Gỡ khó cho doanh nghiệp ngành Logistics
Kinh tế 22/09/2021 09:07
Hỗ trợ doanh nghiệp logistics vượt khó
Là một người cao tuổi (NCT) có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Logistics Việt Nam, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Tổng giám đốc T&M Forwarding thông tin, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở Việt Nam, dẫn đến những khó khăn rất lớn cho hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải và logistics.
Nhiều địa phương áp dụng Chỉ thị 16 và 16+ nên việc đi lại của người lao động tại công ty gặp trở ngại. Yêu cầu người lao động, lái xe đều phải xét nghiệm Covid làm tăng chi phí của các doanh nghiệp vận tải và dịch vụ logistics. Hàng xuất từ kho tới cảng bị chậm, ùn ứ, giảm năng lực xếp dỡ... gây khó khăn cho lưu thông. Sản lượng dịch vụ logistics giảm đáng kể do kinh doanh của khách hàng gần như tê liệt, khách hàng giảm diện tích thuê, đề nghị giảm giá dịch vụ do không bán được hàng...
Chi phí phòng chống dịch tăng cao, việc thực hiện “3 tại chỗ” tạo áp lực lớn. Đặc biệt, giá cước tàu tăng cùng các phụ phí từ hãng tàu trở thành gánh nặng chi phí logistics và áp lực cho doanh nghiệp dịch vụ logistics, trong đó có không ít doanh nghiệp làm dịch vụ logistics do NCT làm chủ hoặc trực tiếp phục vụ. Sự khó khăn của doanh nghiệp càng làm tăng thêm khó khăn cho họ và gia đình, ảnh hưởng lớn đến tâm trạng và hiệu quả làm việc của người lao động.
Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam. |
Ông Đào Trọng Khoa đề xuất Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và đặc biệt là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, qua đó góp phần ổn định đời sống công nhân viên, nhất là với các gia đình có người bệnh tật, NCT, trẻ em phải nuôi dưỡng.
Thứ nhất, đề nghị các điạ phương thống nhất quy định về phòng, chống dịch trong hoạt động vận chuyển lưu thông hàng hóa và kiểm soát các lái xe. UBND tỉnh, thành phố nơi có các cửa khẩu quốc tế đường biển, đường hàng không, phải ưu tiên phân “luồng xanh” cho vận tải hàng hóa xuất - nhập khẩu, không để xảy ra chậm trễ kết nối với các chuyến tàu, máy bay đã đặt lịch, hoặc nguyên liệu không đến kịp nhà máy gây đứt gãy sản xuất.
Thứ hai, cần thay đổi quy trình thủ tục giám sát hải quan theo hướng thuận lợi hóa thương mại, cho phép các doanh nghiệp khai báo Hải quan chung theo tỉnh, thành phố hoặc khu vực lớn hơn và đưa hàng về các địa điểm thông quan trong khu vực dưới sự giám sát của Hải quan như thông lệ của các nước Tây Âu - Bắc Mỹ, làm giảm ùn tắc và quá tải cảng cửa ngõ và cũng là cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Thứ ba, đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp logistics. Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Trong đó, giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỉ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019.
Thứ tư, đề nghị không áp dụng các chính sách làm tăng chi phí logistics nói chung, như chi phí vận tải, giá nhiên liệu, giá BOT, phí và các lệ phí có liên quan khác, giảm mức thu phí hạ tầng cảng biển của TP Hải Phòng và tới đây là TP Hồ Chí Minh.
Giải pháp tháo gỡ khó khăn
Để giải quyết khó khăn trong việc các hãng tàu nước ngoài tăng giá cước vận chuyển cao liên tục, đề nghị các Hiệp hội ngành hàng, VLA cùng với VCCI phối hợp, hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp thành viên trong việc trao đổi thông tin về thị trường giá cước, container rỗng và hoạt động nghiệp vụ để cùng giải quyết với các Hãng vận chuyển trong việc lưu cước, giá cước, và giảm phụ phí hàng hải.
Đề nghị các Bộ, ngành quản lí chỉ đạo hiệu quả việc thực thi các văn bản pháp luật như Nghị định 146 về khai báo cước phí vận chuyển đường biển của các hãng tàu container nước ngoài và hạn chế việc tăng cước vận chuyển thiếu kiểm soát. Đồng thời, không được tăng và có biện pháp giảm hoặc loại bỏ một số trong 12 loại phụ phí đường biển cao hiện nay.
Với kinh nghiệm của NCT có nhiều năm quản lí ngành Logistics ông Đào Trọng Khoa đề xuất một số giải pháp lên Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, giải quyết công ăn việc làm cho người dân, trong đó có nhiều NCT còn sức khỏe lao động cải thiện đời sống.
Một là, đề nghị Chính phủ có quyết sách phát triển vận chuyển vận tải biển mang thương hiệu Việt Nam. Cụ thể là phát triển đội tàu container cỡ lớn kinh doanh tuyến xa, đáp ứng yêu cầu chuyên chở hàng xuất - nhập khẩu của Việt Nam và cũng là cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp xuất - nhập khẩu trong nước.
Hai là, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ ngành liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics và các doanh nghiệp sản xuất, xuất - nhập khẩu trong việc chuyển đổi số phục vụ cho hoạt động kinh doanh, nhất là phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới.
Các doanh nghiệp cũng cần chủ động phối hợp với các địa phương trên địa bàn hoạt động để tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện về phòng chống dịch, quy định lưu thông hàng hóa, phương tiện, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động của doanh nghiệp. Ngoài ra, cần mở rộng quan hệ với các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn như Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ, Hội CCB, Hội NCT, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, các tổ chức, cá nhân làm công tác nhân đạo, từ thiện… để tranh thủ các nguồn hỗ trợ cho gia đình cán bộ, công nhân viên gặp khó khăn hoặc có NCT, trẻ em sống phụ thuộc…
Bên cạnh đó, chính các doanh nghiệp dịch vụ logistics cũng phải nỗ lực vượt khó. Từng doanh nghiệp phải phát huy sáng kiến, đặc biệt là kinh nghiệm quản trị, điều hành của NCT có nhiều năm làm việc tại doanh nghiệp. Mặt khác, cần động viên người lao động, NCT có tay nghề cao cùng gia đình của họ, yên tâm gắn bó, chia sẻ đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn để phục hồi, phát triển.