Kì họp thứ 8, Quốc hội Khoá XV: Hai Bộ Trưởng giải trình và làm rõ một số ý kiến của đại biểu Quốc hội
Tin tức - Sự kiện 29/10/2024 11:04
Báo cáo về tình hình triển khai thi hành Luật đất đai năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, Chính phủ, các bộ ngành đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai kịp thời ban hành và có hiệu lực đồng thời với Luật gồm: 10 Nghị định của Chính phủ, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 7 thông tư của các bộ. Các địa phương cũng đã nỗ lực để ban hành các quy định chi tiết theo thẩm quyền do Luật giao (20 nội dung).
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy |
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nhấn mạnh, còn nhiều địa phương chưa ban hành đầy đủ các văn bản thuộc thẩm quyền đã ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả của việc triển khai thi hành Luật, ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của người dân, doanh nghiệp là người sử dụng đất.
Về điều chỉnh Bảng giá đất hiện hành để tiếp tục áp dụng đến 31/12/2025, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, vướng mắc liên quan đến điều chỉnh Bảng giá đất hiện hành theo quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024: “Bảng giá đất theo Luật Đất đai 2013 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai 2024 cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương”.
Đây là quy định chuyển tiếp, nhằm giúp các địa phương thực hiện lộ trình từng bước xây dựng Bảng giá đất mới theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 để áp dụng từ ngày 01/01/2026, tránh cú sốc tăng giá đột biến trong Bảng giá đất, ảnh hướng đến quyền và nghĩa vụ của một số đối tượng người sử dụng đất.
Tuy nhiên, khi tiến hành điều chỉnh Bảng giá đất hiện hành, nếu các địa phương không xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, đánh giá tác động một cách đầy đủ thì sẽ xảy ra trường hợp giá đất trong Bảng giá đất sau khi điều chỉnh có chênh lệch lớn so với giá đất trong Bảng giá đất hiện hành. Đặc biệt là tại các địa phương trong suốt giai đoạn 2021 - 2024 không điều chỉnh hoặc không thường xuyên điều chỉnh Bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, nay khi thực hiện điều chỉnh lại điều chỉnh với mức chênh lệch lớn khiến người dân, doanh nghiệp phản ứng vì số tiền người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai sẽ tăng cao so với khi áp dụng giá đất trong Bảng giá đất trước khi điều chỉnh.
Các đại biểu tham dự Kì họp thứ 8, Quốc hội Khoá XV |
Về công tác đấu giá quyền sử dụng đất, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết tại một số địa phương, tình trạng chênh lệch rất lớn giữa giá khởi điểm và giá trúng đấu giá, có dấu hiệu đầu cơ, thổi giá.
Nguyên nhân bao gồm: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa được công khai, minh bạch. Một số đối tượng tham gia đấu giá chủ yếu vì mục đích đầu cơ, không phải nhu cầu thực. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa chủ động tạo quỹ đất để đấu giá; Giá đất trong bảng giá đất chưa được điều chỉnh kịp thời.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết Bộ cũng đã đề xuất các giải pháp bao gồm: Công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Điều chỉnh hợp lý giá đất trong bảng giá đất; Rút ngắn thời gian nộp tiền thanh toán trúng đấu giá. Đồng thời công khai các trường hợp trúng giá cao nhưng bỏ cọc; Tăng cường biện pháp bảo đảm nguồn cung bất động sản nhà, đất ở có giá cả hợp lý. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng báo cáo giải trình và làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, qua báo cáo giám sát và ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội, Bộ Xây dựng thấy rõ trách nhiệm của mình trong thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị |
Báo cáo một số nội dung liên quan đến công tác phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua còn nhiều tồn tại, bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu, kỳ vọng của công nhân, người lao động và người thu nhập thấp. Nhiều vướng mắc liên quan đến quy định và thực thi pháp luật, vướng mắc liên quan đến quy hoạch đất đai, đầu tư, đấu thầu, xây dựng, tín dụng… liên quan đến thủ tục hành chính triển khai thực hiện dự án nhà ở xã hội. Chính sách ưu đãi chưa thực sự khuyến khích nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội như báo cáo giám sát và ý kiến của các đại biểu Quốc hội phát biểu.
Thực hiện đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Bộ trưởng cho biết, từ năm 2021 đến nay, các địa phương đã quy hoạch 9.757 ha đất để xây dựng nhà ở xã hội; có 622 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 565.177 căn, trong đó đã hoàn thành 79 dự án với quy mô 40.679 căn; đã khởi công xây dựng 131 dự án, với quy mô 111.687 căn và đã chấp thuận chủ trương đầu tư 412 dự án.
Tuy nhiên, kết quả này chưa đáp ứng nhu cầu của công nhân, người lao động và người thu nhập thấp; nhiều địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội.
Từ những vướng mắc khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Đảng, Chính phủ, Quốc hội đã có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy công tác này. Gần đây nhất, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 34 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới. Chính phủ đã ban hành kế hoạch, đề án và nhiều chỉ đạo phát triển nhà ở xã hội; Quốc hội đã ban hành Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Đất đai năm 2024 và nhiều quy định pháp luật có liên quan để tháo gỡ nhiều khó khăn vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã điểm lại một số điểm mới, nổi bật của các luật này, đã góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát và các đại biểu Quốc hội, Bộ Xây dựng cùng với các bộ, ngành, địa phương sẽ tập trung thực hiện Chỉ thị 34 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới; cũng như thực hiện cái nghị quyết giám sát của Quốc hội về chuyên đề này và các chương trình, đề án, kế hoạch chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển nhà ở xã hội, xác định phát triển nhà ở xã hội là quyết tâm chính trị, nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội và hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm của từng địa phương.
Phát triển đa dạng các loại hình nhà ở xã hội để có thể mua, thuê, thuê mua nhà lưu trú, tăng tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê. Ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn, các quy định pháp luật vừa được thông qua liên quan đến phát triển nhà ở xã hội; đồng thời tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến phát triển nhà ở xã hội; thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội tại các địa phương…