Lớn lên từ bàn tay mẹ
Văn hóa - Thể thao 01/06/2024 15:46
Bàn tay mẹ
Bàn tay mẹ
Bế chúng con
Bàn tay mẹ
Chăm chúng con.
Cơm con ăn
Tay mẹ nấu
Nước con uống
Tay mẹ đun.
Trời nóng bức
Gió tay mẹ
Con ngủ ngon.
Trời giá rét
Từ tay mẹ
Ủ ấm con.
Bàn tay mẹ
Vì chúng con
Từ tay mẹ
Con lớn khôn.
Tạ Hữu Yên
Mỗi người cảm nhận về tình mẫu tử ở góc độ khác nhau. Nhà thơ quân đội Tạ Hữu Yên cũng vậy. Ông viết bài thơ “Bàn tay mẹ” khi đã lớn tuổi. Sinh thời ông kể: “Hôm ấy đúng ngày giỗ mẹ, chợt kí ức tuổi thơ với người mẹ thân yêu ùa về. Thế là những câu thơ vụt hiện”.
Viết cho thiếu nhi nên trong “Bàn tay mẹ” tác giả sử dụng nhịp thơ, tiết tấu, các hình ảnh, thanh âm đều rất gần gụi, hồn nhiên, trong trẻo. Tác giả chọn hình thức thể hiện thơ ba chữ mang dáng dấp của thơ đồng dao vốn được trẻ con ngày trước yêu thích. Sở dĩ ông chọn “Bàn tay mẹ” để nói về tình mẹ con là vì bàn tay chính là phần cốt yếu trong hành động của con người. Tình yêu người mẹ khởi đầu từ trái tim. Mệnh lệnh ấy truyền qua não bộ và não bộ chỉ huy bàn tay hành động. Ngắt tách ra có vẻ dài dòng nhưng mọi hành động của người mẹ với đứa con diễn ra rất nhanh.
Mỗi khổ thơ trong “Bàn tay mẹ” là một trạng thái tình cảm, một hành động ấu yếm, vỗ về, chăm sóc của người mẹ với đứa con thân yêu. Những hình ảnh quen thuộc của người mẹ đối với con khi còn rất nhỏ còn phải bế, phải chăm từ bữa ăn, giấc ngủ. Người mẹ âm thầm chịu khó, chịu khổ với bao mưa nắng cuộc đời để nuôi con, dành hết cho con. Những đêm Trời nóng bức/ Gió tay mẹ/ Con ngủ ngon. Cả những ngày Trời giá rét/ Từ tay mẹ/ Ủ ấm con. Mấy câu thơ trên thật cảm động, cho thấy tấm lòng mẹ với con bao la như biển trời.
Để có được những câu thơ hay viết về mẹ, nhà thơ Tạ Hữu Yên phải quan sát rất kĩ từ cuộc sống. Cạnh đó, ông lấy từ trong kí ức những gì người mẹ dành cho mình thuở ấu thơ. Hình ảnh chiếc quạt (có khi chỉ là chiếc mo cau, chiếc nón mê...) để mẹ làm ra ngọn gió dành cho con trong đêm Hè oi bức là điểm nhấn của toàn bài. Vì yêu con, mẹ không quản vất vả, nhọc nhằn, có khi thức suốt đêm Hè, dùng bàn tay biến thành gió để con ngủ say giấc nồng. Và chỉ có tình yêu của người mẹ Việt Nam mới làm ra được điều kì diệu ấy. Vì thế mà câu thơ Gió tay mẹ trở nên độc đáo và cũng là câu thơ hay nhất toàn bài.
“Bàn tay mẹ” chỉ có 57 từ nhưng lại có giá trị như một cuốn “biên niên sử” nghệ thuật về tình mẹ con. Bài thơ đi từ hành động đơn giản của người mẹ đến những khái quát mang tính nghệ thuật, “Bàn tay mẹ” là một trong những tác phẩm hay nhất, sâu sắc nhất dành cho tuổi thơ. Cảm nhận được cái hay, sáng tạo trong “Bàn tay mẹ”, nhạc sĩ Bùi Đình Thảo đã phổ nhạc thành ca khúc cùng tên. Mấy chục năm nay, tác phẩm không chỉ được thiếu niên nhi đồng cả nước yêu thích mà còn chạm được vào nơi sâu thẳm nhất trong trái tim người lớn tuổi. Năm 1999, Báo Thiếu niên tiền phong, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ban Khoa học-Giáo dục Đài Truyền hình Việt Nam, Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức cuộc bình chọn, “Bàn tay mẹ” là 1 trong 50 bài hát được bình bầu hay nhất cho thiếu nhi Việt Nam thế kỉ XX.