Hồng Nhung: Không đâu phù hợp hơn Đà Nẵng để tổ chức lễ hội pháo hoa
Nhịp sống văn hóa 14/06/2019 15:13
Xin chào chị Hồng Nhung! Chị đã từng biểu diễn rất nhiều lần tại Đà Nẵng, điều gì khiến chị thấy thích thú nhất khi biểu diễn ở thành phố này?
Từ những năm 90, Đà Nẵng đã trở nên nổi tiếng như là một thành phố đón chào nhạc nhẹ. Vì thế, những bước đầu tiên trong sự nghiệp ca hát chuyên nghiệp của Hồng Nhung đã gắn liền với Đà Nẵng, từ đầu là nhà hát Trưng Vương, sau này mỗi lần hát trong Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Nhung lại được tiếp xúc với hàng chục ngàn khán giả có mặt tại sự kiện và hàng triệu người xem truyền hình trực tiếp. Năm nay là lần thứ 4 Hồng Nhung được biểu diễn trong Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng – niềm tự hào của Đà Nẵng, Việt Nam, trên một sân khấu hoành tráng, phía sau là dòng sông Hàn lấp lánh cùng những phần trình diễn “thần tiên”. Đó là điều Hồng Nhung cảm thấy vô cùng hào hứng và thích thú khi biểu diễn ở Đà Nẵng.
Chủ đề chung của Lễ hội pháo hoa năm nay là “Những dòng sông kể chuyện”, và chủ đề của đêm pháo hoa mà Hồng Nhung biểu diễn là “Tình yêu”. Chị nghĩ thế nào về mối liên hệ giữa tình yêu của con người gắn với những dòng sông trong cuộc đời?
Ở đâu cũng vậy, khi cuộc sống có nhiều xáo động ta lại có sự “điều hoà” của những dòng sông. Dòng sông là nơi lưu giữ ký ức tuổi thơ và cả hành trình lớn lên của con người, nhưng lại có sự “ôm ấp” của thiên nhiên khiến tâm hồn con người trở nên giàu có hơn. Hà Nội có sông Hồng, TP Hồ Chí Minh có sông Sài Gòn, còn người dân Đà Nẵng thật may mắn khi có cả biển và sông. Vì thế, Đà Nẵng là một thành phố thật đặc biệt, sẽ không thể là nơi nào khác tuyệt vời hơn Đà Nẵng để tổ chức cuộc thi pháo hoa quốc tế tại Việt Nam.
Chị có thể chia sẻ về tiết mục mà mình sẽ trình diễn trong đêm tới đây?
Lần này, ban tổ chức và đạo diễn chương trình đã giao cho Hồng Nhung hát một bài nhạc Ý dẫn vào phần thi của đội pháo hoa Ý, đó là ca khúc L’Italiano rất nổi tiếng của nhạc sỹ Toto Cutugno. Mới đầu Hồng Nhung rất hăng hái bởi đây là một bài nhạc nhẹ của Ý, lại rất quen thuộc với khán giả Việt Nam. Tuy nhiên khi “vỡ bài”, Hồng Nhung mới “ngã ngửa” vì phát âm quá khó nên đã phải nhờ người ở Lãnh sự quán Ý hướng dẫn phát âm từng câu trong bài hát này. Quả thật là một “bài toán” hóc búa và rất may đến bây giờ Hồng Nhung đã thuộc nhuyễn ca khúc này để phục vụ khán giả.
Trong sự nghiệp ca hát dài như thế, chắc chắn không chỉ có thành công mà còn cả những thất bại. Tuy nhiên nếu nhìn lại hành trình của mình từ những ngày đầu bước chân vào nghề, Hồng Nhung không có điều gì phải ân hận hay nuối tiếc, bởi, dù thành công hay lỗi lầm thì đều khiến mình mạnh mẽ bước đi để được như ngày hôm nay. Nhất là gần đây Hồng Nhung có dịp được gặp đức ngài Đạt Lai Lạt Ma, Hồng Nhung đã học được thêm nhiều cách để có thể tự tìm được sự yên bình trong chính tâm hồn mình, biết chấp nhận và sống với thực tế bằng tình yêu và sự trân trọng đối với đời sống này, như Ngài đã nói “Bằng lòng tốt, bằng khả năng yêu và bằng khả năng nâng niu cuộc sống rất đáng trân trọng mà mình có”.
Người ta nói “Khôn đâu đến trẻ, khoẻ đâu đến già”, dường như câu nói này không đúng với chị, chị nghĩ sao về nhận định này?
Bố Hồng Nhung hay trêu là: “Thông minh vốn sẵn tính mình, tưởng thông minh hoá thần kinh lúc nào” (cười), ý của ông cụ muốn nói rằng, mình là con người nên khôn hay dại, thông minh hay “thần kinh” thì cũng là bình thường, bởi là con người thì ai cũng có lúc này lúc khác. Ngay cả Phật cũng nói rằng “tôi cũng chỉ là một con người”, hay như ngài Đạt Lai Lạt Ma nói rằng “Tôi chẳng phải thần thánh gì cả, tôi chỉ là một người đi tu khiêm tốn”, cho nên câu nói “Khôn đâu đến trẻ, khoẻ đâu đến già” Hồng Nhung nghĩ nó cũng đúng thôi, chẳng có ai khôn mãi, cũng như chẳng có ai trẻ mãi cả, trừ tâm hồn, bởi nếu tâm hồn chúng ta luôn được tưới tắm bởi niềm vui, tình yêu, những điều tích cực thì tâm hồn mình có thể trẻ mãi.
Cảm ơn chị!