Hướng đến sự phát triển bền vững của đô thị nói riêng và quốc gia nói chung
Sự kiện 08/11/2023 17:35
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, ngày 8/11 là ngày đô thị Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ công nhận từ năm 2008, trên cơ sở xem xét vai trò ý nghĩa của đô thị đối với sự phát triển chung của quốc gia, cũng như hưởng ứng Ngày quy hoạch đô thị Thế giới (World Town Planning Day) và Ngày đô thị hóa Thế giới (World Urbanism Day). Mục tiêu là thu hút sự quan tâm của các cấp chính quyền, tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia xây dựng và phát triển đô thị.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại Diễn đàn. |
Hàng năm, ngày 8/11 đã trở thành ngày hội lớn, ngày vui của các Chính quyền đô thị, nhà quản lý, chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến phát triển đô thị và của mọi người dân cùng gặp gỡ, chia sẻ những suy nghĩ, lan tỏa thông điệp, hành động để xây dựng ngôi nhà chung đô thị nhằm có được môi trường sống chất lượng, văn minh, hiện đại, hướng đến sự phát triển bền vững của đô thị nói riêng và quốc gia nói chung.
Sự kiện Diễn đàn đô thị Việt Nam lần này cũng trùng khớp vào dịp kỷ niệm 20 năm hình thành và phát triển Diễn đàn. Có thể nói, sự kiện ngày hôm nay đặc biệt có ý nghĩa đối với sự phát triển đô thị.
Ngày 24/11/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dưng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Trong Nghị quyết này, Bộ Chính trị đã tổng kết thành tựu đã đạt được của phát triển đô thị Việt Nam sau 35 năm đổi mới. Chúng ta có thể tự hào về sự đóng góp của đô thị ở các mặt sau: Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn; chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao. Đô thị hoá và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng ở mức cao, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Bước đầu đã hình thành cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo; khoa học, công nghệ; giáo dục, đào tạo tại các đô thị lớn, nhất là tại Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. . Đến tháng 9/2023, toàn quốc có số lượng đô thị là 902 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 35 đô thị loại II, 46 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước ước đạt trên 42,6%.
Toản cảnh Diễn đàn đô thị Việt Nam năm 2023. |
Tuy nhiên, Nghị quyết 06-NQ/TW cũng đã thẳng thắn nêu ra những bất cập trong phát triển đô thị, trở thành đề bài để tập trung giải quyết trong quá trình đô thị hóa thời gian tới như: Tỷ lệ đô thị hoá đạt được thấp hơn mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và còn khoảng cách khá xa so với Tỉ lệ bình quân của khu vực và thế giới. Chất lượng đô thị hoá chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai, mức độ tập trung kinh tế còn thấp. Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị; chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn. Ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây ra nhiều tác động tiêu cực. Khả năng tiếp cận dịch vụ công và phúc lợi xã hội của người nghèo và lao động di cư tại đô thị còn thấp và nhiều bất cập. Năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, chậm được đổi mới.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết thêm, để có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Nghị quyết 06-NQ/TW đặt ra, chúng ta cần liên tục tổng kết thực tiễn trên cơ sở bối cảnh địa phương, đặc biệt trong bối cảnh phát triển và thay đổi nhanh chóng bởi sự tác động của dòng chảy cuộc cách mạng khoa học công nghiệp 4.0, những vấn đề rủi ro, thiên tai không báo trước.
Do vậy, cùng với sự kiện thường niên Ngày đô thị Việt Nam, Diễn đàn đô thị Việt Nam 2023 ngày hôm nay, chính là một cơ hội để các chính quyền đô thị các địa phương, nhà quản lý, chuyên gia, tổ chức, cộng đồng có liên quan đối thoại, chia sẻ, kết nối các tri thức, bài học, thực tiễn quan trọng để cùng có những đề xuất, định hướng, cách làm hay để hiện thực hóa những nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết 06-NQ/TW và Nghị quyết 148 của Chính phủ về triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW đã đề ra để phát triển đô thị đất nước giai đoạn mới.
Có thể nói, kể từ ngày 24/11/2022 – với dấu mốc là Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị, tầm quan trọng của đô thị đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước đã được khẳng định, được nâng cao, quán triệt sâu rộng đến hệ thống chính trị, chính quyền, người thực hiện và cộng đồng trên toàn quốc. Giờ đây, cùng với quan điểm “đô thị hóa là tất yếu, là động lực phát triển quốc gia”, vai trò của đô thị đã được nhìn nhận không chỉ là nơi cung cấp không gian sống có chất lượng cho người dân mà còn là nơi tập trung các nguồn lực, các cơ hội, các giải pháp đột phá, mang tính đổi mới sáng tạo, tạo ra những giá trị thặng dư lớn đối với sự phát triển của cư dân, của đô thị và của quốc gia, thậm chí đóng góp vào sự phát triển bền vững chung của đô thị - mái nhà chung của thế giới.
Nhìn rộng ra thế giới, chúng ta có thể thấy, quá trình phát triển đô thị đã có những bước tiến mới. Thế giới đã trải qua thời kỳ phát triển đô thị - như nơi cung cấp chỗ ở, đến giai đoạn phát triển đô thị - như nơi phát triển kinh tế, đến nay đô thị được quan điểm là - nơi tạo ra cơ hội đổi mới, phát triển con người, đổi mới sáng tạo và đóng góp cho việc giải quyết các thách thức chung của quốc gia, quốc tế đối với các vấn đề toàn cầu, toàn diện và các giấc mơ sống bền vững, xanh, thông minh. Như vậy, theo quy luật chung, đô thị hóa là tất yếu. Theo xu hướng chung, đô thị - được dự báo là không gian sống cho hơn 2/3 dân số trên thế giới, và sẽ là không gian sống chủ yếu tại Việt Nam trong thời gian tới, đô thị – sẽ phải đảm nhận được vai trò là một không gian sống tích cực hơn.
“Thời gian tới chính là cơ hội và là trách nhiệm để các chính quyền đô thị địa phương, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà chuyên môn đang thực hiện các công tác liên quan đến phát triển đô thị được đóng góp công sức để cùng hiện thực hóa các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp đã được Bộ Chính trị định hướng. Sự đóng góp này không chỉ là thiết yếu để góp phần phát triển kinh tế đất nước, phát huy vai trò của đô thị mà còn là tất yếu để cùng nhau xây dựng, hiện thực hóa mong ước về một không gian sống chất lượng của mỗi cộng đồng dân cư sống trong đô thị, để đô thị thực sự là nơi mà mỗi khi cư dân suy nghĩ về, họ đều cảm thấy đó là “nơi chốn” không thể thiếu trong đời sống vật chất, tinh thần của mình. Chúng ta cần đón nhận cơ hội này bằng tinh thần hào hứng, đón nhận thách thức này bằng tính trách nhiệm cao, phát huy tính chủ động, sáng tạo, hợp tác để cùng gặt hái những thành quả tốt đẹp” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.
Cũng tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị có các đề nghị như sau: Một là, đối với Chính quyền đô thị tại địa phương: Cần hết sức quan tâm, phát huy tính chủ động, bố trí nguồn lực, vật lực và nhân lực cho sự nghiệp phát triển đô thị tại địa phương, tập trung đầu tư nâng cấp, cải thiện chất lượng đô thị song song với quá trình đô thị hóa. Phát huy nội lực và động lực đô thị của địa phương để đáp ứng với nhu cầu tăng trưởng và sự phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị, các địa phương cần quyết liệt hơn, đảm bảo tiến độ của Chương trình hành động của địa phương thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW. Hai là, đối với cán bộ thực hiện công tác quản lý phát triển đô thị: Chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao năng lực hợp tác và phối hợp trong quá trình thực hiện các công tác quản lý phát triển đô thị, đặc biệt là các chương trình, đề án phát triển đô thị trọng điểm. Ba là, đối với các tổ chức, cộng đồng dân cư: Tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm cộng đồng đối với sự phát triển đô thị. Chủ động có những đề xuất, tham vấn, đóng góp với các cơ quan có liên quan tại địa phương và trung ương. Bộ trưởng tiếp tục mong muốn nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành Trung ương trong hoàn thiện thế chế có liên quan đến phát triển đô thị; hỗ trợ các địa phương trong quá trình thực hiện các Chương trình hành động phát triển đô thị. |