Hướng đến chiến lược chuẩn bị đầy đủ tài chính, sức khỏe cho tuổi già “từ xa, từ sớm”
TW hội 10/04/2024 14:55
Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lí luận Trung ương; Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam, Chủ tịch Hội NCT Việt Nam; Đoàn Minh Huấn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; PGS, TS Lê Hải Bình, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản chủ trì Hội thảo. Tham dự có 250 đại biểu đại diện các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, tổ chức quốc tế, lãnh đạo Tạp chí Cộng sản, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình, Trung ương Hội NCT Việt Nam và Hội NCT các tỉnh, thành phố phía Bắc.
Chủ tịch Hội NCT Việt Nam Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại Hội thảo. |
Chủ trì Hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng và đồng chí Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh: GHDS là một trong những xu hướng quan trọng nhất của thế kỉ XXI. Đây là thành tựu của quá trình phát triển, vừa tạo ra cơ hội mới nhưng cũng đặt ra thách thức về kinh tế, văn hóa, xã hội, lối sống của mỗi cá nhân, gia đình… Hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: NCT là vốn quý của dân tộc, là lực lượng quan trọng, là nguồn lực phát triển của đất nước; NCT phát huy truyền thống Diên Hồng, tiếp tục đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
GS. TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lí luận Trung ương phát biểu. |
Hơn 80 tham luận sâu sắc được tổng hợp và biên soạn trong Kỉ yếu Hội thảo và các ý kiến tại hội trường tập trung thảo luận một số vấn đề chung về GHDS; thực trạng GHDS nhanh ở Việt Nam và một số chính sách, giải pháp; kinh nghiệm ứng phó của một số nước trên thế giới; dự báo khuyến nghị chính sách thích ứng bối cảnh GHDS nhanh tại Việt Nam… Các tham luận thể hiện sự quan tâm sâu sắc, tâm huyết, trí tuệ đối với NCT, thể hiện đạo lí “uống nước nhớ nguồn” và mong muốn hiến kế với Đảng, Nhà nước về những giải pháp chính sách ứng phó với xu hướng GHDS của đất nước. Với ý nghĩa sâu sắc, tinh thần dân chủ trong khoa học, Hội thảo góp phần nâng tầm, đổi mới, phát huy hiệu quả, để NCT tiếp tục đóng góp to lớn đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước…
Các đại biểu tham dự Hội thảo. |
Theo TS Phạm Việt Dũng, Vụ trưởng, Trưởng ban Kinh tế, Tạp chí Cộng sản: Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh trên thế giới. Dự báo, đến năm 2038, nhóm NCT ở Việt Nam chiếm khoảng 20% dân số; năm 2050, Việt Nam sẽ tương đương với nước có dân số già nhất như Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong đó, khoảng 70% NCT sống tại khu vực nông thôn, chủ yếu sản xuất nông nghiệp; đa số không có tích lũy vật chất, không có lương hưu hay trợ cấp. Thực trạng việc làm của NCT ở Việt Nam có những vấn đề đặt ra như: NCT thường gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm mới vì thường không cập nhật được kĩ năng và kiến thức mới nhất. Nhiều doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng lao động trẻ, là yếu tố quan trọng trong phát triển doanh nghiệp. Lao động NCT thường làm việc trong ngành nghề truyền thống như sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thu nhập thấp, điều kiện làm việc không bảo đảm. Từ đó, phải thay đổi nhận thức xã hội về NCT, có những chính sách, chương trình đào tạo phù hợp với điều kiện, khả năng tiếp thu của từng nhóm lao động cao tuổi. Ưu tiên các chương trình hỗ trợ NCT phát triển kinh tế hộ gia đình, khởi nghiệp sản xuất, kinh doanh, tự tạo việc làm cho bản thân và những NCT khác… Ngoài ra, NCT cần được tiếp cận nguồn vốn lãi suất ưu đãi, tạo việc làm, tăng thu nhập, làm giàu chính đáng.
TS Trương Xuân Cừ, Phó Chủ tịch Hội NCT Việt Nam phát biểu tham luận |
TS Trương Xuân Cừ, Phó Chủ tịch Hội NCT Việt Nam cho rằng, chúng ta cần nhìn nhận NCT, nhóm dân số già có vai trò, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là chỗ dựa cho các thế hệ trẻ, thay vì nhìn nhận là đối tượng phải chăm lo, hưởng trợ cấp xã hội… GHDS đang trở thành xu hướng chung trên toàn cầu, do vậy, trong phát triển kinh tế - xã hội cần tính đến cả thời cơ và thách thức mà GHDS mang lại. Tiếp tục xây dựng hệ thống an ninh lương hưu; cần nghiên cứu, sửa đổi, đồng bộ hóa các quy định giữa Bộ luật Lao động, bảo hiểm xã hội, bình đẳng giới, Luật NCT; đầu tư vào chăm sóc y tế, xây dựng Đề án chăm sóc sức khỏe NCT. Hướng đến chiến lược chuẩn bị đầy đủ tài chính, sức khỏe cho tuổi già “từ xa, từ sớm”; vận động nhóm dân số trẻ đang hoạt động kinh tế tham gia bảo hiểm xã hội để chuẩn bị cho tuổi già đầy đủ hơn vì sẽ có lương hưu, không phải tất bật kiếm tiền.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc phát biểu tham luận Hội thảo |
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc, chia sẻ: Những năm gần đây, nhu cầu thụ hưởng chất lượng sống tăng lên, trong đó nhu cầu du lịch của NCT Việt Nam là không thể thiếu. Vì vậy, Ninh Bình đã đang trở thành điểm đến thu hút khách du lịch là NCT, bởi những yếu tố lợi thế về tài nguyên nhân văn và tự nhiên độc đáo như: Tập trung phát huy các giá trị đặc sắc, nổi trội riêng có của địa phương về văn hóa, lịch sử, tự nhiên, sinh thái; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng dịch vụ du lịch đồng bộ, cơ sở vật chất kĩ thuật; phát huy các giá trị của phong tục tập quán, tín ngưỡng cũng như văn hóa bản sắc của vùng đất cố đô… Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, tổ chức nghiên cứu thị trường khách cao tuổi, có các chính sách, định hướng để đẩy mạnh thu hút thị trường du khách NCT; thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ để phát triển du lịch. Qua đó, phấn đấu đưa Ninh Bình trở thành điểm đến du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn cho NCT trong thời gian tới.
Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học “Già hóa dân số (GHDS) ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách” chụp ảnh lưu niệm |