Gương sáng khởi nghiệp ở vùng đất nhiễm phèn
Tuổi cao gương sáng 22/01/2025 09:57
Với 3.000m2 đất ruộng nhiễm phèn của ba má chia cho, hằng ngày, vợ chồng ông Vĩnh không chỉ cần mẫn cải tạo đất, chăm sóc ruộng lúa mà ông còn tranh thủ lúc rảnh rỗi đi làm cỏ thuê, cắt lúa mướn; rồi vào mùa nước nổi thì giăng câu, thả lưới... để kiếm thêm thu nhập nuôi con.
Ông Trần Đức Vĩnh |
Bằng ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm vượt lên chính mình, ông Vĩnh tham gia Hội Nông dân xã Phú Cường, được dự nhiều lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ… tiếp thu các tiến bộ khoa học kĩ thuật và công nghệ hiện đại. Từ đó, ông Vĩnh đã áp dụng hiệu quả vào sản xuất trên đồng đất của gia đình. Không chỉ canh tác đất nhà mà vợ chồng ông Vĩnh còn được Hội Nông dân địa phương và Ngân hàng Nông nghiệp huyện xét cho vay vốn, với lãi suất ưu đãi và thuê đất để đầu tư sản xuất phát triển kinh tế gia đình. Nhờ chí thú làm ăn và áp dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến nên năm nào gia đình cựu chiến binh Vĩnh cũng gặt hái thành công trong sản xuất. Mỗi năm, vợ chồng ông Vĩnh đều có vốn dư để mua sắm thêm vài công đất ruộng cho gia đình. Đến năm 2016, vợ chồng ông Vĩnh đã tạo được một cơ ngơi đáng nể, với một căn nhà tường khang trang, tiện nghi sinh hoạt trong gia đình đắt tiền và có trong tay trên 300 công đất ruộng. Trong đó, có 200 công đất sản xuất 2 vụ/năm và hơn 100 công đất sản xuất 3vụ/năm. Từ năm 2016 đến nay, trung bình mỗi năm, gia đình ông Vĩnh đã thu lãi từ việc canh tác 30ha lúa an toàn trên 1 tỉ đồng.
Để thay đổi tư duy sản xuất lúa chất lượng cao, có được sản phẩm lúa sạch, an toàn, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hướng đến xuất khẩu, ông Vĩnh đã dành 17ha trong số đất ruộng của mình tham gia vào “Dự án sáng kiến lúa gạo Châu Á” do ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai. Qua thực hiện Dự án, ông Vĩnh không chỉ tiết giảm chi phí đầu tư bình quân 2 triệu đồng/ha, năng suất lúa bình quân đạt 6,5 tấn/ha mà còn nâng được giá trị hạt lúa chất lượng và an toàn, được nhiều Công ty tìm đến liên kết thu mua với giá cao, mang lại nguồn lợi nhuận đáng kể cho gia đình, góp phần thực hiện thắng lợi đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở địa phương. Vụ Đông Xuân 2021 - 2022, ông Vĩnh đầu tư trên 565 triệu đồng mua thiết bị bay không người lái để sạ lúa, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật cho hơn 30ha lúa ruộng nhà và làm dịch vụ kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Sau nhiều năm miệt mài lao động cật lực và biết tính toán làm ăn, biết chi tiêu tiết kiệm nên cuộc sống của gia đình ông Vĩnh đã thoát nghèo, vươn lên khá-giàu bền vững; hai con của vợ chồng ông đều được học hành đến nơi đến chốn. Con trai lớn Trần Đức Thạnh, sinh năm 1993, nay đã là thạc sĩ, nghiên cứu viên tại Trường Đại học Cần Thơ; còn con út Trần Trung Tường, sinh năm 1995 đã tốt nghiệp đại học và lập gia đình, đang có việc làm ổn định.
Nhiều người dân ở xã Phú Cường rất nể phục bản lĩnh, ý chí và nghị lực của vợ chồng ông Vĩnh. Từ một hộ nghèo, đến nay, gia đình ông đã trở thành khá giả. Ông Trần Đức Vĩnh cho biết: “Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mua thêm đất ruộng và đổi các thửa đất nhỏ, lẻ để tập trung về một điểm thành cánh đồng lớn và thực hiện kí kết hợp đồng với các doanh nghiệp để liên kết vật tư, phân bón, giống lúa đầu vào, tiêu thụ sản phẩm lúa đầu ra ổn định, bền vững”.