Kì họp thứ 7, Quốc hội khoá XV: Sửa đổi Luật Công đoàn đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Hiến pháp và pháp luật
Vấn đề hôm nay 19/06/2024 07:37
Trước đó, ngày 3/6, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) do Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trình bày. Theo đó, Luật Công đoàn cần tiếp tục được sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với Hiến pháp và hệ thống pháp luật; đồng thời, hội nhập quốc tế là một xu hướng tất yếu, trở thành một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao dân trí và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
Kì họp thứ 7, Quốc hội khoá XV |
Báo cáo thẩm tra Dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng: Các quy định của dự án Luật chủ yếu mang tính nguyên tắc, khái quát về các nội dung xác định tại phạm vi điều chỉnh do vậy Ủy ban Xã hội (UBXH) đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, quán triệt, thể chế hóa các quan điểm của Đảng bằng các quy định cụ thể của dự thảo Luật. UBXH đề nghị Tổng LĐLĐVN hết sức quan tâm đến việc đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong việc tập trung phát triển về số lượng gắn với nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò công đoàn cơ sở, thu hút và kết nạp được đông đảo hơn nữa người lao động gia nhập Công đoàn Việt Nam để xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước....
Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang |
Tại hội trường, Đại biểu (ĐB) Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) đề nghị, cần có giải pháp quy định cơ chế quản lý biên chế phù hợp trong Luật Công đoàn (sửa đổi), tăng quyền chủ động của công đoàn trong bố trí đội ngũ cán bộ công đoàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Do đó, có thể quy định trong Luật giao quyền cho Tổng LĐLĐVN chủ động đề xuất số lượng cán bộ công đoàn là cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống để tạo ra sự đồng bộ về biên chế trong hệ thống công đoàn. Từ đó, khắc phục tình trạng các địa phương có điều kiện địa lý, điều kiện kinh tế, xã hội giống nhau nhưng được giao số lượng biên chế khác nhau. Còn ĐB Lê Thị Thanh Xuân (Đắk Lắk) kiến nghị, cơ quan soạn thảo làm rõ địa vị pháp lý của cán bộ công đoàn chuyên trách được bầu theo Điều lệ Công đoàn (cán bộ) hay được tuyển dụng, bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý (công chức). Về việc đảm bảo cho cán bộ công đoàn, đại biểu Xuân cho rằng, dự thảo luật chỉ mới quy định các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động, thôi việc đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách theo hợp đồng lao động, vì vậy đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung quy định đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách là cán bộ, công chức, viên chức thì việc giải quyết thôi việc, buộc thôi việc, thuyên chuyển công tác thực hiện theo quy định của Đảng và pháp luật về công chức, viên chức như: Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành và quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam...
Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật.
Sau đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật.
Cuối giờ chiều 18/6, các đại biểu thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)../.