Kết nối giao thương quốc tế đưa Buôn Ma Thuột từng bước thành điểm đến cà phê thế giới
Kinh tế 13/03/2023 07:57
Hội nghị kết nối giao thương Quốc tế năm 2023 là 1 trong 18 hoạt động chính của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023. Hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023 là sự kiện nhằm xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, đẩy mạnh xuất khẩu, từ đó góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh năm 2023 và thời gian tới. Đây cũng là dịp để Đắk Lắk quảng bá, kết nối, xúc tiến tiêu thụ cà phê đủ tiêu chuẩn xuất khẩu; đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và OCOP của tỉnh nói riêng và các địa phương trong cả nước nói chung.
Hội nghị kết nối giao thương Quốc tế năm 2023 là một trong 18 hoạt động chính của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023. |
Tham dự Hội nghị có đại diện 10 tổ chức Quốc tế và 20 tỉnh, thành phố trong nước có sự kết nối, giao thương với tỉnh Đắk Lắk. Sự kiện thu hút hơn 450 đại biểu đến từ 170 đơn vị, doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực chế biến, cung ứng cà phê trên toàn quốc.
Các đại biểu tham gia hội nghị Hội nghị kết nối giao thương Quốc tế năm 2023. |
Sự kiện cũng là dịp để các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các địa phương, thương lái có cơ hội tiếp xúc, tăng cường hiểu biết, tìm kiếm đối tác, thúc đẩy giao lưu và mở rộng hợp tác trong tiêu thụ cà phê của tỉnh. Từ đó, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ và nhận diện cà phê Buôn Ma Thuột đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; phát triển sản xuất cà phê bền vững, nâng cao giá trị, thu nhập và đời sống của người nông dân trồng cà phê. Thông qua hội nghị, các nhà nhập khẩu nước ngoài cùng các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong nước sẽ có dịp gặp, trao đổi hợp tác với nhau; các chuyên gia, nhà xuất khẩu, nhập khẩu sẽ trình bày nhiều tham luận về tiềm năng xuất khẩu của cà phê Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà phát biểu tại hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023. |
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, cà phê từ Đắk Lắk đã xuất khẩu đến hơn 70 thị trường trên toàn cầu, với sản lượng 429.065 tấn (niên vụ 2021-2022), kim ngạch xuất khẩu là hơn 819 triệu USD, chiếm 21% giá trị xuất khẩu cà phê của quốc gia. Hội nghị kết nối giao thương năm nay là hoạt động mới nhằm quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột và nâng tầm ngành cà phê Việt Nam lên vị thế mới. Hội nghị là dịp mở rộng phát triển các hoạt động hợp tác, giao lưu kinh tế, văn hóa trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu, tiêu dùng các sản phẩm từ cà phê góp phần nâng cao giá trị và khẳng định vị thế cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới. Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cà phê làm việc, tìm kiếm đối tác trực tiếp tại hội nghị. Hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023 được kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy sản xuất và giao thương theo quy mô lớn và bền vững hơn.
Nhiều sản phẩm chế biến từ cà phê được giới thiệu tại Hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023. |
Sau hơn 100 năm du nhập vào Đắk Lắk, cà phê trở thành cây trồng chủ lực và mang tính đặc trưng của tỉnh Đắk Lắk. Đến nay, cà phê Đắk Lắk đã xuất khẩu đến hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, thương hiệu cà phê của tỉnh đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chứng nhận chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột và được bảo hộ tại 32 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu.
Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Đắk Lắk (Simexco Daklak) chia sẽ thông tin cà phê Robusta của Việt Nam nhập khẩu vào Nhật Bản chiếm tỷ lệ 75%. |
Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Daklak), doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu cà-phê lớn nhất tỉnh Đắk Lắk với doanh số hơn 6.500 tỷ đồng mỗi năm cho biết: “Sau 30 năm đồng hành và phát triển ngành hàng cà-phê Việt Nam, tôi khẳng định đến lúc này chất lượng của cà-phê Việt Nam được đánh giá là ổn định và ngon nhất thế giới. Cà-phê Robusta Việt Nam được tiêu thụ khắp nơi trên thế giới và ví dụ tại thị trường Nhật Bản đã thay dần robusta từ các quốc gia khác bằng Robusta Việt Nam với việc 75% tỷ lệ cà-phê nhập vào Nhật Bản là của Việt Nam”.
Các tham luận trình bày tại Hội nghị |
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại liên kết toàn cầu TP Hồ Chí Minh cho biết, sự trăn trở của nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến nông sản nói chung và cà-phê nói riêng tại Đắk Lắk nhiều năm qua là làm cách nào để nông sản Đắk Lắk “cất cánh”. Tuy nhiên, chưa có yếu tố phát triển mang tính bền vững. Bộ Công thương cũng như tỉnh Đắk Lắk cần có những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh tập trung nghiên cứu đầu tư chế biến sâu, có sự khác biệt để tạo ra các dòng sản phẩm đa dạng hơn để phục vụ thị trường, nhất là cà-phê, thế mạnh của tỉnh Đắk Lắk, đặc biệt khi tỉnh Đắk Lắk đang xây dựng TP Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà-phê thế giới.
Truyền thông góp phần quảng bá để Buôn Ma Thuột dần trở thành điểm đến cà phê thế giơi. |
Còn ông Han Tao, Tổng Giám đốc Công ty Hekou Sutao Trading đến từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc cho biết: “Dựa vào lợi thế về vị trí của Cảng Quốc tế Hà Khẩu Vân Nam và Cảng Cốc Lếu của Việt Nam và chính sách Một vành đai Một con đường của đất nước Trung Quốc, chúng tôi đến với hội nghị kết nối giao thông quốc tế năm 2023 do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Bộ Công thương tổ chức với mong muốn tăng cường giao lưu, hợp tác kinh tế thương mại với các doanh nghiệp Việt Nam.
Hội nghị thu hút nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư thế giới tham dự tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư tại Đắk Lắk. |
Công ty chúng tôi muốn tìm hiểu thêm về các doanh nghiệp trồng cà-phê và sản xuất các sản phẩm từ cà-phê tại Việt Nam, cũng như các vườn sầu riêng tươi, sầu riêng đông lạnh và các nhà máy đóng gói tại Việt Nam. Tăng cường liên lạc và trao đổi, hy vọng thông qua hội nghị này sẽ tìm được đối tác ở Đắk Lắk và Việt Nam cung cấp nguồn cà-phê ổn định cho công ty chúng tôi. Nếu chương trình hợp tác thuận lợi, chúng tôi sẽ ưu tiên xây dựng nhà máy chế biến sâu cà-phê tại Đắk Lắk, góp phần xây dựng TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk thành điểm đến của cà-phê thế giới như chủ đề của Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần này”.
Cục trưởng Cục thương mại Bộ Công thương Vũ Bá Phú nhấn mạnh: Hội nghị kết nối giao thương quốc tế là diễn đàn kết nối người mua và người bán, doanh nghiệp xuất khẩu và nhà nhập khẩu trong nước và quốc tế. |
Cục trưởng Cục thương mại Bộ Công thương Vũ Bá Phú đánh giá, trong khuôn khổ Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, việc tổ chức Hội nghị kết nối giao thương quốc tế có vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa người mua và người bán, giữa doanh nghiệp xuất khẩu và nhà nhập khẩu cũng như các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Thông qua đó, các doanh nghiệp, các hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk kết nối giao thương với các doanh nghiệp sản sản xuất, kinh doanh cà-phê trong nước và nước ngoài tiếp tục mở rộng thị trường, thâm nhập vào chuỗi cung ứng cà-phê của thế giới, xây dựng vững chắc vị thế cà-phê Buôn Ma Thuột, xứng đáng là thủ phủ cà-phê của Việt Nam và vươn mình trở thành điểm đến của cà-phê thế giới.
Doanh nghiệp ký kế các chương trình hợp tác tại Hội nghị kết nối giao thương quốc tế |
Tại Hội nghị, nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác về sản xuất, cung ứng các mặt hàng nông sản, đặc biệt là cà-phê./.