Hãy để Bồ Tát là Bồ Tát
Tin tức 05/08/2018 08:53
Phản ứng gay gắt
Hôm ấy nhằm 19/6 âm lịch tức 31/7 dương lịch, đúng ngày Quán Thế Âm Bồ Tát thành đạo, một trong tám ngày lễ chính của Phật giáo ở Việt Nam (VN). Đại thể, thiếu nữ vào vai Bồ Tát như Bồ Tát trong phim Tây Du Ký. Không biết tự bao giờ, dung mạo và kiểu trang phục ấy của Bồ Tát trên phim ảnh được thừa nhận như chuẩn mực.
Cô gái hoá thân Quán Thế Âm tại lễ hội vía Quán Thế Âm ở TTH ngày 31/7 (Nguồn: Dân Trí). |
Hiềm nỗi, khác với mọi năm, lần này phụ kiện của Bồ Tát xuất hiện ở chân núi Tứ Tượng (thôn Bằng Lăng, xã Thuỷ Bằng) nom giống ở các tiệm cho thuê đồ cưới. Voan trắng trên đầu giống hệt thứ cô dâu thời thượng hay đội. Váy trắng có cổ viền đăng ten trễ xuống gần ngực căng tròn. Hai ống tay áo trong suốt và tận cùng là chân váy bung to tựa cái nia sàng thóc.
Các diễn đàn mạng chỉ trích trang phục của Bồ Tát “sống” tại lễ hội Quán Thế Âm kéo dài hai ngày tổ chức ở Trung Tâm Du Lịch Tâm Linh Phật Giáo Quán Thế Âm thuộc thị xã Hương Thủy, cách cố đô Huế không xa về phía đông nam. Một trang được nhiều kiều bào đọc đưa “dư luận trong nước đang xôn xao về hình tượng Phật Bà Quan Âm”. Một tờ báo mạng giận dữ “báng bổ thần thánh như vậy là không thể chấp nhận được”. Diễn đàn phatgiao.org.vn bày tỏ “việc làm đó là bất xứng, thiếu hiểu biết và tôn kính”.
Dân Việt nêu ý kiến ông Bạch Chơn Đông - Giám đốc Sở Nội vụ Tỉnh TTH có bộ phận quản lý nhà nước về tôn giáo - rằng chương trình đã được Giáo hội Phật giáo tỉnh nghiên cứu kỹ, và rằng “cô gái đóng Phật Bà không phải mặc váy mà mặc áo trắng. Cái đó đối với cơ quan quản lý nhà nước phản cảm hay không thì không nhận định được. Hoạt động của họ không có vấn đề gì vi phạm pháp luật”. Diễn đàn phatgiao.org.vn nhận định đấy là “trả lời rất bao biện và vô trách nhiệm”.
Dung tục
Cách cho Bồ Tát ăn mặc kiểu cô dâu đúng là dễ động chạm đến lòng thành kính đã thành truyền thống huyền thoại của người Việt dành cho Bồ Tát.
Hình tượng Quán Thế Âm Bồ Tát trong dân gian. |
Quán Thế Âm vốn được miêu tả trong nhiều nền văn hóa khác nhau cả dạng thân nam lẫn thân nữ. Tuy nhiên, cũng như ở Trung Quốc và Nhật Bản, Quán Thế Âm ở VN được trình bày dưới dạng thân nữ. Ngài được gọi là Bạch Y Hành Giả, tức vị nữ hành giả mặc y phục màu trắng. Vấn đề ở chỗ không phải bạch y hay y phục trắng nào cũng được chấp nhận nếu biết hồng danh Quán Thế Âm có vị trí thiêng liêng trong tâm thức người Việt thế nào.
Trong quan niệm của người Việt, Quán Thế Âm luôn được xem là vị bồ tát có thần lực hơn cả, chỉ sau Thích Ca Mầu Ni Phật hay còn gọi là Phật Tổ. Quán Thế Âm được tôn xưng như vậy có thể do ảnh hưởng của Đại Thừa vốn chiếm vị trí chủ yếu ở VN lấy cứu vớt và giác ngộ chúng sinh làm tư tưởng chủ đạo. Nói cách khác, tư tưởng “giác tha” ấy càng làm tăng lòng sùng kính của người theo đạo Phật đối với Quán Âm.
Một trong những bằng chứng của sùng kính là nhiều chùa Đại Thừa có thể không có tượng Phật Tổ song luôn có tượng Bồ Tát. Nếu có đầy đủ, bên cạnh tượng Phật Tổ bao giờ cũng có tượng Quán Âm hai bên tả hữu là Quán Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát, đại diện cho hai dạng phật tính căn bản là từ bi và trí tuệ. Ngoài khuôn viên chùa cũng vậy, các tượng trên luôn hiện hữu trong khi có thể thiếu các tượng phật hay bồ tát khác như Phổ Hiền Bồ Tát, Địa Tạng Bồ Tát, hay Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.
Sơ qua như vậy chắc cũng đủ thấy lựa chọn bạch y như thế nào khó có thể tuỳ tiện, dễ dẫn đến dung tục hoá câu niệm hồng danh “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát”.
Giải thiêng - Lợi bất cập hại
Cho người thật hoá thân Bồ Tát trong lễ hội vía Quán Thế Âm Bồ Tát có lẽ là một trong những nỗ lực hoằng pháp, cố gắng kéo sinh hoạt Phật giáo đến gần hơn nữa với công chúng vốn đang có dấu hiệu suy giảm ở VN. Tuy nhiên, trong đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp nhà nước số hiệu KX. 04.14/06-14 nhan đề “Biến đổi cơ cấu xã hội Việt Nam”, các nỗ lực hoằng pháp của Phật giáo nhiều năm qua được cho là chưa có nhiều kết quả.
Tại một số vùng (nhất là Tây Bắc, Tây Nam Bộ, và Tây Nguyên), Phật giáo có số tín đồ ít hơn các tôn giáo khác, theo thạc sỹ đại tá Bùi Huy Du. Một số nơi ghi nhận sự xuất hiện các cộng đồng dân tộc, tôn giáo mới. Một số người trong các cộng đồng dân tộc chuyển sang theo các tôn giáo mới như Công Giáo, Tin Lành. Một số phật tử như người Khmer bỏ đạo Phật theo Tin Lành. Tổ chức tôn giáo cơ sở ở một số nơi “lấn lướt tổ chức truyền thống làng xã” và các tổ chức tôn giáo đó không phải là Phật giáo.
Trong lúc chờ các nghiên cứu có hệ thống mổ xẻ nguyên nhân thực sự khiến Phật giáo suy giảm và các tôn giáo khác lấn lướt, có ý kiến cho rằng trần tục hoá sinh hoạt tôn giáo theo kiểu cho người hoá thân thành Bồ Tát chẳng khác gì “giải thiêng” hay làm Phật giáo mất hấp dẫn trong đời sống tâm linh của tín đồ.
Với truyền thống thờ cúng tổ tiên hay linh hồn người đã khuất, người Việt luôn coi Phật Tổ hay Quán Thế Âm như một thứ tổ tiên thay vì người ngoại tộc hay ngoại quốc cho dù Phật giáo phát tích từ Ấn Độ và Đại Thừa được truyền thừa từ Trung Quốc. Với truyền thống thờ thần hay thế lực siêu nhiên, người Việt cũng thường xuyên coi Phật Tổ hay Quán Âm như các vị thần. Không chỉ ở nhiều chùa chiền, hầu như phật điện nhà ai cũng trở thành thần điện để mong được phù hộ độ trì.
Có thể thấy tín ngưỡng thờ thần đã hoà trộn tự nhiên với tín ngưỡng thờ Phật, tính tâm linh Ấn Độ (quê hương của Phật giáo) nhường bước cho tính tâm linh Việt. Đấy có lẽ là một trong những lý do khiến Phật giáo ăn sâu bén rễ trong đa số cư dân Việt so với các tôn giáo khác cho đến gần đây.
Một Quán Thế Âm Bồ Tát bằng xương bằng thịt có thể hấp dẫn nhãn căn (mắt). Song để đánh thức lòng từ bi và trí tuệ bằng lục căn (sáu giác quan), chưa chắc người trần đóng thế vượt qua một bức tượng tưởng là vô hồn. Theo quan niệm của người Việt, tượng càng cổ càng có nhiều linh trì vào đó và, như vậy, càng thiêng. Tượng Man Nương hay Ỷ Lan trở nên thần bởi các vị đã được trì thành Phật Mẫu hay Quán Âm.
Thực sự cảm thấy băn khoăn trước việc trần tục hoá Quán Âm như kiểu ở TTH, một trong những trung tâm Phật giáo sôi nổi nhất VN. Làm như thế liệu có khiến mọi người, nhất là giới trẻ, đến với Phật giáo nhiều hơn, đánh thức và nuôi dưỡng tính thiện trong họ không? Đấy có phải là nỗ lực hoằng pháp thích ứng hiệu quả với đời sống hiện đại hay không?
Cách cho Bồ Tát ăn mặc kiểu cô dâu đúng là dễ động chạm đến lòng thành kính đã thành truyền thống huyền thoại của người Việt dành cho Bồ Tát.
Tiền Phong