Khám phá sự độc đáo của đặc sản rêu đá nức tiếng vùng Tây Bắc
Du lịch 21/09/2021 07:47
Câu chuyện tình gắn liền với nguồn gốc rêu đá
Rêu đá là món ăn đặc sản của người Thái ở miền núi Tây Bắc, Việt Nam. Ngoài măng chua và thịt gác bếp, rêu đá là món ăn không thể thiếu trong những bữa cơm đón tiếp khách quý của người Thái hay các ngày lễ, Tết.
Rêu đá thường sinh sôi nảy nở và bám vào các gờ đá nơi lòng suối. Rêu được chia thành 3 nhóm: “cui” là loại rêu mọc thành sợi như sợi tóc, màu hơi sẫm; “cay” tức loại rêu có sợi mọc rời rạc màu xanh và “tau”, loại rêu mọc thành từng mảng ở ao hoặc các khe suối.
Đồng bào dân tộc Thái thường truyền miệng câu chuyện về mối tình chung thủy của đôi trai gái dân tộc Thái. Hai người yêu nhau tha thiết nhưng cuộc tình duyên không đến được đoạn kết có hậu. Vì bị ngăn cản nên đôi trai gái trèo lên ngọn núi cao, bện tóc vào nhau, thề nguyện suốt đời sống bên nhau. Rồi họ biến thành ngôi sao mai lấp lánh, nước mắt họ chảy thành sông, tóc biến thành rêu đá óng ả trong làn nước.
Từ đó hình thành nên nét đẹp văn hóa của người Thái là đi hái rêu, vào một ngày đẹp trời khi cả bản nghỉ làm nương rẫy. Rêu đá chế biến nhiều món ăn truyền thống, đặc sắc của đồng bào Thái Tây Bắc, đậm đà trong mâm rượu hứa hôn của các đôi trai gái được tổ chức trong ngày xuân. Món rêu đá còn mang một ý nghĩa về truyền thuyết của mối tình chung thủy từ ngàn xưa.
Rêu đá mang nét đẹp văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Thái |
Món ngon độc đáo từ rêu đá
Rêu đá có thời hạn sử dụng rất ngắn, khoảng 2-3 ngày sau khi thu hái. Sau khi thu hoạch về, người Thái sẽ dùng chày gỗ đập rêu để làm bung lớp đất cát bám bên ngoài. Rêu đá có thể chế biến thành nhiều món ngon như luộc, nộm (gỏi), xào, nấu canh hay nướng.
Rêu đá được chế biến thành món ăn đơn giản nhất là canh rêu tươi (kinh tau). Trước khi chế biến thành món ăn phải để rêu trên thớt hoặc hòn đá có mặt phẳng, dùng chày gỗ đập nhiều lần cho nát hết tạp chất bám trên rêu, rửa sạch không còn cát sạn. Rêu sau khi rũ hết cát sạn được cắt thành từng đoạn nhỏ, thả vào nước luộc gà hoặc xương hầm, nêm gia vị vừa khéo, đến khi chín sẽ dậy lên hương thơm hấp dẫn.
Với những mẻ rêu non người Thái thường dùng để chế biến nộm rêu (tau nửng). Rêu sạch đem cắt nhỏ bỏ vào chõ hấp chín, thêm muối, đường, gừng, rau thơm, ớt, mắc khén thành món ăn đậm vị, giòn, ngọt và thơm.
Trong số các món ăn chế biến từ rêu đá, có lẽ rêu nướng (tau pho) vẫn là món ăn độc đáo và đặc sắc nhất với hương vị đặc biệt thơm ngon so với các món rêu khác và cách chế biến cầu kỳ hơn.
Đầu tiên, người ta sẽ sơ chế rêu bằng cách để lên thớt đập nhiều lần cho sạch cát ở trong vì rêu lấy từ suối dính lẫn tạp chất. Sau đó đem rêu tẩm với các gia vị thông thường như mì chính, gừng, sả, hành, hạt sen... Tiếp đến, rêu đá được bao bọc trong lá dong hoặc lá chuối rồi kẹp tre nướng trên than hoặc có thể vùi vào trong tro, ở trên là than.
Để làm tăng thêm sự thơm ngon của rêu đá, người dân thường nướng kèm với các loại thịt gà, thịt lợn và cá. Có những nơi, người ta sử dụng ống nứa non thay cho lá chuối nên rêu nướng có vị ngọt đặc trưng.
Rêu nướng thơm ngon trở thành đặc sản lạ miệng hấp dẫn thực khách gần xa |
Theo kinh nghiệm dân gian, rêu đá là một món ăn mát lành giúp lưu thông khí huyết, giải độc, thanh nhiệt, hạ huyết áp cũng như nhiều công dụng khác. Với người Thái, rêu là món quà do tự nhiên ban tặng, không thể trồng được vì vậy họ rất coi trọng món ăn này.
Trong các dịp lễ Tết, giỗ chạp, cưới hỏi hoặc khi gia đình có khách quý, đồng bào dân tộc Thái vẫn thường sử dụng rêu đá như một món ăn không thể thiếu trong những dịp quan trọng như thế này. Không chỉ được đồng bào dân tộc Thái yêu thích mà chắc hẳn rêu đá còn "được lòng" cả thực khách gần xa mỗi dịp ghé thăm cảnh đẹp núi rừng Tây Bắc.