Kiều hối năm 2021 ước đạt 12,5 tỷ USD, nhu cầu tiền mặt không cao
Thị trường 29/12/2021 07:40
Nhu cầu không cao như mọi năm và ngành ngân hàng vẫn sẽ đáp ứng được tốt nhu cầu rút tiền mặt của người dân - Ảnh:VGP. |
Tại cuộc họp báo thường kỳ do NHNN tổ chức ngày 28/12, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, đây là số thống kê của Ngân hàng Nhà nước và hằng năm, con số thống kê của Ngân hàng Nhà nước được coi là con số chính thống khi sử dụng trong các báo cáo, đánh giá.
Ông Đào Minh Tú phân tích: Lượng kiều hối năm nay tăng khoảng 10% so với năm 2020. Trong số đó, lượng kiều hối gửi qua các tổ chức tín dụng khoảng 7%, các công ty kiều hối 28%, qua bưu điện 2%...
Dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, kiều bào cũng gặp rất nhiều khó khăn song vẫn quan tâm hướng về quê hương. Đây là nguồn vốn rất quan trọng trong điều kiện khó khăn cần vốn đầu tư.
Trước đó, ngân hàng Thế giới (WB) và tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD dự báo Việt Nam đứng thứ tám thế giới và đứng thứ ba trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương về lượng kiều hối trong năm 2021.
Theo tổ chức này, lượng kiều hối về Việt Nam trong năm nay ước tính ở mức 18,1 tỷ USD, cao hơn mức 17,2 tỷ USD năm 2020, khi Việt Nam xếp thứ 11 thế giới về lượng kiều hối.
Về giao dịch tiền mặt, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN luôn coi trọng và xác định quản lý tiền mặt là một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong quản lý, điều hành. Việc bảo đảm an toàn kho quỹ trong hệ thống ngân hàng được Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước quan tâm chỉ đạo sát sao, yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định đã được ban hành. Các ngân hàng chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể về hoạt động ATM dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán năm 2022 (bao gồm kế hoạch tiền mặt cho ATM, tiếp quỹ ATM, nhân sự cho ATM, bảo trì, bảo dưỡng ATM ...); giám sát chặt chẽ để phát hiện và tiếp quỹ kịp thời đối với các ATM hết tiền…
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết thêm: Việc rút tiền mặt giảm bớt là do dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập của người dân, cùng với đó là xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán điện tử, từ hệ thống ATM sang các hệ thống thanh toán khác như thanh toán 24/7, điểm thanh toán chấp nhận thẻ, thanh toán bằng di động…
Bên cạnh đó, ông Lê Anh Dũng cũng cho biết, hiện Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) có thể thực hiện được khối lượng giao dịch rất lớn, mỗi ngày có thể lên tới 7 triệu giao dịch chuyển mạch bảo đảm an toàn, thông suốt; các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng tương đối tốt. Trong 10 tháng của năm 2021 giao dịch qua POS tăng tương ứng 14,25% và 12,6% về số lượng và giá trị giao dịch so với cùng kỳ; qua kênh Internet tăng tương ứng 49,39% và 29,14%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 72,67% và 85,09%; thanh toán qua kênh QR code tăng tương ứng 54,24% và 120,64% với hơn 90.000 điểm chấp nhận thanh toán qua QR code...
“Nhu cầu không cao như mọi năm và ngành ngân hàng vẫn sẽ đáp ứng được tốt nhu cầu rút tiền mặt của người dân”, ông Dũng khẳng định.
55 tỷ USD kiều hối về TP Hồ Chí Minh trong gần ba thập kỷ qua Từ năm 1993 đến nay, thành phố Hồ Chí Minh luôn là địa phương nhận kiều hối nhiều nhất trong cả nước với khoảng 55 ... |
Tỉnh Thanh Hóa: 300 triệu để “chạy" vào Quân nhân chuyên nghiệp, "tiền mất, tật mang"!? Do người quen giới thiệu về một phụ nữ có khả năng “chạy việc”, bà Trịnh Thị Huệ, ở xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc, ... |