Họp khẩn trực tuyến ứng phó với siêu bão Mangkhut
Tin tức 14/09/2018 16:49
Hội nghị do Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng - Trưởng ban Nguyễn Xuân Cường chủ trì.
Hiện nay trên thế giới đang có 9 cơn bão đang hoạt động, trong đó cơn bão Mangkhut là mạnh nhất. Với cấp gió hiện tại, bão Mangkhut đạt Cấp 5 (cấp lớn nhất trong thang bảng Quốc tế), mạnh hơn cơn bão Harvy đã đổ bộ vào nước Mỹ năm 2017 (cấp 4).
Theo tin của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, 7 giờ sáng ngày 14/9, vị trí tâm siêu bão ở vào khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 126,9 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông (Philippines) khoảng 530km về phía Đông, mạnh cấp 17 (200 - 220km/giờ), giật trên cấp 17.
Dự báo trong 24-72 giờ tới, siêu bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km và đi vào Biển Đông vào trưa 15/9. Khả năng cao bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Vịnh Bắc Bộ trong khoảng ngày 16 - 17/9 và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong khoảng ngày 17-18/9.
Phạm vi bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp là khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hoá (gồm 27 tỉnh/tp), với cường độrất mạnh (cấp 11-12, giật cấp 14) và gây mưa lớn cho Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.
Họp khẩn trực tuyến ứng phó với siêu bão Mangkhut. Ảnh: H.V |
Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai, trước diễn biến phức tạp của cơn bão Mangkhut, Ban Chỉ đạo TW về PCTT yêu cầu các Bộ ngành, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh,thành phố Bắc Bộ từ Nghệ An trở ra triển khai khẩn trương, kiên quyết kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú; hướng dẫn, tổ chức sắp xếp tàu thuyền tại khu neo đậu để đảm bảo an toàn, xong trước 10h00 ngày 16/9/2018.
Gia cố, đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thuỷ sản; thu hoạch sớm các khu nuôi trồng thuỷ sản; Tổ chức sơ tán người dân trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản, vùng thấp trũng ven sông, ven biển đến nơi an toàn trước 17 giờ ngày 16/9/2018.
Rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển; Tập trung thu hoạch các diện tích lúa đã chín với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; tiêu gạn nước đệm để chống úng; Chằng chống, gia cố nhà cửa, biển quảng cáo, kho tàng,công trình công cộng, đặc biệt đối với công trình tháp cao; tổ chức chặt tỉa cành cây.
Cấm giao thông trên các vị trí trọng điểm đặc biệt là với cầu vượt biển; Bảo vệ an toàn đê điều, nhất là đối với các tuyến đê biển bị sự cố, có phương án ứng phó kịp thời; Đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện và thông tin liên lạc; sẵn sàng lực lượng, vật tư để khắc phục ngay các sự cố.
Triển khai ngay các tổ đội xung kích tại các thôn, bản kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, thông báo cho người dân để chủ động phòng tránh(đặc biệt như khu vực đồi Ông Tượng, Hoà Bình; Mường Lát, Thanh Hoá).
Tổ chức di dời dân cư vùng có nguy cơ cao; Đảm bảo thông tin liên lạc, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, sẵn sàng phương tiện để khắc phục giao thông khẩn cấp với các khu vực có nguy cơ bị chia cắt; Tổ chức cắm biển cảnh báo,tuần tra, canh gác các khu vực ngầm tràn, đường bị ngập sâu,hầm lò, khu vực khai thác khoáng sản, các khu vực nguy cơ sạt lở, lũ quét và nghiêm cấm vớt củi khi có lũ; Sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ chứa, nhất các hồ chứa đã đầy nước.Kiểm soát chặt chẽ việc xả lũ của các hồ chứa thuỷ điện.
Liên tục cập nhật tình hình, tính toán toán phương án vận hành liên hồ chứa thủy điện đảm bảo an toàn công trình và hạ du;Các địa phương phải thông báo tới các tổ chức, cá nhân sinh sống và hoạt động kinh tế ven sông sẵn sàng sơ tán, di dời, nhất là khu vực thành phố Hoà Bình (phường Đồng Tiến).
Bên cạnh đó, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai cho biết, ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai – Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức thường trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc của các Bộ, ngành và địa phương triển khai các biện pháp ứng phó.
Tổ chức và bố trí điều kiện để các đoàn công tác liên ngành trực tiếp chỉ đạo, phối hợp với địa phương xử lý trong các tình huống cấp bách tại các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá, các trọng điểm đê điều, hồ chứa thuỷ lợi; Tổ chức tính toán phục vụ điều hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng đảm bảo an toàn hồ chứa và hạ du; Điều phối vật tư hộ đê, phòng, chống thiên tai theo đề xuất của các địa phương; Chỉ đạo các tàu kiểm ngư sẵn sàng tham gia tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu.
Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo rà soát phương án, sẵn sàng bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực xung yếu để thực hiện việc sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an ninh trật tự, điều phối giao thông khi có yêu cầu.
Các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ lên kế hoạch cụ thể phối hợp với chính quyền địa phương tổng rà soát các phương án cụ thể để chủ động xử lý trong các tình huống trước, trong và sau bão; duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến của bão và phổ biến các kỹ năng ứng phó với bão và mưa lũ để người dân, tổ chức chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại.
Báo Tin tức