩu giảm 9%, xuất khẩu giảm 4%). Tuy nhiên, cán cân thương mại hàng hoá vẫn thặng dư (xuất siêu) 28 tỉ USD, mức cao nhất trong 15 năm qua. Có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD. Xuất khẩu nông sản đạt 24,5 tỉ USD. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta (96,8 tỉ USD), Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta (kim ngạch xuất nhập khẩu 111,6 tỉ USD, nhập siêu 49,9 tỉ USD)… Lĩnh vực xuất khẩu đóng góp khoảng 14% trong GDP của nền kinh tế.
Vốn thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành đạt 3.423.500 tỉ đồng (tăng 5,2% so với năm 2022), trong đó đầu tư từ ngân sách Nhà nước tăng 21,2%, đầu tư khu vực ngoài Nhà nước đạt 1.919.700 tỉ đồng (chiếm 56,1%), đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 23,18 tỉ USD (tăng 3,5% so với năm 2022) mức cao nhất từ năm 2019. Chính phủ và các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài 124 dự án, vốn 182.700 tỉ đồng. Nguồn vốn Nhà nước chủ yếu đột phá vào hạ tầng, nhiều công trình trọng điểm quốc gia như hệ thống đường cao tốc, Sân bay Long Thành, đường vành đai Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, một số cầu lớn… Giải ngân đầu tư công được 667.882 tỉ đồng, đạt 94,3% kế hoạch. Lĩnh vực đầu tư đóng góp vào GDP khoảng 35%...
Về ngân sách, tổng thu đạt 1.71.800 tỉ đồng, bằng 106% dự toán (giảm 5,4% so với năm 2022); trong đó thu nội địa 1.439.000 tỉ đồng (107,9% kế hoạch), thu từ dầu thô 62.800 tỉ đồng (giảm 19,5%), thu cân đối ngân sách từ sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu 213.000 tỉ đồng, bằng 89,1% dự toán, giảm 25,4% so với trước. Tổng chi ngân sách 1.731.900 tỉ đồng (83,4% dự toán) tăng 10,9% so với năm 2022…
Thành công vượt trội trên mặt trận kinh tế là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động điều hành tổng thể kinh tế vĩ mô, hài hoà các lĩnh vực, linh hoạt thực hiện chính sách tín dụng an toàn, lành mạnh, duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, huy động và giảm lãi suất cho vay, lãi suất tiết kiệm, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp, ổn định tỉ giá, kiếm soát chặt chẽ giá cả thị trường, bảo đảm tốt các cân đối lớn của nền kinh tế.
Chỉ số giá tiêu dùng đạt mức 3,25% Quốc hội đề ra. Mặt khác, theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, chính sách tài khoá, tiền tệ các nước, khu vực có quy mô, quản lí chặt chẽ mặt hàng thiết yếu, nhất là giá xăng dầu, điện… giảm thiểu ảnh hưởng lạm phát, đời sống người dân. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Trong đó, nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao, ghi nhận Việt Nam đạt thành tưụ nổi bật, xếp hạng nâng bậc lên 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.
Khép lại năm 2023, trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội, nền kinh tế của ta vẫn đạt nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện, tạo dấu ấn nổi bật trên trường quốc tế. Từ thắng lợi to lớn về “Ngoại giao cây tre” và tăng trưởng kinh tế, nước ta trở thành điểm sáng của toàn cầu.
Năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Việt Nam vẫn đứng trước những khó khăn, thách thức phải nỗ lực vượt qua. Theo nghị quyết của Quốc hội Khoá XIII tại kì họp thứ 6, cả nước phấn đấu thực hiện đạt mức tăng trưởng 6 - 6,5%. Nếu năm thứ 4 của kế hoạch 5 năm (2021-2025) phấn đấu đạt chỉ tiêu đó, đất nước thêm một dấu mốc ấn tượng trong khu vực và thế giới, mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá sẽ sớm trở thành hiện thực, mức sống người dân có bước cải thiện, nước mạnh, dân giàu, mang lại hạnh phúc và thịnh vượng trong xu thế phát triển bền vững.