Luật sư bị tố “vẽ đường” để chiếm đoạt tài sản của khách hàng!?
Tin pháp luật 22/10/2020 13:55
Không chỉ đòi mức hứa thưởng 40%
Mới đây, vợ chồng bà Nguyễn Thị Hương (ngụ ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) có đơn phản ánh đến Tạp chí Người cao tuổi về một vụ việc khá hi hữu, từ việc bà nhờ luật sư hỗ trợ về tranh chấp tài sản và sau đó bà trở thành con nợ của một luật sư.
Bà Hương chia sẻ: “Tháng 6/2014, vợ chồng tôi cho bà Trần Thị Kiêu (SN 1956, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) vay 2 tỉ đồng, thời hạn vay 1 tháng, tài sản thế chấp là 342 m2 đất, thuộc thửa đất số 346, tờ bản đồ số 11, tọa lạc tại xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn. Đến hạn, bà Kiêu không thể trả 2 tỉ cho vợ chồng tôi nên theo thỏa thuận phải chuyển nhượng phần đất nêu trên.
Tuy nhiên, ngày 2/7/2014, bà Kiêu lại thế chấp quyền sử dụng toàn bộ phần đất có diện tích 682,4 m2 (bao gồm cả phần đất chuyển nhượng cho tôi, vì chưa thực hiện tách thửa, sang tên) cho Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) để vay tín dụng”.
Trước sự việc phức tạp, vợ chồng bà Hương đã ký Hợp đồng dịch vụ pháp lý (HĐDVPL) với Văn phòng Luật sư (VPLS) Tuệ Đức, có địa chỉ: 3C Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, do Luật sư Trần Thị Hồng Vân (thuộc Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh), Trưởng Văn phòng làm đại diện.
Nội dung của Hợp đồng là đòi lại số tiền 2 tỉ nêu trên, có mức thù lao 20 triệu đồng (thanh toán ngay khi ký Hợp đồng) và hứa thưởng sẽ được thỏa thuận trong Phụ lục hợp đồng ký sau.
“Do bà Kiêu không có khả năng chi trả số tiền này, nên nội dung công việc được sử đổi thành: Yêu cầu bà Kiêu chuyển nhượng, tách thửa phần đất có diện tích 342m2, sang tên cho vợ chồng tôi.
Đến đầu năm 2016, VPLS Tuệ Đức yêu cầu mức hứa thưởng là 40% của số tiền 2 tỉ sau khi hoàn thành công việc (tương đương 800 triệu đồng). Lúc này, VPLS Tuệ Đức cử ông Lê Ngọc Phong (SN 1961) thực hiện công việc pháp lý và trực tiếp làm việc cho chúng tôi. Ông Phong đã lập Phụ lục hứa thưởng giữa hai bên, rồi tái xác nhận bằng Hợp đồng thỏa thuận ngày 26/11/2016”, bà Hương cho biết.
Vụ việc chưa dừng lại ở đó, theo bà Hương kể thì còn nhiều dích dắc khác: “Ngay sau khi ký Phụ lục trên, mặc dù chưa làm được bất kì việc gì, bà Vân yêu cầu ứng trước thù lao cho Văn phòng 300 triệu đồng, với lí do để thực hiện công việc. Khoản tiền tạm ứng này không hề được thỏa thuận trong HĐDVPL và Phụ lục hứa thưởng giữa hai bên.
Vợ chồng bà Hương đứng trước nguy cơ mất nhà, mất tiền |
Biết chúng tôi không có tiền, bà Vân dụ dỗ chúng tôi thế chấp nhà đất tại thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Tin tưởng, chúng tôi làm hợp đồng ủy quyền mua bán và giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho chị vợ của ông Tâm, Luật sư trong VPLS Tuệ Đức để có tiền đưa cho bà Vân. Bà Vân cam kết sẽ lấy lại 2 tỉ từ bà Kiêu trong vòng 4 tháng để chuộc lại căn nhà này. Ngay sau đó, VPLS Tuệ Đức đã trực tiếp nhận toàn bộ số tiền 300 triệu đồng nêu trên”.
Hơn nửa năm sau, vụ việc của gia đình bà Hương vẫn chưa được giải quyết, nhưng nhà đất ở Long An đã bị bán cho người khác từ lúc nào vợ chồng bà Hương không hay. Đến khi phát hiện, quá bất ngờ về sự việc này, bà Hương liên hệ - yêu cầu giải thích và được bà Vân hứa hẹn: “Sau khi xử lý xong việc với bà Kiêu, sẽ giúp tôi lấy lại căn nhà ở Long An. Nhưng thực tế, sau đó bà Vân không hề quan tâm và cũng không làm bất kì công việc gì để chúng tôi chuộc lại căn nhà trên”, bà Hương bức xúc nói.
Yêu cầu nhận nợ 2 tỉ đồng?
Đến năm 2017, mọi việc vẫn không có tiến triển, khi 2 tỉ đồng bà Kiêu nợ vẫn chưa lấy được, còn sổ đỏ (có phần đất 342m2) tiếp tục thế chấp tại ACB. “Một lần nữa, bà Vân lại dụ dỗ chúng tôi thế chấp căn nhà duy nhất đang ở (tại quận Gò Vấp) để vay 2,6 tỉ đồng tại Ngân hàng SHB, mục đích là trả nợ và lấy sổ đỏ ra khỏi ACB. Bà Vân cam kết rằng, sau khi lấy sổ của bà Kiêu ra, sẽ sang tên cho tôi, đồng thời, hỗ trợ tìm người bán, qua đó, chuộc căn nhà ở Gò Vấp. Quan trọng, bà Vân đảm bảo sẽ hỗ trợ tôi đóng tiền lãi cho SHB, nếu tôi thế chấp căn nhà ở Gò Vấp. Thế nhưng, bà Vân lại cầm luôn sổ, không giao lại cho tôi. Đây là hành vi chiếm đoạt trái phép tài sản và cản trở việc thực hiện quyền tài sản hợp pháp của tôi”, bà Hương cho hay.
Sao kê ngân hàng mà vợ chồng bà Hương (cung cấp) cam kết là do bà Vân tự nguyện phụ đóng tiền lãi vay tại SHB. |
Trước diễn biến sự việc có chiều hướng xấu đi, ngày 30/10/2017, bà Hương và bà Kiêu hợp thức hóa việc mua bán nêu trên, công chứng tại Văn phòng công chứng Gia Định. “Trong lúc đang chuẩn bị làm thủ tục sang tên, bà Vân lại dụ dỗ hủy hợp đồng mua bán này để chuyển nhượng toàn bộ phần đất cho người mua mới mà bà Vân đã tìm được. Thực tế, bà Vân không những không hỗ trợ bán phần đất này như đã cam kết mà còn cản trở việc tôi chuyển nhượng cho người khác, khi tìm được người mua”, bà Hương nói.
Trước sự việc kéo dài, nhiều lần vợ chồng bà Hương yêu cầu bà Vân nhanh chóng thực hiện công việc đã thỏa thuận trong HĐDVPL thì: “Bà Vân hăm dọa, mắng chửi và đưa ra những yêu cầu hết sức vô lý: tôi phải ký Hợp đồng vay tiền – có công chứng, xác nhận nợ của bà Vân 2 tỉ đồng. Theo bà Vân, đó là tiền công, tiền lãi và đặc biệt là khoản tiền 1 tỉ tiền đồng cho công an. Việc này đã được bà Vân nói trực tiếp với vợ chồng tôi nhiều lần và còn được ghi nhận cụ thể trong “Phương án làm việc ngày 21/10/2019”. Đặc biệt nghiêm trọng hơn, bà Vân đã tự ý, âm thầm tìm gặp để bà Kiêu ký vào Hợp đồng ủy quyền - để bà Vân được quyền mua bán, chuyển nhượng phần đất có diện tích 682,4m2 nêu trên vào tháng 8/2019. Biết rõ tình trạng sức khỏe bà Kiêu bị liệt chân, tinh thần không tỉnh táo, nên bà Vân nói việc uỷ quyền này nhằm hỗ trợ công việc cho tôi, do đó, bà Kiêu đã ký vào”, bà Hương kể tiếp.
Bán cả đất đang tranh chấp?
Nghi ngờ bà Kiêu cấu kết với bà Vân, không thực hiện nghĩa vụ chuyển nhượng phần đất nêu trên, bà Hương quyết định khởi kiện tại TAND huyện Hóc Môn.
“Khi Tòa thực hiện xác minh phần đất này, tôi mới bất ngờ biết được, bà Vân đã bán đứt toàn bộ phần đất có diện tích 682,4 m2 cho bà Trần Thế Linh. Bà Kiêu cũng bất ngờ, vì không biết đã ký Hợp đồng ủy quyền mua bán cho bà Vân và lại càng không biết việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất nêu trên cho bà Linh. Đáng nói, phần đất này có tranh chấp từ lâu, được cả chính quyền địa phương và những hộ xung quanh đều biết. Thậm chí, trên phần đất đó, vợ chồng tôi còn treo bảng “đất có tranh chấp”.
Bà Hương cung cấp “Phương án làm việc” có chữ ký của bà Trần Thị Hồng Vân. |
Nếu mang danh luật sư, bà Vân có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tốt nhất cho khách hàng, góp phần bảo vệ công bằng cho xã hội. Thế nhưng bà Vân đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp, hơn nữa hành vi này còn làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín, danh dự của nghề luật sư nói chung”, bà Hương chia sẻ.
Liên quan đến vụ việc này, bà Hương cũng đã có đơn tố cáo đến Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hồ Chí Minh và Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh. Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh đã có Biên bản làm việc với vợ chồng bà Hương, ghi nhận toàn bộ vụ việc, đồng thời, yêu cầu luật sư Vân báo cáo để có hướng giải quyết.
Trong khi đó, trên tinh thần khách quan, muốn có thông tin nhiều chiều, PV liên hệ với bà Vân qua điện thoại, đề nghị làm việc về các nội dung theo đơn tố cáo, bà Vân nói ngay: “Tôi không có nghĩa vụ gì với báo chí để gặp làm việc cả”. Tuy nhiên, bà Vân cũng cho biết, “đang làm đơn giải trình với Đoàn luật sư, các cơ quan ban, ngành” và “tôi cũng không có thời gian để gặp báo chí”.
Người của VPLS nhận tiền nhưng không biết?
Ngày 16/9/2020, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi đối chất giữa ông Bồi, bà Hương và người bị tố cáo là Luật sư Trần Thị Hồng Vân. Theo đó khi được hỏi về về việc hứa thưởng 40% cho số tiền 2 tỷ đồng, bà Vân cho rằng: “Tôi và bà Hương, ông Bồi thỏa thuận miệng về việc mức hứa thưởng là 40% trên số tiền 2 tỷ đồng. Đối với hợp đồng thỏa thuận ngày 26/11/2016 giữa ông Bồi, bà Hương với ông Lê Ngọc Phong là do ông Phong tự ký, không liên quan đến VPLS Tuệ Đức. Đối với mức phí 40%, ông Bồi, bà Hương đã nhiều lần đến làm việc với VPLS và xác nhận sẽ thanh toán 40% phí dịch vụ”.
Trong khi đó, bà Hương và ông Bồi khẳng định: “Không có thỏa thuận về mức phí 40% với luật sư”.
Về việc luật sư Vân cho rằng: Trong thời gian giải quyết vụ việc bà Kiêu và bà Hương năn nỉ luật sư Vân ứng tiền để giải quyết việc cá nhân của bà Hương và bà Kiêu. Khi nào luật sư Vân lấy lại được tài sản, hai bà sẽ trả lại cho luật sư Vân số tiền đã mượn là 538 triệu đồng.
Lý giải thêm về việc này, luật sư Vân cho rằng: “Về số tiền tiền 538 triệu đồng là khoản tiền mà tôi đã cho bà Hương, ông Bồi mượn thông qua hình thức chuyển khoản, với nội dung “cho vay trả lãi ngân hàng – HS bà Trần Thị Kiêu”.
Tuy nhiên, về phía ông Bồi, bà Hương lại cho rằng: “Số tiền 538 triệu đồng của luật sư Vân không phải là số tiền cho mượn để giải quyết việc cá nhân, mà là khoản tiền do luật sư Vân hứa tự nguyện phụ đóng tiền lãi cho ngân hàng”.
Chứng minh thêm, phía ông Bồi, bà Hương cho biết: “Tại bảng sao kê mà bà Hương nộp cho Đoàn Luật sư có thể hiện nội dung chuyển khoản là để đóng lãi ngân hàng. Nội dung chuyển khoản ghi rõ: Trần Thị Hồng Vân cho mượn tiền đóng lãi ngân hàng”.
Đối chất việc ông Lê Ngọc Phong, đại diện cho VPLS Tuệ Đức có nhận của ông Bồi, bà Hương số tiền 300 triệu đồng. Lý do là tạm ứng phí dịch vụ pháp lý, đại diện cho ông Bồi, bà Hương cho rằng: “Số tiền 300 triệu đồng là do VPLS Tuệ Đức yêu cầu ứng thêm để thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý”.
Luật sư Vân lại nói: “Ông Lê Ngọc Phong không phải là người của VPLS Tuệ Đức” và “việc ông Phong nhận 300 triệu đồng này, tôi hoàn toàn không biết”!?
Chia sẻ với PV, (một luật sư đề nghị không nêu tên) cho rằng: “Nếu đúng như sự việc đã nêu - là luật sư chân chính không ai đi làm những chuyện trái với đạo đức nghề nghiệp, trái với các quy định của pháp luật. Bởi, bản chất của luật sư không ai làm vậy, hơn ai hết, chúng tôi là những hiểu biết pháp luật để giúp đỡ cho người khác, chứ không phải hại chính khách hàng của mình”. |