Kinh tế vĩ mô Việt Nam từ góc nhìn Ngân hàng Thế giới
Kinh tế 08/09/2020 09:17
Quá trình phục hồi nền kinh tế
Sau những tuần cách li gắt gao, từ cuối tháng 4 năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã từng bước nới lỏng hạn chế về đi lại và giãn cách xã hội cho đến khi COVID-19 bùng phát trở lại ở Đà Nẵng vào cuối tháng 7. Vì vậy, Chính phủ đã phải ban hành những biện pháp hạn chế đi lại chặt chẽ ở một số địa phương đồng thời với nâng cấp độ giãn cách xã hội ở nhiều thành phố khác.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trước diễn biến phức tạp của đại dịch toàn cầu, song nền kinh tế vẫn phục hồi với chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI) tăng 2,5% so cùng kì năm trước trong tháng 7. Tương tự, doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiếp tục phục hồi với tốc độ tăng 4,6%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chế tạo chế biến và doanh số bán lẻ đều thấp hơn so với tháng 7 năm 2019 chứng tỏ nền kinh tế chưa thực sự phục hồi ở mức như trước khi khủng hoảng.
Trong tháng 7/2020, nền kinh tế Việt Nam đã duy trì được thặng dư thương mại hàng hóa ở mức 1,6 tỉ USD, góp phần dưa thặng dư của 7 tháng đầu năm lên 9,4 tỉ USD, cao gấp 2,85 lần cùng kì năm 2019 (3,3 tỉ USD). Tổng kim ngạch xuất khẩu tuy giảm 1,4% so với tháng 6/2020 nhưng vẫn tương đương với cùng kì năm 2019. Trong hoạt động xuất khẩu có dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ hơn với mức tăng trưởng 10,6%, trong khi doanh số xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI giảm 5% so với cùng kì năm trước. Điều này cho thấy thương mại hàng hóa tiếp tục hồi phục, chủ yếu nhờ vào các doanh nghiệp trong nước chứ không phải doanh nghiệp xuất khẩu của nước ngoài. Trong lúc hầu hết thị trường xuất khẩu quốc tế đều suy giảm, thì kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản lại tăng 20% so với tháng 6/2019.
WB nhận thấy trong tháng 7 nguồn vốn này đổ vào Việt Nam mạnh hơn so với tháng 5 và tháng 6. Nhưng về tổng thể, đã giảm 7% so cùng kì năm trước. Xu hướng gia tăng FDI từ cuối tháng 4 cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm đến Việt Nam, là do đất nước nằm gần Trung Quốc nhưng đã vượt qua đại dịch, nhờ đó có thể tận dụng được quá trình tái cơ cấu các chuỗi giá trị toàn cầu; mặt khác, các công ty đa quốc gia đang nỗ lực đa dạng hóa để giảm thiểu rủi ro.
Nhìn nhận về các chỉ tiêu vĩ mô của nền kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức thấp, còn tăng trưởng tín dụng trên đà hạ nhiệt. Phân tích chỉ số CPI tháng 7/2020 cho thấy, so với tháng 6 chỉ số này đi ngang trong khi chỉ số lạm phát xuống thấp, khoảng 3,4% so với cùng kì năm trước.
Tỉ lệ biến động tín dụng của nền kinh tế so với cùng kì năm trước giảm đáng kể từ tháng 2; đến tháng 6 đã giảm 9,9%. Mặc dù là mức thấp chưa từng có, nhưng vẫn cao hơn trên 4 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Điều này chứng tỏ NHNN đã nới lỏng chính sách tiền tệ và tín dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, chính sách trên đây cần được theo dõi thận trọng vì nó làm giảm biên lợi nhuận của ngân hàng trong điều kiện tỉ lệ nợ xấu đang gia tăng.
Từ tháng 4 năm 2020, Chính phủ đã cố gắng giảm chi tiêu nhằm ứng phó với khủng hoảng. Trong nửa đầu của năm nay, do tăng trưởng kinh tế thấp kết hợp cùng giải pháp giãn nộp thuế cho cá nhân và doanh nghiệp để đối phó với khủng hoảng, nguồn thu của Chính phủ chỉ đạt 76% so với cùng kì năm trước. Thực hiện mục tiêu tăng đầu tư công để kích thích khôi phục kinh tế, tổng số giải ngân theo ước tính vào tháng 7 lên tới 1,97 tỉ USD, tăng 51,8% so với cùng kì năm trước. Trong 7 tháng, tổng giải ngân đầu tư công đạt 203 nghìn tỉ VND, tăng 27,2% so cùng kì năm 2019.
Thay cho lời kết
Nền kinh tế Việt Nam nhanh chóng phục hồi đồng thời với xuất khẩu đạt kết quả ấn tượng sau những hạn chế trong nước do cách li phòng chống COVID-19 được gỡ bỏ. Đợt bùng phát trở lại vào cuối tháng 7 tại Đà Nẵng và biện pháp ứng phó nhằm kiểm soát dịch bệnh của chính phủ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khôi phục kinh tế trong thời gian tới.
Rút kinh nghiệm từ những bài học vừa qua, điều cần quan tâm là theo dõi sát sao diễn biến dịch bệnh, tạo sự đồng thuận xã hội cao trong phòng chống đồng thời với coi trọng tác động tài khóa và có chính sách xử lí thích hợp nhằm khơi dậy tinh thần doanh nghiệp để thúc đẩy mạnh sản xuất trong cả trung và dài hạn.