Một bức tranh hai mảng màu
Kinh tế 14/05/2024 10:33
Tươi sáng, lạc quan
Đầu tháng 4/2024, từ các thông tin đều thấy bức tranh kinh tế tươi sáng. Đó là: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I tiếp tục phục hồi tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ, tạo đà phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I tăng 5,66% so với cùng kì năm trước, vượt kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, là mức tăng cao nhất trong quý I kể từ năm 2020 đến nay. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định. Kim ngạch xuất nhập khẩu quý I tăng 15,5% so với cùng kì; ước xuất siêu đạt 8,08 tỉ USD. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng 5,2%, tiếp tục tạo đà bứt phá cho các quý tiếp theo.
Sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi và chuyển biến tích cực. Khu vực nông nghiệp và dịch vụ duy trì tăng trưởng, lần lượt tăng 2,98% và 6,12% so với cùng kì năm trước. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%. Du lịch phục hồi nhanh, khách quốc tế đạt hơn 4,6 triệu lượt người, tăng 72% so với cùng kì năm trước và tăng 3,2% so với cùng kì năm 2019 (trước đại dịch Covid-19).
Vẫn còn trăn trở
Ý tứ này bộc lộ trong lời đề dẫn của một bài báo, đó là: “Hiện nay, hoạt động xuất, nhập khẩu chưa có dấu hiệu phục hồi; sản xuất kinh doanh giảm, mức tiêu thụ hàng nội địa chậm lại. Trước tình hình đó, các doanh nghiệp sản xuất phối hợp với nhà phân phối, bán lẻ đang nỗ lực triển khai nhiều hình thức bán hàng thuận tiện, giá cả phù hợp, nhằm kích thích sức mua” (Báo Hà Nội mới ra ngày 15/4).
Trước tiên, nhận định “Hiện nay, hoạt động xuất, nhập khẩu chưa có dấu hiệu phục hồi” ngẫm lại là đúng. quý I và cả năm 2023 xuất nhập khẩu đều hụt so với quý I và cả năm 2022, nên kim ngạch xuất nhập khẩu của quý I/2024 (là 178,04 tỉ USD), tăng so với quý I/2023 (154,17 tỉ USD), song chỉ ngang bằng quý I/2022 (là 176,75 tỉ USD). Trong bối cảnh kinh tế - tài chính toàn cầu hồi phục mong manh lại vấp ngay xung đột Biển Đỏ rồi Trung Đông, đã và sẽ tác động đến ta, tuy không đạt như kì vọng nhưng được như vậy cũng rất tốt.
Tiếp đến “sản xuất, kinh doanh giảm”. Điều này có nguyên do từ tình cảnh doanh nghiệp. Quý I/2024, bình quân một tháng có gần 24.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Nếu so sánh giữa số doanh nghiệp đăng kí thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong quý I/2024, tổng số doanh nghiệp nước ta giảm 14.100 doanh nghiệp, bình quân một tháng giảm 4.700 doanh nghiệp.
“Mức tiêu thụ hàng nội địa chậm lại diễn ra từ tháng 1 - 2/2024, trùng với dịp Tết Nguyên đán, việc mua bán tại các chợ lớn, siêu thị, chợ quê không nhộn nhịp như Tết các năm. Hơn thế nữa, có 15 tỉnh giáp Tết phải xin Trung ương trợ cấp gạo cứu đói. Trong khi giá vàng phi mã, giá USD cũng lập đỉnh.
Tết Nguyên đán nghỉ dài ngày. Dịp 30/4 và 1/5 nghỉ 5 ngày liền. Kỉ niệm 70 năm chiến thắng Điên Biên, nô nức thăm chiến trường xưa... tạo điều kiện “du lịch cất cánh”, tuy nhiên việc giá vé máy bay tăng khiến không ít người phải chuyển hướng.
Hàng từ Trung Quốc từng tràn ngập, song từ khi có Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đàng hoàng vào, càng áp đảo hàng Việt bởi được tiếp sức bằng: Tập kết hàng sát biên ải với các kho khổng lồ tại 3 thành phố Hà Khẩu, Bằng Tường và Đông Hưng gọi là kho GIGA; buôn bán vừa dùng cách truyền thống, vừa qua sàn giao dịch điện tử; tuy vẫn là “công xưởng” thế giới, nhưng không còn chuyện “bắt chước, gia công” mà đã chuyển sang “chất lượng bằng năng lực sáng tạo, công nghệ cao, hiện đại; được Chính phủ Trung ương hỗ trợ. Tất cả hợp sức để có: Hàng tốt - giá hấp dẫn - giao nhanh.
Đầu tư Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam sau khi nguồn vốn đầu tư từ nước này tăng gần 70% vào năm ngoái, trong đó tăng mạnh vào công nghiệp hỗ trợ để cung cấp cho các tập đoàn sản xuất thế giới tại Việt Nam.